Chiều 18-8, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đã tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện đề án “Phát triển quan hệ lao động trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2014-2020”.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: T.A |
Theo ông Trần Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM: Trong hai năm qua (từ tháng 4-2014 đến tháng 3-2016), đề án đã đạt được những kết quả cao. Cụ thể, TP phát triển thêm 589.820m2 sàn xây dựng mới nhà lưu trú, nhà trọ cho thuê, đáp ứng 162.930 chỗ ở cho người lao động (NLĐ); sửa chữa cải tạo được 167.428m2 sàn xây dựng, đáp ứng 17.144 chỗ ở cho NLĐ. Trong đó, các doanh nghiệp (DN) đầu tư xây dựng được 28.480m2, đáp ứng 3.668 chỗ ở; các hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng mới 561.340m2 sàn, đáp ứng gần 160.000 chỗ ở và sửa chữa, cải tạo được khoảng 562.000m2 sàn xây dựng, đáp ứng trên 17.000 chỗ ở. Số nhà trọ này tập trung tại các quận, huyện có KCX-KCN như Q.2, 9, Thủ Đức, Bình Tân, huyện Nhà Bè, Bình Chánh…
Sở LĐ-TB&XH TP đã phối hợp với các quận, huyện trọng điểm về xảy ra đình công như Q.7, 12, Thủ Đức, Bình Tân, Hóc Môn, Củ Chi… thực hiện thí điểm xây dựng hồ sơ quan hệ lao động tại các DN có nguy cơ cao về tranh chấp lao động tập thể, đình công trên địa bàn.
Liên đoàn Lao động TP.HCM cũng đã ký kết liên tịch với Thành đoàn phối hợp, hỗ trợ công tác tuyên truyền giáo dục, phòng ngừa tranh chấp lao động và đình công, thành lập gần 2.500 tổ dư luận xã hội với trên 10.000 thành viên và gần 1.000 cộng tác viên.
Có thể thấy, với đề án này NLĐ tại KCX-KCN đã được các ngành, các cấp quan tâm nhiều hơn. DN cũng nỗ lực vượt khó, thực hiện tốt việc điều chỉnh lương tối thiểu, tạo điều kiện về việc làm và chăm lo tốt cho NLĐ.
Từ khi thực hiện đề án, có 75% DN trong KCX-KCN tự đào tạo nghề cho NLĐ, một số DN nước ngoài tạo điều kiện để NLĐ nâng cao tay nghề; giảm số vụ tranh chấp lao động tập thể, đình công, giảm số người bị dụ dỗ, lôi kéo bởi những tổ chức phản động…
Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số khó khăn nhất định như đề án chưa được triển khai đồng bộ ở các cấp, các ngành và địa phương. Một số địa phương chưa triển khai cụ thể kế hoạch thực hiện để tạo hiệu ứng lan tỏa về xây dựng quan hệ lao động. Hơn nữa, quy định pháp luật về quan hệ lao động chưa phù hợp với thực tiễn, còn nhiều bất cập trong thi hành pháp luật lao động, BHXH. Điều này gây khó khăn cho việc xây dựng quan hệ lao động trong DN, nhất là đối với những DN cố tình vi phạm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ nhưng việc chế tài không tương xứng.
Ông Sơn cho biết, giai đoạn 2016-2020, đề án tiếp tục khắc phục những mặt hạn chế, củng cố, nâng cao năng lực cán bộ thực hiện công tác quan hệ lao động các cấp, bổ sung quy chế phối hợp giữa ban quản lý các KCX-KCN với UBND các quận, huyện để tăng cường kiểm tra, xử lý các DN vi phạm pháp luật. Đồng thời, tham gia với nước ngoài thực hiện các dự án nghiên cứu về quan hệ lao động theo yêu cầu thực tiễn của TP…
Ông Sơn cũng kiến nghị, TW cần sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về quan hệ lao động và các quy định pháp luật có liên quan.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Minh Quân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh: TP.HCM cần nhân rộng mô hình, cách làm hay về xây dựng quan hệ lao động. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao vai trò tổ chức công đoàn, đặc biệt là cấp cơ sở, chất lượng đối thoại trong DN, cải thiện tranh chấp, yếu tố phát triển KT-XH-VH… để hướng đến mục tiêu xây dựng quan hệ DN hài hòa, xứng tầm và phù hợp với yêu cầu đổi mới.
Trần An
Bình luận (0)