Vấn đề giảm trừ gia cảnh trong Luật thuế Thu nhập cá nhân thời gian qua được các chuyên gia kinh tế, người dân kiến nghị do mức giảm trừ quá thấp, chỉ 4 triệu đồng/tháng – trong khi lương tăng, giá cả thay đổi mà mức giảm trừ vẫn giữ nguyên. Có lẽ, đã đến lúc cần xác định, xây dựng mức giảm trừ gia cảnh trên nguyên tắc hợp lý, có cơ sở rõ ràng cho phù hợp với thực tế cuộc sống. Chúng tôi xin trích đăng một số kiến nghị của TS Dương Anh Sơn – một chuyên gia pháp luật.
Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đã góp phần nâng cao tỷ trọng thu nội địa để ổn định thu cho ngân sách Nhà nước, do đó, việc xây dựng và ban hành Luật thuế TNCN là hợp lý và hết sức cần thiết. Tuy nhiên theo quan điểm của chúng tôi, thuế thu nhập cá nhân là sự xung đột lợi ích giữa những người nộp thuế và lợi ích của nhà nước, vì vậy, để luật này phát huy hiệu lực trong cuộc sống, trở thành công cụ pháp lý đảm bảo công bằng xã hội, đảm bảo công bằng trong điều tiết thu nhập thì luật phải giải quyết được mâu thuẫn nói trên.
Luật thuế TNCN điều chỉnh các vấn đề chủ yếu như: đối tượng nộp thuế, thu nhập chịu thuế và mức giảm trừ gia cảnh. Trong các vấn đề đó có lẽ các quy định của luật liên quan đến mức giảm trừ gia cảnh dành được sự quan tâm của nhiều người nhất.
Để giải quyết được mâu thuẫn và đảm bảo được sự công bằng trong điều tiết thu nhập pháp luật phải xác định và quy định rõ mức giảm trừ gia cảnh một cách hợp lý. Các khoản giảm trừ gia cảnh không phải chịu thuế bao gồm phần giảm trừ đối với cá nhân là đối tượng nộp thuế và phần giảm trừ cho người phụ thuộc (người mà đối tượng nộp thuế phải nuôi dưỡng, cấp dưỡng theo quy định của pháp luật). Xác định mức giảm trừ gia cảnh là việc phức tạp bởi lẽ nhà làm luật cần phải tính toán, cân nhắc đồng thời các vấn đề: khả năng nộp thuế, khoản tiền cần thiết để đảm bảo mức sống tối thiểu của người nộp thuế và cách tính đơn giản.
Trước đây, trong quá trình soạn thảo Luật thuế TNCN đã có nhiều phương án được đưa ra nhưng ban soạn thảo chọn mức giảm trừ 4 triệu đồng đối với người chịu thuế do mức lương tối thiểu lúc đó là 450.000 đồng/tháng. Giả sử mỗi năm Nhà nước tăng thêm 20% thì mức lương tối thiểu đến năm 2009 là 650.000 đồng/tháng. Mức lương trung bình tương đương với người hưởng lương hệ số 3 (người có trình độ đại học sau 10 năm làm việc) thì ở năm 2009 khoảng 1,95 triệu đồng/tháng. Thu nhập quốc dân bình quân đầu người năm 2009-2010 khoảng 1.000 USD/năm, tương đương 1,6 triệu đồng/người/tháng.
Tôi cho rằng, cách tính trên mang tính chủ quan, nhìn vấn đề ở trạng thái tĩnh của Ban soạn thảo. Khi đó có lẽ ban soạn thảo quên rằng, sau năm 2009 tình hình kinh tế-xã hội sẽ thay đổi và không giống với những dự đoán vào đầu năm 2009 và không ai có thể biết được mức trượt giá sẽ như thế nào và với 4 triệu đồng có đủ cho đối tượng nộp thuế đảm bảo cho cuộc sống tối thiểu của mình hay không.
Và rõ ràng hiện nay mức lương tối thiểu đã là 730.000 đồng và 4.000.000 đồng thì khó có thể đảm bảo mức sống bình thường cho người nộp thuế, bởi lẽ thu nhập cao thì chi phí càng nhiều. Chính vì vậy nên tại cuộc hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật thuế TNCN do Văn phòng Quốc hội tổ chức tại TPHCM, chúng tôi đã có ý kiến bày tỏ sự không đồng tình với việc quy định mức giảm trừ gia cảnh bằng con số cố định. Chúng tôi đã đề xuất tính giảm trừ gia cảnh theo mức trượt giá và mức độ tăng trưởng kinh tế-xã hội, tương ứng với mức lương tối thiểu do nhà nước quy định và điều chỉnh qua từng thời kỳ, nếu không luật sẽ trở nên lạc hậu.
Theo quan điểm của tôi, việc xây dựng và ban hành luật thuế thu nhập là công việc phức tạp, tuy nhiên việc đảm bảo thực thi còn phức tạp hơn nhiều lần. Để đảm bảo luật được thực thi, Chính phủ cần phải có cơ chế chặt chẽ cho phép giám sát được các khoản thu nhập chịu thuế của cá nhân. Làm được điều này cần phải có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước liên quan. Chúng tôi cho rằng, trong bối cảnh khi nền kinh tế chưa có sự ổn định, lương chưa tăng mà giá đã tăng thì không nên quy định một mức cụ thể mà nên căn cứ vào mức lương tối thiểu để xác định mức miễn trừ gia cảnh cho đối tượng nộp thuế như kinh nghiệm của một số nước có nền kinh tế chuyển đổi, chưa có sự ổn định như Việt Nam. Kết hợp hai ý kiến nói trên và điều kiện thực tế của Việt Nam hiện nay, theo tôi, luật nên quy định:
1- Mức miễn trừ gia cảnh cho đối tượng nộp thuế gấp 10 lần mức lương tối thiểu.
2- Khoản giảm trừ cho người phụ thuộc gấp 4 lần mức lương tối thiểu.
TS DƯƠNG ANH SƠN
(Trường Đại học Kinh tế –
Luật, ĐHQG TPHCM
Bình luận (0)