Thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ giảm từ ngày 1-4 đến hết năm 2022, làm giảm thu ngân sách khoảng gần 24.000 tỉ đồng…
Ngày 23-3, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31-12-2022.
Giảm thuế từ 1-4
Theo Nghị quyết, thuế BVMT với xăng giảm từ 4.000 đồng/lít còn 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu ma dút, dầu nhờn giảm từ 2.000 đồng/lít còn 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn giảm từ 2.000 đồng/kg xuống 1.000 đồng/kg; dầu hỏa giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít. Mức thuế này áp dụng từ ngày 1-4 đến hết năm 2022. Việc xây dựng phương án giảm thuế BVMT được Bộ Tài chính thực hiện sau chỉ đạo của Chính phủ, theo trình tự rút gọn.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết giảm thuế BVMT đối với xăng dầu góp phần hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội sau dịch Covid-19 và phù hợp với bối cảnh chung của đất nước trong việc đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp do ảnh hưởng của đại dịch. Đồng thời, góp phần kiềm chế lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và bình ổn thị trường xăng dầu trước bối cảnh giá dầu thô tăng cao.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như trên góp phần trực tiếp làm giảm giá bán lẻ xăng, dầu, mỡ nhờn (bao gồm cả thuế giá trị gia tăng) tương ứng là 2.200 đồng/lít đối với xăng; 1.100 đồng/lít đối với dầu diesel, dầu ma-dút, dầu nhờn; 1.100 đồng/kg đối với mỡ nhờn; 770 đồng/lít đối với dầu hỏa.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh việc giảm thuế BVMT đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ làm giảm giá bán, từ đó làm hạn chế sự gia tăng chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm. Với Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1-4 và giá bán lẻ xăng dầu trong nước trong 9 tháng còn lại của năm 2022 ổn định như giá tại kỳ điều chỉnh ngày 11-3, theo Bộ Tài chính, việc giảm thuế BVMT sẽ giúp giảm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2022 ước khoảng 0,76%-0,85%.
Bộ Tài chính cũng tính toán giảm mức thuế BVMT như trên từ ngày 1-4 đến hết năm 2022 thì số thu ngân sách nhà nước sẽ giảm khoảng 23.954 tỉ đồng. "Tuy nhiên, việc giá dầu thô thế giới và giá xăng dầu trong nước liên tục tăng trong thời gian qua và được dự báo là có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới sẽ có tác động làm tăng thu ngân sách, đặc biệt là nguồn thu từ dầu thô. Qua đó, sẽ bù đắp số giảm thu do việc giảm mức thuế BVMT theo phương án trên"- ông Hồ Đức Phớc cho hay.
Trong bối cảnh giá dầu thô biến động lớn, khó lường, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, có thể xây dựng phương án giảm thuế BVMT theo mức giá dầu thô để bảo đảm mục tiêu bảo vệ môi trường, cân đối ngân sách nhà nước.
Cụ thể, khi giá dầu thô xuống dưới 80 USD/thùng thì giữ mức thuế như quy định hiện hành; giá dầu thô từ 80-130 USD/thùng có thể giảm 1.000 đồng/lít đối với xăng, các mặt hàng khác giảm tương ứng (giảm 25% so với hiện hành); giá dầu thô từ 130 USD/thùng trở lên thì giảm 1.500-2.000 đồng/lít (tương đương giảm 38%-50% so với hiện hành).
Giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ làm giảm giá bán, hạn chế sự gia tăng chi phí sản xuất
Cân nhắc giảm thêm thuế
Trước khi thông qua nghị quyết trên, UBTVQH đã thảo luận các nội dung liên quan đến chính sách giảm thuế cũng như điều hành giá xăng dầu trong nước. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất giảm thuế, từ đó giảm giá xăng để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp.
Theo Chủ tịch Quốc hội, chính sách giảm thuế này chắc chắn làm giảm thu ngân sách nhưng với tinh thần chia sẻ với khó khăn của người dân và doanh nghiệp nên ban đầu đề xuất mức giảm ít hơn, sau đó có ý kiến các bộ, trong đó có Bộ Công Thương thì đã tăng mức giảm lên.
Theo ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, ngoài giảm thuế BVMT, Chính phủ nên cân nhắc giảm thuế nhập khẩu tối huệ quốc (MFN) với xăng, xem như một biện pháp bổ sung để can thiệp trong trường hợp giá dầu thô trên thị trường thế giới tiếp tục có biến động. Mức giảm thuế này sẽ được tính toán trên cơ sở đánh giá tình hình nhập khẩu từ các nước ASEAN, Hàn Quốc, Singapore… và biến động giá thế giới.
Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng đề nghị Chính phủ tăng cường quản lý, kiểm tra và có biện pháp xử lý để giảm áp lực nguồn cung xăng dầu trên thị trường. Việc này bảo đảm cho các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu trong nước sử dụng đúng quy định với lượng xăng dầu dự trữ thương mại của doanh nghiệp.
Việc giảm chu kỳ điều hành giá cũng là một phương án kiến nghị được Ủy ban Tài chính – Ngân sách đưa ra, nhằm đưa giá xăng dầu trong nước sát hơn với diễn biến giá thế giới. Về lâu dài, ngoài việc trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu bằng tiền, Chính phủ cần nghiên cứu khả năng bổ sung công cụ cho quỹ bằng hiện vật (xăng dầu) để đa dạng hóa các công cụ có thể sử dụng tham gia điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn thị trường xăng dầu trong nước.
Đồng quan điểm với ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh trong dài hạn phải tính đến giảm các sắc thuế khác như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt để giảm giá xăng dầu.
Theo ông Vũ Hồng Thanh, việc giảm các loại thuế khác sẽ phải chờ Quốc hội quyết định, sẽ không đáp ứng được yêu cầu cấp bách hiện nay nên trước mắt giảm thuế BVMT là phù hợp. Theo ông Vũ Hồng Thanh, thời điểm này mới đề xuất giảm thuế BVMT là hơi chậm.
"Tại phiên chất vấn vừa rồi, một số đại biểu Quốc hội cũng đã đặt vấn đề xăng dầu là mặt hàng thiết yếu nhưng lại chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, việc này có phù hợp hay không? Quỹ bình ổn xăng dầu cũng cần điều hành linh hoạt, hiệu quả hơn, công khai minh bạch hơn. Về lâu dài, những vấn đề này cần phải xem xét"- ông Vũ Hồng Thanh kiến nghị.
Người lao động làm thêm không quá 60 giờ mỗi tháng
Cùng ngày, UBTVQH đã thông qua dự thảo Nghị quyết về số giờ làm thêm trong 1 năm, trong 1 tháng của người lao động (NLĐ) trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội. Theo Nghị quyết, về số giờ làm thêm trong 1 năm, trường hợp người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của NLĐ thì được sử dụng NLĐ làm thêm trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ trong 1 năm. Về số giờ làm thêm trong 1 tháng, trường hợp người sử dụng lao động được sử dụng NLĐ làm thêm tối đa 300 giờ trong 1 năm có nhu cầu và được sự đồng ý của NLĐ thì được sử dụng NLĐ làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng. Các trường hợp không áp dụng giờ làm thêm theo nghị quyết này gồm NLĐ từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi; người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng xa, biên giới, hải đảo; lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
|
MINH CHIẾN (theo NLĐ)
Bình luận (0)