Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giãn dân phòng chống dịch Covid-19: Nỗ lực dù không dễ

Tạp Chí Giáo Dục

Giãn cách triệt để là một trong những giải pháp quan trọng mà TPHCM đang thực hiện để nỗ lực ngăn chặn đà lây lan của dịch Covid-19. Tuy nhiên thực tế tại những khu vực có mật độ dân số quá cao, việc đảm bảo quy định giãn cách không phải dễ dàng.

Dễ lây nhiễm nơi đông đúc
Bí thư Quận ủy quận 1 Trần Kim Yến nêu thực tế ở địa phương, các điểm phong tỏa nếu có điều kiện sống tương đối, hẻm rộng trên 5m thì số ca F2, F1 chuyển thành F0 sẽ ít hơn. Nhưng ở quận có những khu vực hẻm nhỏ hẹp chỉ một xe máy đi qua được, nhà cửa cũng rất chật chội. Bởi vậy có những khu phong tỏa ban đầu dự kiến 14 ngày, nhưng sau kéo dài cả tháng vì hết thời gian phong tỏa mà vẫn xuất hiện F0.
Trong khi đó, tại quận Bình Tân, địa phương có số ca mắc nhiều nhất TPHCM tính đến thời điểm hiện nay (hơn 7.800 ca) cũng ghi nhận, có hơn 55% ca mắc là ở trong các khu nhà trọ, khu công nhân lao động sinh sống tập trung. Ở quận 5, khi khoanh vùng các khu nguy cơ cao – vốn là những nơi nhà cửa nhỏ hẹp, san sát, bán buôn sầm uất – đã liên tục phát hiện các ca F0. 
Thực tế là vậy, nhưng việc giãn dân không đơn giản, kể cả khu vực trung tâm lẫn ngoại thành. Theo Bí thư Quận ủy quận 1 Trần Kim Yến, quận không có nguồn nhà nào để có thể giãn dân. Các trường học trên địa bàn quận vốn rất nhỏ, lại đang sử dụng làm điểm cách ly. Cho nên giải pháp ưu tiên của quận là cố gắng đưa ngay F0, F1 đi cách ly tập trung để bóc tách nguồn lây khỏi cộng đồng. Đồng thời, quận tăng cường tuyên truyền, kiểm tra giám sát để người dân ở trong nhà.
Giãn dân phòng chống dịch Covid-19: Nỗ lực dù không dễ ảnh 1 
Một khu nhà trọ ở quận Gò Vấp chật hẹp, đông người hiện đang bị phong tỏa.

Tại huyện Bình Chánh, khi kiểm tra thực tế ở một số khu vực thuộc xã Bình Hưng, là nơi phát hiện nhiều ca dương tính, lãnh đạo huyện ghi nhận những khu nhà trọ san sát, người dân thường xuyên đi ra ngoài, rất dễ tiếp xúc, lây lan nguồn bệnh. Tuy nhiên khi huyện ngỏ lời thuê lại các căn hộ để giãn dân, một số chủ đầu tư dự án chung cư chưa bán được, đã từ chối. Ở một số địa phương, người dân cũng không đồng thuận cao với việc chuyển đi nơi khác ở.
Trong bối cảnh đó, nhiều địa phương tính đến giải pháp đưa người lao động về quê. Qua khảo sát 20.000 người dân đang thuê trọ, UBND quận Bình Tân ghi nhận 6.000 người có nguyện vọng trở về quê. Quận đang lập danh sách người dân có nguyện vọng báo cáo Sở GTVT TPHCM để làm việc với các tỉnh, thành bố trí phương tiện đưa người dân về quê an toàn.
Bí thư Quận ủy quận Bình Tân Lê Văn Thinh cho biết, trước mắt quận đã gửi danh sách 28 người có nguyện vọng về Bến Tre và thời gian tới sẽ đưa người dân về quê. Tuy nhiên giải pháp này cũng gặp khó, khi phụ thuộc vào sự đồng thuận của các tỉnh thành nơi người dân muốn trở về.
Những người đi đầu
Dãy trọ của gia đình ông Nguyễn Quang Quảng, số 53/25 đường Bùi Văn Ba, phường Tân Thuận Đông, quận 7 có 16 phòng. Khi dịch Covid-19 bùng phát, một số người về quê, chỉ còn 8 phòng có người ở. Khi được UBND phường Tân Thuận Đông vận động bố trí phòng trống cho phòng đông người sang ở để đảm bảo phòng chống dịch, ông Quảng lập tức đồng ý. Nhờ vậy, hiện mỗi phòng trọ của ông chỉ có 1 – 2 người ở. Từ tháng 6 tới nay, gia đình ông còn giảm giá thuê 1 triệu đồng/phòng và hỗ trợ thực phẩm cho người thuê trọ.
Lãnh đạo phường Tân Thuận Đông, quận 7 cho biết, hiện phường có 618 khu nhà trọ với 4.136 phòng. Toàn phường đang phong tỏa, các khu vực có nguy cơ đặc biệt cao gồm một phần các khu phố 2, 3 và 4. Trong khi đó, nhiều phòng trọ nhỏ nhưng có tới 3 – 4 người sinh sống, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Phường đã vận động được 4 chủ nhà trọ bố trí 38 phòng để thực hiện giãn cách, đảm bảo 1 – 2 người/phòng. Ngoài ra, phường khảo sát và vận động được 254/618 chủ nhà trọ thực hiện giảm giá phòng với tổng số tiền hơn 900 triệu đồng. 
Theo Bí thư Quận ủy quận 7 Võ Khắc Thái, qua phân tích, quận đã khoanh vùng các khu vực có nhiều ca dương tính là khu nhà trọ đông công nhân nhập cư, khu vực giáp ranh các quận, huyện lân cận và các khu nhà tạm trong hẻm sâu. Trong đó có một số phường như Tân Thuận Đông, Tân Thuận Tây, Bình Thuận, Phú Mỹ với khoảng 45.000 công nhân thuê trọ. Hiện quận đang giao các phường tập trung di dời người dân tại các khu nhà trọ, khu dân cư có nguy cơ đặc biệt cao và rất cao.
Khi dịch bùng phát mạnh mẽ ở TPHCM, nhiều người thuê trọ chủ động về quê, nên các dãy trọ có dôi dư một số phòng. Để thực hiện giãn dân, địa phương vận động chủ nhà trọ giảm giá phòng để giãn số người mỗi phòng trọ theo nguyên tắc giảm 50% số người/phòng (ví dụ, trước một phòng có 4 – 6 người ở thì nay giãn còn 2 – 3 người). Phía địa phương huy động nguồn lực, vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ người dân khó khăn một phần chi phí thuê trọ.
Song song đó, các phường cũng vận động chủ các khách sạn mini trên địa bàn giảm giá sâu để địa phương giãn dân từ các khu nguy cơ đặc biệt cao và rất cao, cũng theo phương châm di dời 50% nhân khẩu trong gia đình đông người để đảm bảo quy tắc giãn cách.
Trong khi đó, quận Bình Tân lấy ý kiến người dân về việc đưa người trong các khu trọ có kết quả xét nghiệm âm tính đến nơi quận đã bố trí để giảm mật độ. Tại quận 5, quyền Chủ tịch UBND quận Trương Minh Kiều cho hay, quận không giãn dân do đặc thù tình hình, nhưng vận động người dân các khu vực nguy cơ cao áp dụng quy định giống như khu phong tỏa, không ra khỏi nhà. Quận, phường sẽ phục vụ và hỗ trợ như đối với khu phong tỏa.
NHÓM PHÓNG VIÊN (theo SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)