Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Giảm tải chương trình phổ thông còn “rụt rè, vụn vặt”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố bản dự thảo nội dung liên quan đến chương trình giảm tải sách giáo khoa ở tất cả các bậc học để xin ý kiến đóng góp. Tuy nhiên, theo GS Văn Như Cương thì việc giảm tải như dự thảo là còn khá rụt rè, chưa mạnh dạn.
Trao đổi với PV, GS Văn Như Cương cho biết: Tôi cho rằng Bộ GD&ĐT đã có một chủ trương đúng đắn và phù hợp với thực tế. Đã từ lâu, khi bắt đầu thực hiện chương trình và SGK mới ở bậc Phổ thông (từ lớp 1 đến lớp 12), thầy giáo, học sinh, cha mẹ học sinh và dư luận xã hội đều nhận ra một thực tế là con em chúng ta học khổ quá, vất vả quá. Chương trình hiện hành quá nặng, quá sức học sinh. Nặng là ở chỗ kiến thức thì nhiều mà thời lượng thì ít.
Chẳng hạn với chương trình Toán hiện nay mà học 3 tiết một tuần thì học sinh khó có thể thu nhận kiến thức, nếu học 5 hay 6 tiết mỗi tuần thì không có vấn đề gì. Tôi thấy không có nước nào trên thế giới chỉ học 3 tiết Toán một tuần cả. Vậy nên trong lúc chờ đợi viết lại chương trình và sách giáo khoa, chúng ta cần điều chỉnh cho phù hợp.    
GS Văn Như Cương
Theo như GS thì hiện chương trình học có quá nhiều thứ rườm rà cần phải "cắt". Như vậy, việc giảm tải như trong dự thảo đưa ra đã hợp lý chưa? Nếu phải điều chỉnh thì điều chỉnh ở điểm nào, thưa GS?
Theo tôi việc giảm tải như dự thảo là còn khá rụt rè chưa mạnh dạn.Tôi không biết Bộ đã có thống kê về tỉ lệ số tiết đã cắt giảm chiếm bao nhiêu phần trăm hay chưa? Nếu có thì cũng nên công bố. Chẳng hạn chỉ giảm tải độ chừng 10% thì tôi e rằng chưa đạt yêu cầu. Theo tôi giảm đi 30% chương trình thì mới có thể tạo ra một sự thay đổi thực chất. Các bài, thậm chí các chương không cần thiết thì nên bỏ.
Tôi không dám nhận xét chung cho nhiều môn học khác vì tôi chỉ biết về môn Toán. Đối với môn học này sự giảm tải khá là vụn vặt. Ví dụ chỉ làm bài tập này, không cần làm bài tập kia, bỏ ví dụ này, bỏ hoạt động (thao tác) kia. Dự thảo chưa dám mạnh dạn bỏ đi từng mảng kiến thức thực sự không cần thiết hoặc rất khó đối với học sinh như: Số phức, phép biến hình…      
Việc cắt giảm theo tôi là hợp với lòng dân, lại tốn rất ít tiền. Chỉ cần giao cho một nhóm nhỏ các nhà chuyên môn làm việc điều chỉnh cho mỗi bộ môn. ở thời điểm này, sách giáo khoa chưa cần viết lại, chỉ cần có hướng dẫn cho giáo viên biết phải cắt bỏ như thế nào. Như vậy, ngay trong năm học tới, chúng ta đã có thể thực hiện chương trình và sách giáo khoa điều chỉnh cho học sinh đỡ khổ.
Theo GS, việc giảm tải liệu có giúp nâng cao chất lượng đào tạo như kỳ vọng của Bộ GD&ĐT hay cần phải sử dụng đến các giải pháp khác hữu hiệu hơn?
Trả lời báo chí về chương trình giảm tải đang thực hiện lấy ý kiến, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: "Giảm tải không có nghĩa là cắt chương trình một cách cơ học mà tiến hành điều chỉnh nội dung dạy học, chỉ cắt những phần không hợp lý trên cơ sở vẫn đảm bảo giữ được mạch của chương trình, tính logic của kiến thức và tính thống nhất của các bộ môn. Việc giảm tải năm học 2011-201".
Ta chỉ giảm tải kiến thức chứ không giảm thời lượng. Vì thế, các kiến thức còn lại sẽ được học nhiều giờ hơn. Việc giảm tải cố nhiên là làm cho học sinh học nhẹ nhàng hơn và hiểu vấn đề kĩ lưỡng hơn. Tuy nhiên để nâng cao chất lượng đào tạo thì cần có nhiều biện pháp đồng bộ nữa.
Ngày 15/8 đã bắt đầu năm học mới nhưng đến ngày 17/8 mới công bố nội dung dự thảo. Đồng thời, Bộ lại dự kiến chốt các ý kiến đóng góp ngay trong tháng 8 và gửi đến các trường để áp dụng giảm tải chính thức từ năm học 2011 này. Việc làm này có quá vội vàng, thưa GS?
Cố nhiên việc công bố dự thảo vào ngày 17/8 là muộn. Tôi biết Bộ đã chuẩn bị khá sớm, (thậm chí từ năm 2008 đã có chủ trương rà soát chương trình và sách giáo khoa, đã lấy ý kiến của các giáo viên và các nhà quản lí giáo dục) nhưng không hiểu vì sao lại khi đưa ra để  góp ý thì lại muộn như thế?.  
GS có đề xuất, kiến nghị gì về vấn đề này?
Tôi cho rằng việc giảm tải lần này chỉ là công việc sơ bộ, có tính chất thăm dò. Bản dự thảo có cắt giảm một số bài, chương trình để xin ý kiến hoàn thiện. Nhưng theo tôi ở thời điểm này thì đã muộn vì năm học đã bắt đầu từ 15/8 vì vậy đề nghị tạm thời cứ tạm thời thực hiện theo dự thảo, còn việc lấy ý kiến cứ kéo dài cho đến hết năm học. Các ý kiến đó sẽ được xem xét cho việc  giảm tải tốt hơn vào năm học sau.
GS có ý kiến gì về con số 70.000 tỷ đồng để phục vụ cho đề án "Đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015" của Bộ GD&ĐT đang có nhiều ý kiến trong dư luận. Có ý kiến cho rằng, việc liên tục đổi mới chương trình sách giáo khoa của Bộ chủ yếu mang lại lợi nhuận cho các nhà xuất bản?
Theo tôi biết thì dự toán, số tiền xây dựng chương trình và biên soạn sách giáo khoa chỉ mất khoảng 962 tỷ đồng nhưng tất cả khoản chi khác cuối cùng cũng là làm lại sách giáo khoa, có sách giáo khoa mới. Con số 70 nghìn tỷ đồng là quá lớn. Còn bảo nhà xuất bản có lợi theo tôi thì có nhưng cũng chẳng được bao nhiêu. Tôi được biết năm nay Nhà xuất bản Giáo dục phải tăng giá sách giáo khoa lên 16%. Như thế là đúng vì giá giấy, giá mực in, giá điện, lương đều tăng cả. Nếu nhà nước không hỗ trợ thì Nhà xuất bản Giáo dục có thể lỗ. Các dự án làm sách đều có lợi nhưng lợi chỗ khác, không phải khâu xuất bản. Nếu không có lợi thì tại sao có chuyện chạy dự án.
Xin cảm ơn GS!
Theo Minh Lý
(Nguoiduatin.vn)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)