Thời gian qua, bất chấp những khó khăn do kinh tế suy thoái cùng với sự thay đổi về chính sách pháp luật, điều kiện tuyển dụng của các quốc gia tiếp nhận lao động (LĐ), VN vẫn giữ vững thị trường lao động xuất khẩu (LĐXK) với kết quả đạt 37.068 LĐ đi làm việc nước ngoài trong sáu tháng đầu năm 2010.
Một tín hiệu vui
Từ lâu nay, để thực hiện một chuyến xuất ngoại làm việc, người LĐ phải nộp từ 20 triệu đồng/người cho thị trường giá rẻ như Malaysia đến hàng trăm triệu đồng/người cho thị trường Nhật Bản (trước ngày 1/7/2010) và một số thị trường Âu-Mỹ (Úc, Anh, Canada…). So với LĐ “đánh thuê” của các nước, LĐ VN được xếp vào nhóm thu nhập thấp nhất (giá ngày công của LĐ Trung Quốc, Philippines gấp đôi LĐ VN), trong khi các khoản chi phí dịch vụ luôn cao ngất ngưởng, thuộc danh sách đầu bảng. Vì thế, không ít gia đình phải mang gánh nặng nợ nần vì xuất khẩu lao động (XKLĐ).
Bài toán kinh tế của LĐ Việt khi tham gia vào thị trường LĐXK là hy vọng vào giờ làm thêm, tăng ca để có điều kiện tích lũy, sau khoảng phân nửa thời gian làm việc sẽ trả xong các khoản nợ từ phí dịch vụ. Trong trường hợp rủi ro, gặp những đơn hàng kém chất lượng, thu nhập thấp, ít giờ làm thêm thì LĐ gần như “huề vốn” sau những tháng ngày vất vả “cày” ở xứ người.
Một tín hiệu vui đối với người LĐ là sự giảm dần về phí dịch vụ, đặc biệt ở thị trường thu nhập cao như Nhật Bản (đã xóa bỏ hoàn toàn các khoản tiền cọc trị giá hàng trăm triệu đồng/LĐ).
LĐ nữ VN có việc làm ổn định, thu nhập bình quân 1.000 RM/tháng tại nhà máy điện tử Kyocer – Sanyo – Malaysia – Ảnh: DQ
|
Trong xu thế mở, người LĐ có thể tham gia làm việc ở bất cứ thị trường nào nếu hội đủ các điều kiện về trình độ, tay nghề, đảm bảo đúng quy định của quốc gia tiếp nhận LĐ. Thị trường XKLĐ sẽ trở nên lành mạnh hơn khi người LĐ không phải gánh chịu những khoản phí dịch vụ cao ngất ngưởng; doanh nghiệp (DN) XKLĐ thực hiện đúng chức năng đơn vị làm môi giới với mức phí thu đúng luật định của Nhà nước (một tháng lương/năm/người).
Chất lượng LĐ tăng
Một thời gian dài, nguồn LĐXK VN chủ yếu nằm trong đối tượng học vấn thấp, không nghề và không vốn, đa số thuộc vùng sâu, vùng xa. Ngay tại TP.HCM, nơi tập trung đông nhất các đơn vị XKLĐ song số LĐ TP.HCM tham gia vào lãnh vực này chỉ chiếm 8-10 %. Để thực hiện giấc mơ “đổi đời”, nhiều LĐ chấp nhận vay nợ, thế chấp tài sản cho các khoản phí “trời ơi”, các kiểu dịch vụ, cò… Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến chất lượng LĐ kém. Tình trạng rủi ro, LĐ về nước trước hạn luôn ở mức cao, riêng các DN XKLĐ TP.HCM báo cáo, từ năm 2007 – tháng 6/2010, có 3.348 LĐ về nước trước hạn.
Hiện nay, theo quy định nghiêm ngặt của các nước sở tại, nhiều loại phí đã được xóa bỏ, giảm áp lực đáng kể trong vấn đề tài chính của người LĐ. Cụ thể với thị trường Malaysia, người LĐ được xóa bỏ thuế levy (thuế thu nhập khoảng 500.000đ/người/tháng), thị trường Nhật nghiêm cấm mọi hình thức lấy tiền ký quỹ (phí chống trốn) của người LĐ bắt đầu từ 1/7/2010. Bên cạnh đó là các chính sách hỗ trợ vốn vay cho LĐXK (sau đó trừ dần vào lương) ở các thị trường Malaysia, Đài Loan, Macau. Ông Lê Anh Tuấn (Giám đốc Trung tâm XKLĐ thuộc Công ty Tracimexco – Bộ Giao thông vận tải) cho biết: “Thị trường Nhật thu hút mạnh sự quan tâm của LĐ Việt, nhưng trước đây chi phí cao, rất ít người có khả năng tham gia. Khi xóa bỏ phí tiền cọc, số LĐ nộp hồ sơ tại trung tâm tăng gần 10 lần so với trước đây. Nguồn LĐ dồi dào, nhà tuyển dụng có nhiều sự lựa chọn, nâng cao chất lượng đầu vào. Tính cạnh tranh vì thế cũng cao hơn”.
Thị trường LĐ Nhật dần “ấm” lên sau thời gian khủng hoảng. Điểm khác biệt là DN chỉ tuyển LĐ có nghề, trình độ học vấn tối thiểu cấp III (trước đây tuyển từ LĐ phổ thông, lớp 9). Ông Trần Văn Thạnh (Phó giám đốc Công ty Suleco) cho rằng: “Đây vừa là môi trường để DN cạnh tranh lành mạnh vừa là cơ hội cho người LĐ có nghề”. Thực hiện quy định mới, các DN XKLĐ hiện thu phí dịch vụ dao động từ 1.200 – 2.250 usd/người. Tuy nhiên, người LĐ cần lưu ý, chỉ đóng phí đào tạo, giáo dục định hướng, còn phí dịch vụ chỉ nộp khi LĐ được DN Nhật tiếp nhận và có visa.
Nguyễn Bay / Phụ Nữ
Bình luận (0)