Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giảm tải có giảm thi?

Tạp Chí Giáo Dục

Việc áp dụng tài liệu giảm tải khiến rất nhiều giáo viên cảm thấy khó khăn vì nếu phải cắt cúp nhiều kiến thức, liệu có đảm bảo được chất lượng của học sinh khi tình trạng thi cử không được điều chỉnh theo kịp thời

Giáo viên lo lắng
Trong khi các trường tiểu học dám mạnh tay cắt bỏ các chương trình theo hướng dẫn của Bộ GDĐT thì với các trường bậc THCS và THPT, giáo viên khá bất an khi… giảm tải.
Lý do khiến giáo viên bất an chính là vì đề thi vào lớp 10 hay thi ĐH có rất nhiều câu yêu cầu kiến thức nâng cao. Tài liệu hướng dẫn giảm tải yêu cầu giáo viên không cho học sinh làm bài tập khó nhưng khi kiểm tra cuối học kỳ hoặc thi chuyển cấp hoặc thi vào trường chuyên, đề thi luôn có câu hỏi nâng cao. Nếu giáo viên không dạy thì học sinh không thể biết cách làm. Bộ yêu cầu giảm tải phần bài tập khó nhưng đề thi không “giảm tải” thì làm sao giáo viên yên tâm?
Một giáo viên dạy Vật lý Trường THPT Việt Đức cho biết, nội dung giảm tải môn Vật lý lớp 11 là bỏ hẳn phần năng lượng tụ điện, một trong những nội dung quan trọng của kỳ thi ĐH. Tương tự, trong chương trình lớp 12, phần con lắc đơn cũng không yêu cầu học sinh phải nắm bài tập. Với tài liệu giảm tải như vậy, các giáo viên rất lo lắng vì sợ ảnh hưởng đến chất lượng thi cử của học sinh nếu cách ra đề thi năm tới không được điều chỉnh.
Cô Tuyết Nga, nguyên giáo viên Trường THPT Kim Liên lo lắng: “Thực tế cho thấy, đề thi tốt nghiệp THPT và đề thi ĐH, CĐ cách xa nhau một trời một vực. Không phải cứ tốt nghiệp thủ khoa THPT là đã chắc chắn đỗ ĐH. Chưa giảm tải mà học sinh đã phải lao vào các “lò” để luyện thi, giờ Bộ yêu cầu bỏ bớt kiến thức thì học sinh cuối cấp sẽ càng khổ hơn, nếu như Bộ không thay đổi hẳn cách thi như bao nhiêu năm qua”.
Một số giáo viên khác cho biết, do năm học mới bắt đầu từ 15.8, trong khi tài liệu giảm tải đến đầu tháng 9 mới có, nhiều bài giáo viên đã dạy nhưng nằm trong phần giảm tải khiến họ lúng túng, chưa biết sẽ thực hiện tiếp như thế nào.
Cần sắp xếp lại chương trình sách giáo khoa
Ông Hà Huy Bằng, Hiệu trưởng Trường THPT Đào Duy Từ cho biết, việc giảm tải cần phải được thực hiện đồng bộ. Nếu cắt bớt đi phần kiến thức này thì phải có cầu nối với phần khác để mạch kiến thức học sinh đang tiếp nhận không bị “hổng”. Giảm tải không có nghĩa là bỏ cái này, bớt cái kia mà phải có sự chọn lọc, bỏ đi cái không cần thiết và thêm vào những cái hợp lý để chương trình học đơn giản hơn, dễ hiểu hơn mà học sinh vẫn đạt được điểm tốt.
Môn Vật lý hiện nay khá nặng về câu hỏi trắc nghiệm bài tập, có nhiều câu đến giáo viên còn thấy khó chứ đừng nói đến học sinh. Vì thế, giảm tải không chỉ là cắt cúp bài học một cách cơ học mà cần soạn lại, sắp xếp lại toàn bộ chương trình SGK hiện nay.
Bộ GDĐT thừa nhận SGK hiện hành còn nhiều bài tập, câu hỏi yêu cầu vận dụng kiến thức quá sâu, không phù hợp trình độ nhận thức và tâm sinh lý lứa tuổi học sinh. Việc giảm tải chỉ loại bỏ phần không hợp lý trong chương trình nhưng vẫn giữ được mạch, tính lôgic của kiến thức và thống nhất của các bộ môn. Vì thế sẽ không thay đổi SGK hiện hành và học sinh không cần mua SGK mới.
Các Sở GDĐT điều chỉnh phân phối chương trình chi tiết và chuyển tài liệu về các trường, giáo viên căn cứ vào chương trình – SGK và tài liệu giảm tải để điều chỉnh nội dung dạy học; chủ động chỉ đạo các nhà trường, giáo viên dành thời gian còn dư (do nội dung chương trình đã được cắt giảm) cho việc đổi mới phương pháp, bồi dưỡng học sinh khá, giỏi và phụ đạo học sinh yếu, kém.
Chủ trương giảm tải là bớt những nội dung kiến thức dàn trải, chưa cần thiết và không có kiểm tra, thi cử đánh giá những kiến thức đã giảm tải. Bộ GDĐT cho biết, trong các kỳ thi tốt nghiệp, tuyển sinh ĐH-CĐ sắp tới, những nội dung giảm tải sẽ không xuất hiện trong đề thi.
Sở GDĐT Hà Nội sẽ tổ chức hội nghị đánh giá việc triển khai thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giảm ở các cấp học phổ thông sau khi kết thúc học kì I và tổng kết năm học 2011-2012, ghi nhận các ý kiến đóng góp về những điều chỉnh phù hợp, chưa phù hợp trong việc thực hiện dạy học theo hướng tinh giảm; qua đó, Sở sẽ tổng hợp, báo cáo Bộ GDĐT làm cơ sở hoàn thiện hướng dẫn này cho năm học tiếp theo.
Theo Nguyên Minh
(laodong)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)