Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Giấm trà có trị tiểu đường, huyết áp?

Tạp Chí Giáo Dục

Kinh nghiệm dân gian còn dùng giấm ngâm lạc, giấm ngâm đậu tương, giấm hoà đường phèn, giấm hấp trứng gà, giấm ngâm rong biển, giấm ngâm nấm hương

Người bị viêm loét dạ dày tá tràng hoặc đang dùng một số loại kháng sinh kỵ môi trường axít thì không nên dùng trà giấm. Ảnh: CTV
Chuyên trang Khoẻ & vui vừa nhận được email của bạn đọc Nguyễn Duy Nghĩa (email: duynghia…@vietrade.gov.vn) cung cấp một bài thuốc dân gian dùng giấm trà trị bệnh. Trong email, ông Nghĩa viết:
“Đọc một tài liệu chuyền tay, tôi được biết giấm chè chữa được nhiều bệnh như huyết áp, tiểu đường… vì một trong các tác dụng là giảm mỡ trong máu. Điều này khiến tôi “vồ vập” bởi đang bị huyết áp cao. Theo tài liệu, sản phẩm được chế từ đường hoà vào nước chè (pha chè khô hoặc hãm chè tươi) đổ vào lọ, rồi thả con giấm vào, ngâm khoảng 15 ngày. Uống có ba vị: đầu tiên là chua thoảng của giấm rồi vị ngọt nhẹ của đường, cuối cùng là chan chát của chè. Tuỳ theo yêu cầu chữa bệnh, nếu bị tiểu đường có thể giảm lượng đường khi hoà nước chè. Tôi uống trước mắt thấy êm bụng, song phân vân vì đây là tài liệu chuyền tay, chưa có cơ quan khoa học nào xác nhận. Vậy rất mong được quý báo chỉ giáo”.
Sau khi nghiên cứu các tài liệu đông y và kinh nghiệm dân gian chính thống, chúng tôi có đôi lời trao đổi với ông Nghĩa như sau:
Thực ra, về danh pháp phải gọi là “trà giấm”. Dùng giấm nói chung và trà giấm nói riêng là một trong những biện pháp chữa bệnh dân gian độc đáo và giàu tính tự nhiên của y học cổ truyền phương Đông, đặc biệt ở Trung Quốc. Cách chế trà giấm có thể được thực hiện như bạn đọc đã nêu, nhưng đơn giản hơn là dùng ngay giấm ăn thường ngày (tất nhiên phải là loại giấm đảm bảo chất lượng) mà ngâm với lá trà, thường sau 7 – 10 ngày là có thể dùng được.
Công năng của trà giấm là sự kết hợp giữa hai yếu tố: tác dụng của giấm và tác dụng của lá trà. Theo dinh dưỡng học cổ truyền, giấm vị chua đắng, tính ấm, có công dụng hoạt huyết hoá ứ, tiêu thực hoá tích và giải độc sát trùng, thường được dùng để chữa chứng chóng mặt sau khi sinh con, tích trệ thức ăn, vàng da, thổ huyết, chảy máu cam, đại tiện ra máu, lở ngứa vùng âm hộ, mụn nhọt, đinh độc, ngộ độc thực phẩm…  Nghiên cứu hiện đại cho thấy, giấm có tác dụng kích thích tiêu hoá, nâng cao công năng miễn dịch của cơ thể, điều hoà huyết áp và chống lão hoá, được coi là thực phẩm lý tưởng cho những người bị viêm dạ dày thể thiểu toan, cao huyết áp, rối loạn lipid máu, vữa xơ động mạch, sỏi đường tiết niệu, viêm gan, dị ứng với thuỷ hải sản, dễ bị mắc các bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp… Lá trà vị ngọt đắng, tính mát, có công dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu thực hoá trệ, lợi niệu bài độc, thanh tâm minh mục, kiện não ích trí, khinh thân giảm béo, cường tâm kháng ung, thường được dùng để chữa các chứng đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, hay quên, tâm phiền miệng khát, thực tích đàm trệ, lỏng lỵ, sốt rét… Nghiên cứu hiện đại cho thấy, lá trà có tác dụng dược lý rất phong phú như làm hưng phấn thần kinh trung ương, hạ huyết áp, giảm mỡ máu và đường máu, chống ngưng tập tiểu cầu và vữa xơ động mạch, chống phóng xạ và ung thư, cải thiện công năng miễn dịch, lợi niệu, kháng khuẩn và virút, chống lão hoá… được coi là thứ thực phẩm rất có lợi cho những người bị cao huyết áp, rối loạn lipid máu, vữa xơ động mạch, tiểu đường, chậm nhịp tim, bệnh lý động mạch vành tim…
Đối với những người bị cao huyết áp, rối loạn lipid máu, tiểu đường… việc dùng trà giấm là rất tốt. Ngoài việc uống trà giấm, kinh nghiệm dân gian còn dùng giấm ngâm lạc, giấm ngâm đậu tương, giấm hoà đường phèn, giấm hấp trứng gà, giấm ngâm rong biển, giấm ngâm nấm hương… uống hoặc ăn để phòng chống bệnh cao huyết áp.
Tuy nhiên cũng cần lưu ý, những người bị viêm loét dạ dày tá tràng thể đa toan hoặc đang dùng một số loại kháng sinh kỵ môi trường axít thì không nên dùng trà giấm. Khi sử dụng phải chọn loại giấm tốt, hết sức tránh loại giấm làm từ cồn. Trà giấm chỉ có tác dụng phòng ngừa và hỗ trợ trị liệu cao huyết áp, tuyệt đối không nên tự ý bỏ thuốc hạ áp đang dùng khi chưa có ý kiến của bác sĩ.
ThS.BS Hoàng Khánh Toàn
(trưởng khoa đông y, bệnh viện Trung ương quân đội 108)
Theo SGTT

Bình luận (0)