Một quan chức thuộc Bộ Công Thương vừa cho biết nhà nước đang quản lý ngành than bằng kế hoạch xuất khẩu. Việc bộ đề xuất giảm thuế xuất khẩu than nhằm giữ cho Tập đoàn Than và Khoáng sản (TKV) giữ được chỉ số tín nhiệm để được vay vốn ưu đãi.
Thông tin trên được ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng thuộc Bộ Công Thương cho biết tại buổi họp báo tình hình sản xuất công thương 8 tháng đầu năm diễn ra chiều nay (10-9).
Theo ông Thọ, Bộ Công Thương kiến nghị giảm thuế xuất khẩu than từ 20% xuống còn 10% trong lúc này là cần thiết, nhằm giải phóng bớt lượng than tồn kho rất lớn của TKV và tránh ảnh hưởng xấu đến công ăn việc làm việc làm của hơn 100.000 lao động ngành than.
Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam chỉ xuất khẩu tối đa 14,5 triệu tấn than trong năm nay – Ảnh: Lê Toàn.
"Mục tiêu số một là phải đáp ứng đủ than cho các hộ tiêu thụ trong nước, đặc biệt là than cho điện và chỉ xuất khẩu các loại than trong nước không dùng. Nhà nước quản lý ngành than bằng kế hoạch xuất khẩu. Ví dụ năm nay chỉ cho TKV xuất khẩu 14,5 triệu tấn than thì có tăng thuế lên 30% hay giảm xuống 0% thì ngành than cũng chỉ xuất tối đa 14,5 triệu tấn", ông Thọ nói tại buổi họp báo.
Theo ông Thọ, việc giảm thuế xuất khẩu cũng nhằm giúp TKV có vốn tái đầu tư sản xuất mỏ, đồng thời giữ cho TKV có đủ chỉ số tín nhiệm được vay các nguồn vốn ưu đãi. Hiện nay Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính, Bộ Công Thương xem xét đề xuất giảm thuế xuất khẩu than và tăng giá bán than cho điện.
Giải thích thêm về khó khăn của ngành than, ông Thọ cho rằng, chẳng hạn như Indonesia cũng đang áp thuế xuất khẩu than 0%, Úc cũng 0% và Trung Quốc là nước tiêu thụ than lớn cũng chỉ 10%. Nếu không giảm thuế xuất khẩu thì TKV sẽ mất khả năng cạnh tranh.
Liên quan đến đề xuất của Bộ Công Thương cho phép TKV tăng giá bán than cho điện, ông Thọ lý giải rằng hiện nay, nếu tính đúng tính đủ, giá một kWh điện thì phải 9,6 cent, nhưng hiện nay giá bán điện chạy bằng than chỉ khoảng 5,6 cent/kWh. Giá than bán cho điện mới chỉ bằng 50-60% giá thành sản xuất than, từ đó dẫn đến thiếu hụt vốn đầu tư ngành năng lượng theo chiến lược được Thủ tướng phê duyệt.
Quan trọng hơn, theo ông Thọ, giá than cho điện thấp cũng sẽ làm mất cơ chế khuyến khích các hộ sử dụng năng lượng tiết kiệm.
Do vậy, việc tăng giá bán than cho điện giúp giải quyết 2 vấn đề. Một là đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư rất lớn của ngành than lên đến gần 40.000 tỉ đồng mỗi năm, với đặc điểm của ngành than là nếu muốn đầu tư để đến năm 2015 đạt được sản lượng 55 triệu tấn như quy hoạch thì lúc này phải có vốn đầu tư lớn.
Ông Thọ cho biết, tại cuộc họp tái cơ cấu TKV mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng có ý kiến chỉ đạo nên điều chỉnh giá than bán cho điện phù hợp theo việc điều chỉnh giá điện, trước mắt điều chỉnh giá than bán cho điện đảm bảo bằng giá thành sản xuất than được kiểm toán năm 2011.
(TBKTSG Online)
Bình luận (0)