Ùn tắc giao thông kéo dài trên diện rộng sẽ gây ra các nguồn ô nhiễm không khí |
Chiều 11-7, Sở TN-MT TP.HCM đã tổ chức Hội thảo góp ý xây dựng hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến 2030. Hội thảo thu hút hơn 100 nhà khoa học đến từ các trường ĐH, viện nghiên cứu, văn phòng biến đổi khí hậu và đại diện các sở, ngành…
Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của TP.HCM là lồng ghép các yếu tố biến đổi khí hậu vào chương trình phát triển kinh tế xã hội; đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và tài nguyên… Theo đó, TP.HCM sẽ xây dựng các chương trình, dự án ưu tiên nhằm thích nghi và giảm thiểu thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu, giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong 10 lĩnh vực: Quy hoạch đô thị, năng lượng, giao thông vận tải, công nghiệp, quản lý nước, quản lý chất thải, xây dựng, y tế, nông nghiệp và du lịch. Mục tiêu giảm thải khí nhà kính của TP.HCM đến năm 2020 là 10,5% tự đóng góp và 19,2% nếu có hỗ trợ từ bên ngoài (tính cả tiềm năng giảm phát thải từ lưới điện với 6,1%).
Các nhà khoa học cũng đã thẳng thắn nhìn nhận thực trạng tồn tại ở các lĩnh vực và đưa ra hướng giải quyết sát với thực tế. Như lĩnh vực giao thông, tình trạng ùn tắc kéo dài trên diện rộng sẽ gây ra các nguồn ô nhiễm không khí, nguồn thải khí nhà kính cục bộ, đồng thời làm cho nhiệt độ không khí đô thị tăng cao tại những thời điểm nhất định. Do đó cần đa dạng hóa các nguồn nhiên liệu và phát triển hệ thống hạ tầng cung cấp năng lượng tái tạo và năng lượng sạch hơn so với nhiên liệu truyền thống, tạo điều kiện để khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông chạy bằng điện hoặc các nhiên liệu mới.
Về quy hoạch đô thị, giai đoạn 2016-2020 sẽ chú trọng phát triển hệ thống văn bản pháp lý nhằm khuyến khích và tạo điều kiện pháp lý thuận lợi cho các dự án liên quan đến quy hoạch đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu. Ở lĩnh vực thoát nước và giảm ngập úng, TP sẽ xây dựng mạng lưới hồ điều tiết nước, nâng cao công tác thoát nước mưa, triều cường bằng hệ thống liên hồ chứa. Bên cạnh đó sẽ từng bước triển khai các dự án xây dựng đê bao và 6 cống ngăn triều gồm Rạch Tra, Vàm Thuật, Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Sông Kinh theo quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP.HCM.
Bài, ảnh: T.A
Bình luận (0)