Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Giảm tổn thất nông sản sau thu hoạch: Hỗ trợ lãi suất – chưa đủ

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Quyết định 63/2010/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thuỷ sản với số tiền lên tới 40.000 tỉ đồng mang lại kỳ vọng lớn cho nông dân và DN. Tuy nhiên, không hẳn có tiền sẽ giải quyết được tất cả.

Theo quyết định, việc hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thuỷ sản thông qua Ngân hàng NN & PTNT, được thực hiện dưới hai hình thức: cho vay hỗ trợ lãi suất và cho vay theo lãi suất tín dụng đầu tư phát triển.

Những rào cản khó vượt
Theo ông Trần Tấn Tâm – TGĐ Cty XNK thuỷ sản miền Trung, thực tế hiện nay, các cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản chưa được quan tâm đầu tư đổi mới công nghệ cũng như kết cấu hạ tầng kỹ thuật vẫn chưa được đầu tư đúng mức, chưa tạo điều kiện để đẩy mạnh việc ứng dụng máy móc, thiết bị ở các khâu trong và sau thu hoạch, năng lực nghiên cứu, chế tạo, cung ứng máy móc, thiết bị trong nước về thu hoạch, bảo quản còn nhiều hạn chế, bất cập.
Nếu nông dân và nhà chế biến có điều kiện lựa chọn các tiến bộ về quản lý và công nghệ sau thu hoạch thì những thất thoát có thể giảm đáng kể và thu nhập từ lúa sẽ gia tăng
Đồng ý với ý kiến của ông Tâm, ông Lê Văn Sang- GĐ Cty XNK thuỷ sản Thanh Hoá bổ sung: Không chỉ yếu kém về cơ sở hạ tầng và trình độ kỹ thuật mà ngay cả những tổn thất đối với nông dân sau thu hoạch cũng đã ảnh hưởng trực tiếp tới DN kinh doanh thuỷ sản. Ví dụ, sản lượng kém, các DN khi thu mua phải chịu giá mua cao hơn trung bình cộng thêm với các khoản chi phí khác…
Mặt khác, ông Nguyễn Xuân Thái – GĐ Cty TNHH một thành viên Thắng Lợi cũng cho biết: Hiện nay, do giá nông sản thế giới tăng cao nên các DN nước ngoài tranh mua nguồn nguyên liệu trong nước rất mạnh, tổ chức cả người thu gom tận các hộ nông dân. Ông Đỗ Hà Nam – Lãnh đạo Cty XNK Intimex bức xúc nói: Không riêng cà phê bị DN nước ngoài “lấn sân” trong thu mua mà các mặt hàng nông sản khác cũng gặp tình trạng tương tự. Trong cuộc “đua” này, DN nước ngoài ngày càng chiếm ưu thế vì có vốn lớn, khác với DN trong nước phần lớn hoạt động nhờ vào vốn vay ngân hàng. Vì vậy, tôi rất kỳ vọng vào nguồn vốn 40.000 tỉ đồng mà Chính phủ sẽ hỗ trợ về giảm tổn thất sau thu hoạch. Tuy nhiên, từ văn bản đến thực tiễn là cả một “chặng đường” quá dài- ông Nam nói.
Bà Cao Thị Quế Anh- Giám đốc Cty dược phẩm xanh Nhất Quán khẳng định: Tôi tin tưởng với những hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch từ phía Chính phủ như hiện nay, sẽ là động lực cho nông dân tăng gia sản xuất. DN cũng sẽ yên tâm vì có nguồn vốn vay tín dụng thuận lợi hơn so với năm 2010.
Giải pháp hữu hiệu

Tuy nhiên, để Quyết định 63/2010/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đi vào thực thi có hiệu quả, giải quyết những kỳ vọng lớn lao của nông dân và DN, vấn đề quan trọng mà theo ông Vũ Văn Dũng – Vụ trưởng Vụ nuôi trồng thuỷ sản Bộ NN& PTNT cho biết: Phải phát huy tối đa tính chủ động trong ngành. Cụ thể, là phải triển khai đồng bộ các giải pháp về quy hoạch vùng nguyên liệu, đầu tư công nghệ, máy móc thiết bị từ khâu thu hái đến bảo quản. Trước mắt, cần xây dựng hệ thống kho dự trữ hiện đại, bảo đảm tiêu chuẩn quốc tế để có chất lượng nông sản tốt nhất, giảm tổn thất sau thu hoạch.

Bà Hoàng Lệ Hằng – Phó trưởng bộ môn bảo quản chế biến Viện nghiên cứu rau quả trung ương lại cho rằng, xây kho bảo quản chỉ là liệu pháp tạm thời. Về lâu dài, muốn hoa quả trong nước xuất khẩu bền vững, quy mô lớn thì việc quy hoạch vùng nguyên liệu phải được thực hiện sớm, có như vậy công tác bảo quản mới đạt đúng quy trình chất lượng.
Theo ông Lê Hồng Thanh- Tổng giám đốc Cty cổ phần giống cây trồng Thanh Hoá: Cần nghiên cứu hoàn thiện và áp dụng các công nghệ bảo quản hoa quả tiên tiến, hiện đại như: bảo quản mát, bảo quản trong môi trường khí quyển cải biến, kéo dài thời gian vận chuyển đi xa và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, ứng dụng các công nghệ tiên tiến như công nghệ lạnh, chiên sấy chân không.
Còn bà Hoàng Thị Minh- Tổng giám đốc Cty cổ phần phân phối bán lẻ VNF1 cho rằng, nếu nông dân và nhà chế biến có điều kiện lựa chọn các tiến bộ về quản lý và công nghệ sau thu hoạch như: máy gặt, máy sấy lúa, hệ thống tồn trữ kín, kỹ thuật xay xát cải tiến và từ những thông tin cập nhật về thị trường thì những thất thoát có thể giảm đáng kể và thu nhập từ thu hoạch lúa sẽ gia tăng.
Cũng theo bà Minh, hiện nay, giải pháp thực hiện thì nhiều thế nhưng, không lồng ghép, kết nối với nhau nên không đủ sức mạnh. Vì vậy, cùng ngồi lại với nhau, cùng suy nghĩ về chuỗi giá trị, tuyến tác động giữa các giải pháp trong chính sách hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch chắc chắn sẽ có cách làm khác hơn, hữu hiệu hơn.
Nguồn DĐDN

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)