Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Giảm trí nhớ ở người lớn tuổi

Tạp Chí Giáo Dục

Giảm trí nhớ là lời than phiền thường gặp ở người cao tuổi. Đây là vấn đề có thể lành tính do quên đơn thuần, nhưng cũng có thể là biểu hiện ban đầu của sa sút trí tuệ (SSTT), một bệnh lý thoái hóa não tiến triển dẫn đến mất trí nhớ và tử vong.

SSTT tăng dần theo tuổi tác. Nhận biết các biểu hiện sớm của SSTT sẽ giúp cho người bệnh và gia đình được tham vấn phòng ngừa và điều trị ngay từ giai đoạn đầu của bệnh.
Ảnh: Internet
Giảm hoặc mất trí nhớ
*Giảm trí nhớ lành tính. Giảm trí nhớ đi kèm với lớn tuổi, chủ yếu suy giảm về trí nhớ công việc, do các thay đổi của thùy trán trước. Nó bao gồm sự đãng trí, giảm khả năng tập trung và giảm khả năng giữ ý nghĩ lâu dài. Quên ngay một việc mình định làm, tìm không thấy đồ vật mình vừa đặt xuống, không nhớ mình đã làm việc đó chưa, quên tên của vị khách mình mới gặp hôm qua… là những biểu hiện thường gặp của loại giảm trí nhớ này. Đây không phải là biểu hiện của việc bắt đầu bệnh lý thoái hóa não và cũng không phải là không thể điều trị. Mặc dù trí nhớ thường giảm khi lớn tuổi, nhưng một số người 70-80 tuổi vẫn có trí nhớ tốt hơn nhiều người ở tuổi 20-30.
*Giảm trí nhớ bệnh lý. Đây là bệnh giảm mất trí nhớ bất thường, khác với giảm trí nhớ do có tuổi. Nó thường được chia làm hai nhóm: mất trí nhớ ngược chiều và mất trí nhớ xuôi chiều.
Mất trí nhớ ngược chiều là mất đi những hồi ức về quá khứ. Những người bị chấn thương đầu hoặc bị sốc do điện giật có thể bị mất hết trí nhớ về những điều trước khi họ bị sang chấn não, nhưng vẫn duy trì được khả năng nhớ những thông tin mới.
Mất trí nhớ xuôi chiều là mất khả năng tạo được trí nhớ mới. Đối với bệnh nhân, tất cả mọi điều đều là mới mẻ, dù đó là những sự kiện, những con người mà họ đã gặp nhiều lần trước đây. Nguyên nhân thường gặp của loại mất trí nhớ này là SSTT sau chấn thương, tai biến mạch máu não, viêm não và bệnh Alzheimer. Người nghiện rượu thiếu vitamine B1 cũng thường mất trí nhớ xuôi chiều.
Sa sút trí tuệ
SSTT là một rối loạn của não bộ làm cho con người mất đi những chức năng trí nhớ và nhận thức bình thường trước đây của mình. Người bị SSTT gặp khó khăn trong ghi nhớ, học tập và giao thiệp. SSTT cũng có thể làm người bệnh thay đổi khí sắc và cá tính. Sau một thời gian, bệnh sẽ làm cho họ không tự săn sóc được bản thân.
Nguyên nhân sa sút trí tuệ: 
Bệnh Alzheimer, còn được gọi là lú lẩn tuổi già, là nguyên nhân hàng đầu của SSTT. Bệnh ảnh hưởng chủ yếu đến những phần não kiểm soát sự suy nghĩ, trí nhớ và ngôn ngữ. Giảm trí nhớ là biểu hiện đầu tiên của bệnh. Sự xuất hiện các mảng amyloid bất thường và các đám rối sợi thần kinh trong tế bào não được xem là nguyên nhân gây ra chết tế bào não và teo não nặng trong bệnh Alzheimer.
Yếu tố nguy cơ của bệnh Alzheimer bao gồm: gia đình có cha mẹ bệnh Alzheimer, lớn tuổi, giới nữ, trình độ học vấn thấp, tăng cao Appolioprotein E-4 bất thường, chấn thương đầu, chế độ ăn uống không hợp lý, cao huyết áp và tiểu đường.
SSTT mạch máu xảy ra sau tổn thương não do bệnh lý mạch máu não gây ra. SSTT thường xảy ra đột ngột và tiến triển từng bậc với các biểu hiện như giảm trí nhớ, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn tiêu tiểu và vụng về khi thực hiện các động tác…. 
Các bệnh lý thoái hóa não (như bệnh Parkinson), ngộ độc kim loại, bệnh nhiễm trùng (như giang mai, nhiễm HIV)… cũng gây ra SSTT ở giai đoạn gần cuối của bệnh.
Một số bệnh lý tổng quát như  sốt cao, cơ thể bị mất nước, thiếu vitamine và suy dinh dưỡng, tác dụng phụ của thuốc, bệnh lý tuyến giáp, nghiện rượu hoặc chấn thương đầu nhẹ cũng có thể gây ra SSTT. SSTT do nhóm này thường diễn tiến nhanh và mau trở về trạng thái bình thường khi loại bỏ được nguyên nhân gây bệnh.
Một số người lớn tuổi có vấn đề về cảm xúc có thể bị nhìn nhận sai lầm là bị SSTT. Cảm giác buồn, cô đơn, lo lắng, hoặc chán nản thường gặp ở những người về hưu hoặc khi người bạn đời hay bạn thân bị mất. Trong quá trình thích nghi với các tình trạng này, một số người có cảm giác bị lú lẩn hoặc hay quên. Các vấn đề cảm xúc này có thể dễ dàng điều trị khi có sự giúp đỡ của bạn bè, gia đình và bác sĩ tâm lý.
Trong các nguyên nhân của SSTT người cao tuổi, bệnh sa sút tuổi già Alzheimer và SSTT do tổn thương mạch máu não chiếm tỷ lệ cao nhất (80-90%) và cho đến nay, chưa có phương thức điều trị nào chữa lành các nhóm bệnh này. Mục tiêu điều trị hiện nay là phòng ngừa, và một khi đã mắc bệnh thì điều trị để làm chậm sự tiến triển và điều trị các triệu chứng của bệnh.
BS Trần Công Thắng (BV ĐH Y Dược TP.HCM)
Theo Phu Nu

 

Bình luận (0)