Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Giảm thi, tăng căng thẳng

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Năm học 2009-2010 là năm học đầu tiên các trường tiểu học thực hiện quy định mới về đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học (theo thông tư 32) của Bộ GD – ĐT. Theo đó, các trường sử dụng điểm kiểm tra cuối năm để đánh giá, xếp loại học lực cả năm cho học sinh.
Giám thị đọc đề môn toán cho học sinh lớp 1 Trường tiểu học Giồng Ông Tố, Q.2, TP.HCM trong kỳ kiểm tra cuối năm – Ảnh: H.HG.
Chiều 10-5, bé T. – HS lớp 1 ở Q.Thủ Đức, TP.HCM – than với mẹ: “Ngày mai sẽ là một ngày mệt mỏi lắm đây!”. “Sao vậy con?”. “Thì mai lớp con làm bài kiểm tra. Cô giáo bảo phải cố gắng làm bài thật tốt vì nếu không sẽ bị ở lại lớp và không được lĩnh thưởng. Cô bảo bệnh cũng phải đi, sốt cũng phải đi…”.
Chị H – mẹ của T. – tâm sự: “Mặc dù đã làm công tác tư tưởng, giải thích rất nhiều nhưng tối hôm đó T. vẫn thức học bài đến khuya. Đến khi đi ngủ cứ lăn qua lăn lại không ngủ được." Tương tự, X.T. – HS lớp 1 ở Q.9 – nói lảm nhảm suốt đêm: “Các bạn sẽ trải qua hai ngày thi quan trọng nhất năm học, nó sẽ quyết định các bạn có được lên học lớp 2 hay phải học tiếp lớp 1…" – chị H.H., mẹ X.T., kể.
Ông Lê Tiến Thành (vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT): Nên nghĩ là lợi
Đặc điểm cấu trúc kiến thức, kỹ năng ở bậc tiểu học là theo một đường thẳng, nên bài kiểm tra cuối năm là điều kiện cần và đủ để đánh giá khả năng nắm vững kiến thức của học sinh (xếp loại học lực, xét lên lớp), không cần thiết bắt học sinh làm nhiều bài kiểm tra lấy điểm. Cách đánh giá mới để góp phần giảm dần tâm lý học đối phó, nặng về điểm số đối với học sinh tiểu học.
Có người nói cách làm mới là thiệt cho HS nhưng chúng ta nên nghĩ đó là lợi, vì lợi ích chính đáng của HS là được kiến thức để lên lớp, nếu chưa đạt thì phải được giúp đỡ để kiểm tra lại, đạt yêu cầu mới được lên lớp. Bên cạnh đó, trong quá trình học giáo viên vẫn cho điểm học sinh, không để tính xếp loại học lực nhưng để kiểm tra kết quả học tập của học sinh, cũng để học sinh, các bậc cha mẹ biết thực trạng học tập của con, có biện pháp hỗ trợ, uốn nắn. Cách làm đó không gây áp lực (vì không tính điểm) nhưng vẫn có ích trong việc giúp giáo viên hiểu rõ học lực của từng học sinh.
VĨNH HÀ ghi
Áp lực nhân đôi
“Bé mới lớp 2, thời gian ôn tập để kiểm tra học kỳ chỉ hơn một tuần mà cô giáo cho 18 bài tập viết, 15 bài tập làm văn, 50 bài toán. Tôi nhìn còn “ngộp”, nói chi một đứa trẻ 8 tuổi. Học suốt ở trường từ sáng đến chiều nhưng cứ về nhà là con tôi than “hôm nay vẫn còn nhiều bài chưa làm, cô dặn về nhà phải làm hết số bài cô cho, nếu không sẽ không làm được bài kiểm tra sắp tới, ở lại lớp thì rất xấu hổ” – anh P.C, phụ huynh ở Q.6, bức xúc – Kiểm tra học kỳ mà cô giáo cho ôn như luyện thi đại học”.
Trong khi đó, áp lực đè lên vai giáo viên cũng không nhỏ. Tiếp xúc với chúng tôi, một số giáo viên phân trần: “Vì cả năm học được đánh giá bằng kết quả kỳ kiểm tra cuối năm nên thực sự chúng tôi cũng cảm thấy áp lực lắm. Lo lắng, sợ HS bê trễ, lơ là, sợ đến ngày kiểm tra HS gặp chuyện không may khiến làm bài không được tốt, ảnh hưởng đến kết quả của cả năm học, ảnh hưởng kết quả thi đua của tập thể lớp và cả giáo viên”.
Thừa nhận việc này, hiệu trưởng một trường tiểu học ở Q.2 (đề nghị không nêu tên) phân tích: “Thông tư 32 của Bộ GD – ĐT có một số ưu điểm như giảm bớt áp lực cho giáo viên trong làm hồ sơ, sổ sách, giảm bớt áp lực học tập cho học sinh trong học kỳ 1. Thế nhưng sang học kỳ II áp lực nhân đôi. Nhất là cuối học kỳ, giáo viên lo lắng nên cho HS quá nhiều bài ôn tập, dọa các em nếu không học hành cẩn thận sẽ bị thế này, thế kia khiến các em lo sợ, stress”.
Thực chất và chính xác?
Chị Trần Thị Lan, có con học lớp 2 Trường tiểu học Quang Trung, Hà Nội, thắc mắc: "Trước đây, nếu bài kiểm tra này bị điểm thấp còn có bài khác bù vào. Bây giờ chỉ lấy một điểm duy nhất nên cha mẹ căng thẳng, các cháu cũng căng thẳng như phải bước vào một kỳ thi lớn".
Cũng phụ huynh học sinh trường này, chị Nguyễn Thị Hạnh cho biết: "Chúng tôi cố gắng hạn chế việc ép con học, nhưng cũng hoang mang vì xung quanh các phụ huynh khác đều lên kế hoạch luyện thi”. Một phụ huynh cho biết: "Trong khoảng một tuần trước khi thi (kiểm tra cuối năm), tôi đã sưu tầm rất nhiều loại sách tham khảo, đề toán, tiếng Việt để bổ túc cho con. Cháu học mệt quá, gần ngày thi thì lăn ra bệnh”.
Anh H.Đ – phụ huynh HS lớp 2 ở Q.6, TP.HCM – đặt câu hỏi: “Kiểm tra cuối năm nhưng được tổ chức gần như kỳ thi tốt nghiệp, gây căng thẳng không đáng cho học sinh, cuối cùng kết quả có chính xác không?”. Hiệu trưởng một trường tiểu học ở Q.3, TP.HCM cho rằng: “Tất cả chỉ căn cứ vào bài kiểm tra cuối năm, theo tôi, sẽ không chính xác, như một sự hên, xui. Nếu ngày kiểm tra HS bị bệnh, đau hay có chuyện buồn lòng… cũng không thể làm bài tốt.
Chưa kể, chính vì tất cả dồn hết vào kỳ kiểm tra này nên giáo viên cũng chịu áp lực không kém. Mặc dù các trường đều “trộn” học sinh, xếp chỗ ngồi cho các em theo a, b, c, giáo viên khối lớp trên làm giám thị khối lớp dưới để không chỉ bài cho HS, nhưng chỉ hạn chế phần nào. Giáo viên cùng một trường, nhờ qua nhờ lại là chuyện không thể tránh khỏi”.
Đặc biệt, với những học sinh lớp 5, tình hình còn căng thẳng hơn. Một phụ huynh có con học lớp 5 Trường tiểu học Nghĩa Tân, Hà Nội, than thở: "Tôi nghỉ phép gần một tuần chỉ vì chuyện thi của cháu. Nếu không được học sinh giỏi cả năm năm, cháu rất khó xin học vào một trường THCS tốt.” Trao đổi với chúng tôi, một số hiệu trưởng còn thẳng thắn: “Năm năm học tập chỉ lấy điểm kỳ kiểm tra cuối năm để xét hoàn thành bậc tiểu học và làm căn cứ tuyển sinh vào lớp 6, nếu để các em mất điểm vì chương trình nặng, quá sức thì tội nghiệp HS quá!”. 
VŨ HOÀNG XUÂN – TRỊNH VĨNH HÀ / Tuổi Trẻ

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)