Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Giảm thuế vẫn chưa hấp dẫn

Tạp Chí Giáo Dục

Người tiêu dùng chưa được hưởng nhiều lợi ích khi thuế nhập khẩu ô tô từ khu vực ASEAN giảm còn 50% từ ngày 1-1

Theo nội dung Thông tư 161 do Bộ Tài chính ban hành để thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN giai đoạn 2012-2014, từ ngày 1-1, thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN sẽ giảm từ mức 60% xuống còn 50%, riêng xe tải và xe chuyên dụng được hưởng mức thuế suất 0%-5%.
Không mặn mà xe ASEAN
Theo số liệu thống kê, 11 tháng năm 2013, lượng xe nhập khẩu từ các nước trong khối ASEAN (chủ yếu là Thái Lan và Indonesia) về Việt Nam khoảng 8.826 chiếc, giá trị kim ngạch gần 150 triệu USD, chiếm 27% lượng xe nhập nguyên chiếc vào Việt Nam. Như vậy, lượng ô tô nhập khẩu từ khối ASEAN về Việt Nam chưa phải là con số lớn.

Khách hàng xem mẫu xe của hãng Honda tại một triển lãm ô tô ở TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Chưa kể trong 27% số xe mà Việt Nam nhập về từ các nước trong khối ASEAN thì dòng xe phục vụ nhu cầu sử dụng của cá nhân chiếm tỉ trọng rất thấp. Đơn cử như Toyota, hiện hãng này chỉ đặt sản xuất dòng xe bán tải ở Thái Lan, còn các dòng khác được sản xuất ngay tại Nhật Bản và một số quốc gia khác. Ford Việt Nam cũng tương tự. Mẫu xe duy nhất mà Việt Nam nhập khẩu từ Thái Lan của liên doanh này là Ranger – cũng là dòng xe bán tải – vốn đã được hưởng thuế nhập khẩu ở mức rất thấp là 5%. Vì vậy chỉ có một số dòng xe khác nhập từ Thái Lan như Honda Accord, Toyota Yaris… là còn chút hấp dẫn nhưng số lượng không đáng kể vì kén khách hàng. “Việc giảm 10% thuế nhập khẩu ô tô không có tác động lớn tới giá xe bán ra bởi lượng xe được giảm thuế không nhiều và mức giảm cũng thấp” – anh Nguyễn Tiến Đạt, nhân viên kinh doanh salon ô tô Toyota Pháp Vân (Hà Nội), nhận định.
Theo anh Đạt, hiện nay người tiêu dùng vẫn đang thờ ơ hoặc ở trạng thái thăm dò đối với các dòng xe nhập khẩu từ các nước ASEAN bởi so sánh giữa những dòng xe đã sản xuất, lắp ráp được ở trong nước thì việc lựa chọn xe đến từ ASEAN chất lượng chưa chắc đã hơn mà giá cả lại cao do vẫn phải chịu thuế nhập khẩu. “Do vậy, xu hướng khách hàng sẽ mua xe nội địa để tiết kiệm chi phí hoặc mua xe nhập khẩu chính hãng từ các quốc gia có ngành công nghiệp ô tô phát triển. Chưa kể một bộ phận không nhỏ có tâm lý chờ đến khi thuế nhập khẩu ô tô giảm về 0% và nền kinh tế phục hồi để được mua xe giá rẻ” – anh Đạt phân tích.
Lo ngại chi phí “nuôi” xe
Theo các chuyên gia về giao thông, đề án phát triển hợp lý các phương tiện vận tải được Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ không có bất kỳ đề xuất nào về tăng thuế, phí mang tính chính sách để “đối phó” với việc gỡ bỏ rào cản về thuế khi Việt Nam thực hiện các hiệp định thương mại với ASEAN, WTO. Tuy nhiên, đối với các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng thì có đề xuất giải pháp kiểm soát các phương tiện ảnh hưởng trực tiếp đến việc gây ách tắc giao thông. Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị các địa phương nghiên cứu trình Chính phủ dự án kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân. Riêng Hà Nội và TP HCM nghiên cứu việc chuyển đổi phí trông giữ phương tiện sang giá dịch vụ, thực hiện theo đúng nguyên tắc của kinh tế thị trường. Phí bảo trì đường bộ được đề xuất nghiên cứu bên cạnh thu theo đầu phương tiện có thể thu phí linh hoạt theo cự ly tham gia giao thông và cấp đường tham gia giao thông qua các thiết bị giám sát hành chính.
Một trong những nguyên nhân của việc hạn chế phương tiện cá nhân được ông Dương Đình Giám, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương), nêu ra là do sự bất cập của hạ tầng giao thông. Năng lực hạ tầng hạn chế nên cần kiểm soát các phương tiện cá nhân kết hợp với tăng cường dịch vụ vận tải công cộng. Như vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, việc giảm thuế sẽ giúp một số dòng xe hạ nhiệt nhưng người dân tại các đô thị lớn có nguy cơ đối mặt với nhiều rào cản khiến họ khó tiếp cận các dòng xe được ưu đãi.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng do kinh tế chưa thể hồi phục nhanh trong năm 2014 nên dù giảm giá xe phân khúc bình dân thì thị trường vẫn khó sôi động trở lại. “Đối với người có thu nhập trung bình thì dù xe nào giảm giá cũng vẫn khó mua trong hoàn cảnh này. Còn người giàu thì sẽ tìm đến các dòng xe hạng sang của các quốc gia như Anh, Mỹ. Hơn nữa, nếu có rào cản về thuế, phí thì càng khó cho người tiêu dùng, doanh nghiệp cũng chưa chắc bán được nhiều xe hơn” – ông Phong nhận định.
Giảm thuế trước bạ hữu ích hơn
Từ ngày 1-1, TP HCM sẽ giảm đáng kể lệ phí trước bạ cho các loại ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống khi đăng ký lần đầu. Với mức giảm từ 15% trước đây xuống còn 10%, các dòng xe phân khúc bình dân có giá từ 400-500 triệu đồng sẽ được giảm giá khoảng 20 triệu đồng trở lên; xe hạng sang chi phí tiết kiệm có thể lên tới hàng trăm triệu đồng. Mức giảm lệ phí trước bạ này được đánh giá là hữu ích trong việc kích cầu tiêu dùng hơn so với việc giảm thuế nhập khẩu.
Theo NLĐ

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)