Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giảm tải… quên giảm sách

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ GD-ĐT vừa ban hành văn bản hướng dẫn giảm tải nhưng chỉ sau chưa đầy một tháng thực hiện, không ít giáo viên dạy sử đã ngao ngán vì hướng dẫn thiếu rõ ràng, bố cục bài giảng đứt đoạn

Trong các môn khoa học, môn lịch sử vốn mang tính hệ thống, xâu chuỗi kiến thức theo trình tự thời gian, không gian, có mối liên hệ giữa các sự kiện, bài học. Tuy nhiên, theo hướng dẫn giảm tải mới ban hành, nhiều giáo viên sẽ phải lọc bỏ bớt một số nội dung trong các bài, làm cho bài học thiếu tính logic.
Đơn cử như trong sách lịch sử lớp 10, phần lịch sử Việt Nam, mục 1, hội nghị Genève bị cắt mất phần hoàn cảnh, diễn biến của hội nghị mà chỉ tập trung vào nội dung, ý nghĩa, hạn chế của Hiệp định Genève. Chính sự lọc bỏ này làm nội dung bài học bị đứt đoạn khiến giáo viên lúng túng, học sinh thì khó tiếp thu bài giảng.
Bên cạnh đó, tài liệu giảm tải có một số nội dung chỉ hướng dẫn chuyển từ dạy chính thức sang phần đọc thêm nhưng không nêu rõ đọc thêm như thế nào. Đọc thêm không đơn giản chỉ là cho học sinh về nhà tự đọc, tự nghiên cứu mà ít nhất giáo viên cũng phải giới thiệu, gợi mở cho học sinh những giá trị cơ bản. Hiện nay, rất nhiều bài nằm trong diện đọc thêm khá bổ ích, cần thiết cho học sinh trong việc xây dựng nền tảng kiến thức, chuẩn bị học ở các lớp cao hơn. Nhiều giáo viên băn khoăn liệu bỏ phần đọc thêm, học sinh có bị vênh kiến thức giữa đề thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH?
Một bất cập nữa là hiện nay, ngành giáo dục đang hướng đến mục tiêu giảm tải nhưng lại quên giảm sách để bớt gánh nặng cho học sinh, giáo viên và cả phụ huynh. Các giáo viên khi soạn bài giảng phải nghiên cứu, tham khảo tới 3 quyển sách cơ bản là sách giáo khoa, sách giáo viên, sách chuẩn kiến thức kỹ năng. Nếu đặt mục tiêu giảm tải một số nội dung trong sách giáo khoa thì việc gì phải yêu cầu giáo viên khi soạn giảng phải bám sát vào chuẩn kiến thức kỹ năng?
Giảm tải là một chủ trương đúng đắn, nhận được sự ủng hộ của toàn xã hội. Tuy nhiên, giảm tải như thế nào để đi đúng trọng tâm, thật sự giảm bớt chương trình mà vẫn bảo đảm nền tảng kiến thức cho học sinh là vấn đề đòi hỏi sự chuẩn bị chu đáo cũng như tập hợp kiến thức rộng rãi từ các nhà nghiên cứu giáo dục. Hy vọng bằng sự nỗ lực của toàn ngành giáo dục, quá trình giảm tải sẽ tạo nên sự đổi mới mạnh mẽ, xóa đi những bất cập còn tồn tại, nhất là xóa đi cách học đối phó, học nhiều nhưng nhớ chẳng bao nhiêu như hiện nay.
Ngô Mã Thiên (Trường THPT Lê Thành Phương, Phú Yên)
Theo NLĐ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)