Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Giảm thiểu lao động trẻ em: Mối lo vẫn tồn tại ở khu vực nông thôn

Tạp Chí Giáo Dục

Trong bối cảnh Việt Nam trên đà hội nhập kinh tế sâu rộng hơn, nguy cơ có khả năng tồn tại lao động trẻ em trong các chuỗi cung ứng ở các ngành nông nghiệp, sản xuất chế biến, dịch vụ, xây dựng… sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến điều kiện để hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Đây là nhận định được đưa ra tại hội thảo vận động chính sách phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em trong chuỗi cung ứng do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức ngày 14/6 tại Hà Nội. Hội thảo là hoạt động hưởng ứng Ngày Thế giới Phòng Chống Lao động Trẻ em (12/6) năm nay với chủ đề “Chấm dứt lao động trẻ em trong chuỗi cung ứng-trách nhiệm của tất cả chúng ta".
Trong bối cảnh Việt Nam hiện đang hội nhập toàn cầu ngày càng sâu rộng thông qua việc tham gia các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU, vấn đề thực hiện các cam kết quốc tế về lao động, trong đó có vấn đề lao động trẻ em trong các chuỗi cung ứng sẽ ngày càng được được quan tâm nhiều hơn.

Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Phát biểu tại hội thảo, Giám đốc ILO Việt Nam Chang-Hee Lee nhận định, lao động trẻ em chủ yếu tồn tại ở khu vực kinh tế nông thôn, phi chính thức, ngoài tầm kiểm soát của các thanh tra lao động và ở những nơi công đoàn, các tổ chức của người sử dụng lao động thường rất mỏng hoặc không có. Lao động trẻ em sẽ không thể tồn tại ở những thị trường được điều tiết tốt và hoạt động hiệu quả, dù là trong bất kỳ khâu nào của chuỗi cung ứng, từ sản xuất đến phân phối một sản phẩm.
“Lao động trẻ em trong các chuỗi cung ứng có thể tồn tại tại các xưởng sản xuất nhỏ hoặc các hộ gia đình và không bị phát hiện bởi các công ty đứng đầu chuỗi cung ứng. Doanh nghiệp cần phải cảnh giác để đảm bảo rằng chuỗi cung ứng của họ không có lao động trẻ em, nếu không sẽ bị mất uy tín và ảnh hưởng xấu đến công việc kinh doanh” ông Chang-Hee Lee nói.
Theo ông Chang-Hee Lee, trong sản xuất hộ gia đình, trẻ em thường rất dễ bị tổn thương do thu nhập của bố mẹ các em không đủ hoặc bởi các doanh nghiệp gia đình phi chính thức không đủ tiền thuê lao động trưởng thành nên phải để con em mình lao động không được hưởng lương.
Theo các chuyên gia ILO, công cuộc đấu tranh phòng chống lao động trẻ em đòi hỏi các chính sách đồng bộ để hỗ trợ pháp luật quốc gia về lao động trẻ em. Đó là nền giáo dục với chất lượng tốt, bảo trợ xã hội và việc làm bền vững cho các bậc cha mẹ.
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết Việt Nam đã ban hành hệ thống pháp luật và chính sách nhằm đảm bảo hiện thực hóa quyền của trẻ em, đặc biệt là phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em, triển khai nhiều chương trình dự án, mô hình liên quan. Ngày 7/6/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016-2020.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh: “Sự tham gia chủ động, tích cực và có trách nhiệm của tất cả các đối tác trong xã hội sẽ giúp cho luật pháp, chính sách về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em được tuân thủ tốt hơn, quyền của trẻ em được hiện thực hóa trong thực tế và tương lai của các em, xa hơn là tương lai nguồn nhân lực của đất nước được đảm bảo. Chính chúng ta là người quyết định tốc độ và mức giảm quy mô lao động của trẻ em trong các chuỗi cung ứng, chính chúng ta sẽ quyết định tương lai của con em chúng ta.”
Một trong những mục tiêu của Chương trình quốc gia phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016-2020 là 100% trẻ em lao động trái quy định của pháp luật khi có thông báo, phát hiện sẽ được hỗ trợ, can thiệp kịp thời./.

Hồng Kiều (Vietnam+)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)