Năm học mới đã trôi được gần nửa học kỳ, chương trình giảm tải sách giáo khoa mà Bộ GD-ĐT đưa ra cũng được các trường áp dụng gần một tháng (có trường mới nhận văn bản và chưa có hướng dẫn triển khai cụ thể). Khi đề cập đến vấn đề này, đa số giáo viên tỏ ngao ngán. Thay vì các chuyên gia am hiểu về giáo dục, thì người làm công tác quản lý lại tổ chức chương trình giảng dạy cho người trực tiếp đứng lớp. Thế nên làm theo thì khổ mà không làm thì không được.
Giảm tải hợp lý là điều mà cả giáo viên và học sinh đang rất mong mỏi |
Giảm tải nhưng áp lực thi cử không giảm
Nhiều giáo viên cho rằng thay đổi cách thi cử là một trong những cách giảm tải chương trình hợp lý. Vì mọi thứ vẫn phục vụ cho mục tiêu đó. Nếu kết quả thi vẫn là mục đích “thực” của đào tạo hiện nay, dù áp lực chương trình có được giảm (theo bất cứ hướng nào) thì giáo viên, học sinh và cả phụ huynh vẫn phải lao vào “vòng xoáy” của việc dạy và học thêm. Như vậy, giảm tải chỉ là trên giấy mà thôi.
Cô T. H, giáo viên chủ nhiệm ở trường tiểu học Đồng Nhân (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: mới nhận được tờ hướng dẫn về giảm tải nhưng khi áp dụng thì bị nhắc nhở rằng hướng dẫn đó mới chỉ được dùng để tham khảo. Khi nào thống nhất và có hướng dẫn cụ thể mới chính thức áp dụng.
Giảm tải thì giáo viên mừng vì “nhàn” hơn nhưng có lẽ tùy vùng miền, năng lực học sinh mà áp dụng. Đối với lớp 1, đa số kiến thức hiện chỉ ở trình độ tối thiểu, học sinh thành phố có thể tiếp nhận dễ dàng. Nhiều phụ huynh thấy khối lượng kiến thức đơn giản như vậy lại lo con không đủ năng lực để sau này thi vào những “trường chuyên, lớp chọn”, nên tìm cách cho con học thêm.
Nhiệm vụ của giáo viên là phấn đấu càng nhiều học sinh loại khá, giỏi càng tốt. Nếu lớp có học sinh yếu kém, sẽ ảnh hưởng tới thành tích chung của toàn trường. Một tiết học có 35 phút, cô giáo và học sinh đã mất gần 15 phút cho việc ghi đầu bài (tên bài và nội dung chương trình từng môn học) lên bảng và vào vở. Những phút còn lại giáo viên “cuống cuồng” truyền đạt nội dung mới mà không có thời gian để rèn luyện – một giáo viên trường tiểu học Ngô Thì Nhậm chia sẻ.
Bên cạnh đó, với cách tính điểm cho các cháu lớp 1 còn chi li hơn đại học (đến tận 0,25 điểm), nếu không rèn luyện, làm thêm các bài tập, kiểm tra và phối hợp với phụ huynh kèm bài tập ở nhà thì làm sao các cháu có thể đạt điểm cao trong mỗi bài kiểm tra. Cách tính điểm này là “nỗi sợ” của các giáo viên. Có cô còn cho rằng: “Chấm xong mà tưởng mình có vấn đề về tâm thần vì cứ phải ngồi nhặt nhạnh li ti từng lỗi nhỏ của mấy chục bài kiểm tra”.
Phụ huynh học sinh trường tiểu học Hoàng Diệu than: kêu gọi giảm tải, những tưởng nội dung môn đó giảm để các cháu có thời gian đào sâu kiến thức bằng những tiết luyện tập, nhưng chính những tiết luyện tập lại bị cắt giảm, nếu không thì lấy đâu thời gian học những môn học mới được đưa vào. Hơn nữa, cách tính điểm và mục tiêu thành tích học tập cuối năm khiến các cháu phải học ngày, học đêm. Trên lớp cô giáo không đủ thời gian nên chỉ giảng nội dung chính (thậm chí giảng sơ sài), đọc cho học sinh chép.
Khi về nhà làm bài tập, những lý thuyết nghe được trên lớp trôi đi như “nước đổ lá môn” do không kịp thực hành. Phụ huynh loay hoay không biết dùng kiến thức như thế nào để giảng giải cho trẻ hiểu. Thế là cái vòng luẩn quẩn học thêm lại bắt đầu, thay vì ở nhà làm bài tập, trẻ được đưa đến nhà cô để học.
Rón rén trong giảm tải
“Với động tác giảm tải chương trình sách giáo khoa, có thể nói là Bộ GD và ĐT đã chú ý đến thực tế, công nhận còn nhiều bất cập trong chương trình. Tuy nhiên, khác với tâm trạng háo hức chờ đợi ban đầu, để hoàn thành giáo án, giáo viên vẫn phải “chạy” chương trình.” – cô Trịnh Thu Tuyết, giáo viên chuyên Văn, trường THPT Chu Văn An chia sẻ.
Những người làm công tác giảm tải có lẽ vừa cắt vừa run khiến việc giảm tải không dám mạnh tay. Theo hướng dẫn của Bộ GD và ĐT, có 5 nhóm nội dung lớn được tiến hành giảm tải, gồm: Những kiến thức viết trong chương trình, sách giáo khoa để dạy học ở nhiều môn khác nhau; Những nội dung trùng lặp có ở lớp dưới và lớp trên; Những câu hỏi, bài tập yêu cầu vận dụng kiến thức quá sâu, không phù hợp với trình độ nhận thức và tâm sinh lý lứa tuổi học sinh; Rà soát, điều chỉnh những kiến thức mang đặc điểm địa phương; Những bài học trước đây sắp xếp chưa hợp lý nay sẽ được sắp xếp lại nhằm đảm bảo tính logic. Xét tổng thể, những nội dung điều chỉnh khái quát nêu trên là hợp lý.
Tuy nhiên, khi tiếp cận với các phương án giảm tải của từng bộ môn trong từng khối, lớp, bậc học cụ thể thì người “trong cuộc” đã chỉ ra nhiều điểm bất cập, không hợp lý trong các nội dung kiến thức thuộc phạm vi điều chỉnh.
Chẳng hạn môn Ngữ văn lớp 11, giáo viên và học sinh hiện vẫn “oằn mình cõng” 6 bài trong 3 tiết (tiết 85 đến 87); Những tác phẩm có giá trị nội dung tương đương nhau như bài Hầu trời (của Tản Đà), Vội vàng (của Xuân Diệu) hay Tràng Giang (của Huy Cận) chỉ dạy một tiết, trong khi bài Đây thôn Vĩ Dạ (của Hàn Mặc Tử) lại dạy những hai tiết… Đó là những phi lý trong phân phối chương trình.
Cô Tuyết cho hay: những phần chuyển sang đọc thêm, tự học cơ bản chính xác. Tuy nhiên, chưa thực sự giảm gánh nặng cho giáo viên và học sinh. Những bài có “chất văn” thì chuyển sang đọc thêm, trong khi những bài không phải điển hình thì lại học chính. Lớp 10 và 12 có 5 bài chuyển sang đọc thêm và 2 bài từ đọc thêm chuyển sang học chính. Như vậy, thực chất chỉ giảm có 3 bài.
Có những nội dung trùng lặp theo kiểu đồng tâm vẫn chưa dám cắt như cùng nói về phòng chống AIDS, thì cả Ngữ văn lẫn Giáo dục công dân và môn khoa học khác đều có… Chính những “rón rén” trong giảm tải dẫn đến những bê bối, dạy theo chương trình thì như “cưỡi ngựa xem hoa”, bắt buộc học sinh phải đi học thêm nếu muốn thi đại học.
Ông Vũ Ngọc Hoàng, UVTW Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương: “Có nhiều ý kiến về quá tải chương trình học nhưng cũng không ít ý kiến cần phải thêm cái này, cái kia vào chương trình rất có lý. Vì vậy, để giải quyết cần lật lại vấn đề về cách dạy và học.
Người thầy chỉ là người giúp học sinh tìm câu trả lời, rèn luyện tư duy, giúp con người giải quyết vấn đề. Từ đó, chỉ tập trung vào những vấn đề cốt lõi mới có thể giảm mạnh số bài giảng, tiết giảng. Chẳng hạn như việc học sử, học sinh chỉ cần nắm bản chất lịch sử, quy luật dòng chảy bên trong chi phối sự kiện lịch sử đó, thay vì ngồi nhớ sự kiện rất nặng nề.
Hiện nay, vấn đề thi cử cũng cần phải nghiên cứu lại. Năm nào học sinh cũng phải trải qua kỳ thi lên lớp và đã được công nhận. Vậy có thực sự cần thiết một cuộc thi như kỳ thi tốt nghiệp để khẳng định lại kết quả 12 năm đó? Có nên có hai cuộc thi tốt nghiệp và đại học mà những nội dung, chương trình cơ bản như nhau. Chả khác nào hôm nay thử máu khám tuyển bộ đội, mai lại thử máu lần nữa trong khám tuyển phi công!”.
|
Theo Thu Hà
(QĐND Online)
Bình luận (0)