Ngày 9-5, tại Cần Thơ đã diễn ra buổi tọa đàm khoa học: “Các rào cản về thể chế kinh tế đối với phát triển kinh tế – xã hội VN thời kỳ đổi mới và hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.
GS.TSKH Lê Du Phong, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, cho rằng: “Một số quốc gia trong khu vực và thế giới có điểm xuất phát ban đầu thậm chí khó khăn hơn VN. Song chỉ sau 20-25 năm họ đã trở thành nước có nền kinh tế phát triển. Các quốc gia này có những tập đoàn kinh tế, những sản phẩm làm ra đứng hàng đầu thế giới. Trong khi VN thực hiện đường lối công nghiệp hóa – hiện đại hóa hơn 30 năm nhưng chưa biết khi nào hoàn thành… Điều đáng quan ngại là nguy cơ tụt hậu xa so với nhiều nước trong khu vực”.
Theo các đại biểu, có vô vàn rào cản ngăn cản quá trình tiến lên công nghiệp của VN. Trong đó nổi bật là thể chế, chính sách. Hơn 30 năm qua VN đã xây dựng và ban hành rất nhiều bộ luật, luật và các văn bản pháp quy phục vụ việc tổ chức, quản lý và vận hành nền kinh tế thị trường định hướng XHCN nhưng chất lượng của hệ thống văn bản chưa cao, thậm chí còn chồng chéo, mâu thuẫn…
Ông Đậu Anh Tuấn, Ban Pháp chế VCCI (Phòng Công nghiệp và Thương mại VN), dẫn chứng, ở nước ta, một nhà đầu tư từ khi có ý định đầu tư dự án đến khi xây dựng nhà máy phải đụng đến 4 lĩnh vực: Đầu tư, đất đai, môi trường và xây dựng. Để thực hiện, nhà đầu tư phải trải qua một quy trình thủ tục hành chính với sự điều chỉnh của 5 bộ luật, 10 nghị định, 9 thông tư và hàng loạt các văn bản hướng dẫn của cấp tỉnh.
Theo đó, ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho biết: “VCCI đã rất nỗ lực tháo gỡ các rào cản nhưng càng về sau lại càng nhiều. Đến nay dù có đổi mới theo kinh tế thị trường nhưng vẫn còn tình trạng ngăn cấm dưới nhiều hình thức. Điều này đã cản trở rất lớn cho sự phát triển của quốc gia…”.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Cừ, Viện trưởng Viện Kinh tế Xã hội TP.Cần Thơ, thẳng thắn: “Nền kinh tế thị trường VN chưa được nhiều nước trên thế giới công nhận. Để tháo gỡ những bất cập, tôi cho rằng trước hết phải khẳng định được tư duy để cơ chế thị trường quyết định các hoạt động phát triển kinh tế. Vai trò của Nhà nước là thực hiện chức năng sở hữu toàn dân và quản lý mọi thành phần kinh tế. Nếu vậy tất cả mọi thành phần kinh tế phải bình đẳng với nhau, Nhà nước không nên ưu tiên cho thành phần nào; nhất là các tập đoàn Nhà nước, khi thực tế đa số doanh nghiệp Nhà nước làm ăn không hiệu quả, còn doanh nghiệp tư nhân đã có những đóng góp to lớn vào tiến trình phát triển của đất nước”…
Trước tình trạng nhiều doanh nghiệp cạnh tranh với nhau bằng giảm giá, họ phải bán giá thấp để mau có tiền trả ngân hàng khiến cho kinh tế nước nhà không phát triển nhanh, ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP.Cần Thơ, cho rằng, Nhà nước cần điều hành ngân hàng đúng theo luật của thế giới – Vay ngắn hạn thì lãi suất cao, dài hạn thì lãi suất thấp. Đồng thời, cần tập trung đầu tư đồng bộ hệ thống giao thông cho ĐBSCL để giảm giá thành chi phí vận chuyển. Hiện nay, vận chuyển hàng hóa từ Cần Thơ lên TP.HCM phải mất hơn 10 USD/tấn. Bên cạnh đó ưu tiên phát triển hệ thống logistic, xây dựng thêm kho bãi…
Nhiều ý kiến cho rằng, để cạnh tranh trên thị trường quốc tế, ĐBSCL nói riêng, cả nước nói chung phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chất lượng sản phẩm; chú trọng bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế. Theo đó đề xuất chỉ nên làm 2 vụ lúa/năm, không nên làm 3 vụ, vừa tạo khủng hoảng dư thừa, giảm giá đầu ra, nông dân không có lời, làm bạc đất và hạ thấp chất lượng hạt gạo do phải dùng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật và phân bón. Nếu tập trung tốt 2 vụ/năm kết hợp trồng hoa màu sẽ giúp cải tạo đất, hạ giá thành, nâng cao giá trị hạt gạo VN…
Đan Phượng
Bình luận (0)