Cần tính toán, rà soát kỹ để áp dụng với từng nhóm đối tượng khi tăng giá điện, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống người dân và hoạt động của doanh nghiệp…
Áp lực tăng giá điện đang hiện hữu khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông báo lỗ đột biến 31.360 tỉ đồng trong năm 2022. Theo ông Trần Đình Nhân, Tổng Giám đốc EVN, sau 10 năm liên tục sản xuất – kinh doanh có lợi nhuận, đây là năm EVN lỗ lớn do nguyên nhân khách quan, gây nhiều ảnh hưởng đến hoạt động của tập đoàn trong thời gian tới.
EVN tiết giảm chi phí
Năm 2022, dù doanh thu ước đạt 460.000 tỉ đồng – tăng 4,3% so với năm 2021, song biến động giá nhiên liệu – gồm cả than, dầu, khí – đã làm cho chi phí tăng rất cao, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của EVN.
Theo lý giải của lãnh đạo EVN, giá than nhập khẩu hiện tăng 6 lần so với đầu năm 2021 và tăng gấp 3 lần so với đầu năm nay. Phần giá than tăng thêm khiến chi phí đội lên tới hơn 47.000 tỉ đồng. Chưa kể, năm 2022, giá dầu cũng biến động lớn. Dù thực hiện các giải pháp nhưng lợi nhuận của EVN vẫn âm. Với giá bán lẻ điện bình quân hiện nay 1.864 đồng/KWh, mỗi KWh điện bán ra, EVN lỗ khoảng 180 đồng.
Ông Lê Văn Danh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Phát điện 3, cho biết năm 2022, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao đã gây áp lực lớn cho việc sản xuất điện. Theo lãnh đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), để tối ưu chi phí, năm qua A0 đã huy động tối đa nguồn thủy điện có giá thấp hơn với sản lượng lên tới 95-96 tỉ KWh – cao nhất trong 10 năm, trong khi kế hoạch chỉ là 12,5 tỉ KWh. Tuy nhiên, do cơ cấu nguồn huy động từ thủy điện năm nay chỉ khoảng 36%, giảm so với các năm, trong khi nguồn than và năng lượng tái tạo chiếm tỉ trọng lớn, cùng với giá nhiên liệu biến động khiến chi phí giá thành cao. Trong năm 2022, nguồn cung cấp khí cũng biến động lớn. Hiện nguồn cung cấp khí cho các nhà máy điện ở Đông Nam Bộ chỉ đạt khoảng 54%-74%. Có thời điểm, A0 phải huy động các tổ máy chạy dầu diesel, làm tăng chi phí.
Để giảm khó khăn cho ngành, bảo đảm cân bằng tài chính năm 2023 và các năm tiếp theo, lãnh đạo EVN kiến nghị Bộ Công Thương chấp thuận và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân theo quy định tại Quyết định 24/2017/QĐ-TTg. Theo Quyết định 24, khi giá bán lẻ điện bình quân tăng 3%-5%, EVN được quyền điều chỉnh. Với mức biến động giá bán lẻ điện bình quân 5%-10%, thẩm quyền quyết định thuộc Bộ Công Thương và trên 10% là do Thủ tướng quyết định.
Trao đổi với phóng viên, các chuyên gia kinh tế cho rằng việc xem xét điều chỉnh giá điện là phù hợp trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao, khó khăn tài chính đang là áp lực lớn với EVN. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý lộ trình tăng giá điện cần được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi, phát triển sau thời gian chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Nhân viên Công ty Điện lực Sài Gòn ghi chỉ số điện
Mặt khác, theo ông Trần Đình Nhân, năm 2023, EVN và các đơn vị tiếp tục thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với mục tiêu bảo đảm cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế – xã hội và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. "Phát huy cao nhất mọi nguồn lực cho hoạt động sản xuất – kinh doanh điện, thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí, tăng doanh thu để bảo đảm khả năng cân đối tài chính năm 2023, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước" – ông Trần Đình Nhân nhấn mạnh.
Tăng nguồn giá rẻ
Theo ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc A0, đơn vị tiếp tục thực hiện một số giải pháp tối ưu nguồn thủy điện và tăng nguồn giá rẻ, hạn chế nguồn giá cao. Thời gian tới, A0 tính đến khả năng tăng mua điện của Trung Quốc, Lào và Campuchia.
"Ngoài ra, trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao, A0 sẽ báo cáo EVN đàm phán lại với các nhà máy điện đang có giá cao, kể cả các nhà máy BOT và nhà máy dùng than ngoại nhập để hài hòa lợi ích các bên, giảm áp lực chi phí" – ông Ninh nêu giải pháp.
Trao đổi với phóng viên mới đây, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng việc tăng giá điện cần xét từ phía sản xuất, bán điện và tiêu thụ điện. Đối với EVN cũng như ngành điện, theo bà Nga, những khó khăn về tài chính đang hiện hữu; còn về phía người dân và doanh nghiệp, việc tăng giá sẽ tác động đáng kể.
Để hài hòa việc này, bà Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng EVN cần rà soát chi phí ở tất cả các khâu, từ đó đề xuất mức tăng giá điện hợp lý nhất để cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Việc tăng giá điện sẽ tác động đến từng bộ phận người tiêu dùng khác nhau, do đó cần tính toán, rà soát kỹ để áp dụng với từng nhóm đối tượng, giảm thiểu sự tác động đến cuộc sống người dân cũng như hoạt động của doanh nghiệp. Về thời điểm, bà Việt Nga cho rằng chưa nên tăng giá điện vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023 mà có thể xem xét, tính đến phương án này vào giữa năm 2023.
Về phía doanh nghiệp sản xuất, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VINATEX), cho biết VINATEX đã chủ động trong việc sản xuất xanh, nâng cao hiệu quả và phát triển công nghệ tiết kiệm năng lượng.
"Cần đầu tư, đổi mới trang thiết bị để tiết kiệm năng lượng. Cùng với đó, đầu tư nguồn năng lượng tái tạo. Hằng năm, công ty xây dựng kế hoạch để giảm năng lượng sử dụng trên một đơn vị sản phẩm, từ đó giảm áp lực chi phí" – ông Lê Tiến Trường dẫn chứng.
Đối mặt hàng loạt khó khăn
Theo ông Dương Quang Thành, Chủ tịch HĐTV EVN, việc bảo đảm cung ứng điện cho phát triển kinh tế – xã hội và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trong năm 2023 cũng như những năm sắp tới được dự báo sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh biến động giá nhiên liệu trên thị trường có tần suất và biên độ ngày càng lớn, theo chiều hướng gia tăng; tình hình thời tiết, thủy văn diễn biến khó lường.
Ông Thành cho rằng những cơ chế, chính sách về phát triển các loại hình nguồn điện, huy động và sử dụng tài chính cũng là các yếu tố khiến EVN gặp khó khăn, thách thức trong năm 2023.
|
MINH PHONG (theo NLĐ)
Bình luận (0)