Philippines áp dụng biện pháp tự vệ
Ngày 27.9, Bộ Công thương cho biết: Bộ Thương mại và Công nghiệp Philippines (DTI) khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp tự vệ với sản phẩm xi măng nhập khẩu vào nước này. Thời kỳ điều tra để xem xét lượng tăng nhập khẩu, thiệt hại giai đoạn từ 2013 – 2017.
Cơ quan điều tra cho rằng lượng xi măng nhập khẩu đã gia tăng đáng kể trong giai đoạn 2014 – 2017, tổng lượng xi măng nhập khẩu đã tăng 70%. Riêng năm 2014 tăng 4.390%; năm 2015 tăng 549%; năm 2016 tăng 72%; năm 2017.
Việt Nam đang bán rẻ tài nguyên. NGỌC THẮNG.
TI cho biết, Việt Nam là nước có lượng xuất khẩu và thị phần xuất khẩu lớn nhất vào Philippines trong giai đoạn 2014 – 2017. Sự gia tăng nhập khẩu là nguyên nhân chủ yếu gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất nội địa của nước này thể hiện ở sự sụt giảm thị phần, doanh thu, lợi nhuận cũng như giá bán.
Theo quy định, các bên liên quan là các doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu, tổ chức trong và ngoài Philippines có quyền bày tỏ quan điểm, bình luận về vụ việc (bao gồm quan điểm bình luận về tác động của việc áp dụng biện pháp đối với lợi ích công chúng). Ngoài ra, DTI cũng thông báo sẽ yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam (đã được cơ quan điều tra xác định) trả lời bảng câu hỏi điều tra trong vụ việc.
Ào ào “chảy” vào Trung Quốc
Thống kê của Hải quan Việt Nam, trong 7 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu nhóm hàng xi măng và clinker tăng trưởng rất mạnh so với cùng kỳ 2017. Cụ thể xuất khẩu gần 18 triệu tấn, tương đương 656 triệu USD; tăng 63% về lượng và 73% về giá trị. Giá xuất khẩu bình quân chỉ đạt 37,2 USD/tấn, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước.
Nổi bật trong số các nhà nhập khẩu chính là Trung Quốc, tăng đột biến gấp 80 lần về lượng và tăng gấp 90 lần về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, xuất khẩu xi măng và clinket sang Trung Quốc đạt 4,52 triệu tấn, tương đương 158 triệu USD. Trung Quốc là nhà nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam với 25,6% thị phần nhưng giá chỉ có 35 USD/tấn.
Sau Trung Quốc là Philippines đạt gần 3,5 triệu tấn, tương đương giá trị 160 triệu USD; tăng 23,5% về lượng và 28% về kim ngạch. Đáng chú ý giá xuất khẩu vào Philippines đến 45,3 USD/tấn.
Bangladesh là thị trường tiêu thụ nhiều nhất sản phẩm xi măng, clinker của Việt Nam. Thị trường này chiếm gần 279% về lượng và chiếm hơn 23% về giá trị. Nước này nhập 4,75 triệu tấn, tương đương 153 triệu USD, tăng 4,9% về lượng và tăng 15,8% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Giá xuất khẩu sang thị trường này đạt trung bình 32,2 USD/tấn.
Bán rẻ tài nguyên
Không chỉ 3 thị trường chính, hầu hết các thị trường khác đều tăng trưởng vài chục điểm phần trăm. Cụ thể: Malaysia tăng 87,9% về lượng và tăng 102,2% về kim ngạch; Peru tăng 74,7% về lượng và tăng 72% về kim ngạch; Đài Loan tăng gần 67% về lượng và 86,5% về kim ngạch…
Một điều dễ nhận thấy là càng xuất nhiều giá càng thấp, theo thứ tự: Bangladesh 32,2 USD/tấn, Trung Quốc 35 USD/tấn, Philippines 45,3 USD/tấn. Trong khi xuất khẩu xi măng và clinker vào thị trường Úc chỉ đạt 23.500 tấn nhưng giá lên đến 66,7 USD/tấn.
Những dẫn chứng trên cho thấy, ngành xi măng Việt Nam đang bán rẻ tài nguyên. Giá xuất khẩu xi măng của Việt Nam chỉ bằng một nửa giá thế giới. Xi măng không chỉ là ngành đơn thuần dựa vào khai thác tài nguyên mà còn thâm dụng năng lượng và lao động, gây ô nhiễm môi trường cao. “Trong khi chiến lược các nước là đóng cửa dần nhà máy xi măng thì ở Việt Nam việc mở rộng lại được đánh giá cao, các nhà máy lại phát triển tưng bừng”, TS Nguyễn Đình Cung (Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế T.Ư) thể hiện sự bức xúc.
Xuất khẩu xi măng tăng mạnh từ thời điểm 1.2.2018, ngày Nghị định 146 có hiệu lực. Ngày 15.12.2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 146/2017 sửa đổi bổ sung một số điều tại Nghị định 100/2016, trong đó đưa thuế suất xi măng về 0% và hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp xuất khẩu xi măng. Nghị định trên được ban hành dựa trên kiến nghị của Bộ Kế hoạch – Đầu tư.
Xuất khẩu 18 triệu tấn xi măng và clinker nhưng chỉ thu về 656 triệu USD. Việt Nam đang phải đối mặt với các vụ kiện tự vệ, phá giá của các nước; bên cạnh đó môi trường tự nhiên bị tàn phá, ô nhiễm và tốn thêm nhiều chi phí để xây dựng các nhà máy nhiệt điện than… Điều này đồng nghĩa môi trường lại càng bị ô nhiễm tích lũy.
Chí Nhân/TNO
Bình luận (0)