Ngay khi Thủ đô được mở rộng, UBND thành phố Hà Nội cùng ngành y tế và ngành giáo dục đã nỗ lực chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác y tế học đường (YTHĐ) và đã thu được một số kết quả nhất định.
Hiện tại, số trường học có góc, phòng y tế theo quy định đạt gần 90%, tăng gần 40% so với năm trước; hơn 85% số trường có cán bộ làm công tác YTHĐ… Mặc dù vậy, số học sinh mắc một số bệnh học đường vẫn chưa giảm và tỷ lệ trường có cán bộ y tế chuyên trách, được tập huấn chuyên môn còn khá thấp.
Nhiều trường "trắng" cán bộ y tế
Tật khúc xạ là một trong những bệnh học đường phổ biến ở học sinh hiện nay. Trong ảnh: Giờ học âm nhạc của học sinh Trường Tiểu học dân lập Lý Thái Tổ. Ảnh: Linh Tâm
|
Theo báo cáo của các quận, huyện, toàn thành phố có 2.038/2.280 trường xây dựng phòng, góc y tế theo quy định, đạt 89,4% (tăng 37,9% so với năm học trước), trong đó 870 trường có đầy đủ trang thiết bị, thuốc thiết yếu (38,1%); 1.948 trường có cán bộ làm công tác YTHĐ, đạt 85,4% (năm trước là 74,6%). Liên ngành y tế và GD-ĐT đánh giá, hầu hết các trường cơ bản đã quan tâm đầu tư đúng mức cho hoạt động này, tuy nhiên, qua rà soát thực tế, nhiều trường, nhất là ở khu vực Hà Tây (cũ) và huyện Mê Linh còn rất khó khăn cả về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực.
Hiện chỉ 57,8% số trường có cán bộ y tế chuyên trách (toàn quốc là khoảng 80%), còn lại là kiêm nhiệm. Riêng khối trường mầm non, có tới 31,1% trường "trắng" cán bộ y tế (khối THPT: 16,6%, tiểu học: 5,7%). Cán bộ y tế mới được tuyển dụng rất non trẻ, với 80% trong độ tuổi 20-30 và chưa có kinh nghiệm, chưa nắm vững các nội dung ở lĩnh vực YTHĐ. Cụ thể, 70% cán bộ y tế có thâm niên 1 năm và tỷ lệ được tập huấn các nội dung về YTHĐ dưới 22% (mặc dù theo thống kê, năm học 2008-2009, Sở GD-ĐT tổ chức 5 lớp tập huấn, Sở Y tế tổ chức 4 lớp và các chương trình nhánh tổ chức 34 lớp).
Một cán bộ của Sở Y tế cho hay, 169/1.838 trường (chiếm 9,1%) qua kiểm tra thời gian qua chỉ được xếp loại trung bình và 6 trường không xếp loại về công tác vệ sinh học đường là do các điều kiện về vệ sinh học đường, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa bảo đảm: bảng viết chưa đúng tiêu chuẩn, bàn ghế chưa phù hợp với lứa tuổi học sinh, bếp ăn chưa đúng quy định, không có vòi nước rửa tay, thiếu nhà vệ sinh, diện tích sân trường, lớp học còn chật chội…
Bệnh học đường vẫn tăng
Với những khó khăn, tồn tại nêu trên, tất yếu sẽ dẫn đến sự gia tăng một số bệnh, tật điển hình ở lứa tuổi học đường như cận thị, cong vẹo cột sống, bệnh răng miệng, nhiễm giun sán… ảnh hưởng lớn tới thể chất và tinh thần của học sinh.
Kết quả khám sức khỏe toàn diện học sinh của 12 trường, đại diện cho các khu vực địa lý Hà Nội cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh học đường vẫn cao: 73,5% học sinh có mắc bệnh hoặc có những triệu chứng bất thường cần đến cơ sở y tế để theo dõi; 41,2% học sinh bị sâu răng; 31,7% học sinh mắc bệnh về tai mũi họng; 6,78% học sinh có nguy cơ béo phì. Đặc biệt, có 32,9% học sinh bị tật khúc xạ, trong đó cận thị chiếm 30,2% và tăng dần theo từng cấp học đang là nỗi lo thường trực của nhiều phụ huynh học sinh. Các bác sỹ của BV Mắt Hà Nội đã chỉ ra, cận thị là một trong những "thủ phạm" gây giảm thị lực và mù lòa. Bệnh chỉ có thể phát hiện khi trẻ được bác sỹ khám, kiểm tra thị lực. Tuy nhiên, các bác sỹ khuyến cáo cha mẹ, thầy, cô giáo cũng nên chú ý đến những dấu hiệu, triệu chứng ban đầu của bệnh, như trẻ hay nheo mắt, sợ ánh sáng chói, hay chảy nước mắt, nhắm một mắt khi xem ti vi, ngồi nhìn quá gần… để kịp thời cho trẻ điều trị.
Trong năm học 2009-2010, công tác YTHĐ tiếp tục đề ra mục tiêu tổ chức khám sức khỏe định kỳ tại 90% các trường mầm non, phổ thông nhằm phát hiện sớm, điều trị kịp thời những bệnh thường gặp; 90% trường mầm non và phổ thông có góc, phòng y tế theo quy định; không để dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm lớn xảy ra tại trường. Nhưng để đạt được các chỉ tiêu này, nhất thiết phải có sự đầu tư đồng bộ cả về nhân lực và vật lực, cùng sự phối hợp có trách nhiệm hơn nữa của các ban, ngành có liên quan.
Theo điều tra mới đây của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam về tình hình mắc tật khúc xạ (TKX) của 2.250 học sinh phổ thông tại 3 tỉnh Đà Nẵng, Hà Tĩnh và Hải Phòng, có tới 26,14% học sinh mắc các TKX (trong đó tỷ lệ học sinh tiểu học mắc TKX là 18,6%, THCS: 23,4%, THPT: 32,6%). 29% số học sinh nữ mắc TKX, cao hơn so với học sinh nam (23%). Đáng lưu ý, tỷ lệ học sinh bị cận thị chiếm tới 79,53%. Có nhiều học sinh bị TKX phải đeo kính nhưng không sử dụng vì lý do vướng và sợ xấu. Các nguyên nhân gây bệnh là do học sinh xem ti vi, chơi trò chơi điện tử và sử dụng internet quá nhiều; phòng học thiếu ánh sáng, tư thế ngồi học không đúng, bàn ghế không phù hợp…
|
Đức Trung/Hà Nội mới
Bình luận (0)