Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Giản dị và bình yên Ulan Bator

Tạp Chí Giáo Dục

Ulan Bator có lẽ là thủ đô nhỏ và giản dị nhất mà chúng tôi từng đi qua. Qua nhiều thế hệ, nếp sinh hoạt đô thị cuối cùng cũng thay cho nếp sống du mục nay đây mai đó trên thảo nguyên bao la. Đối với những du khách có dịp ghé qua thành phố còn yên ắng này thì đây là vùng đất có nhiều điều không thể quên…
Thành phố giữa thung lũng xanh
Quảng trường Soukhe Bator thênh thang
Chúng tôi đến Ulan Bator vào lúc đã gần trưa. Sân bay quốc tế duy nhất của Mông Cổ nhỏ và không mấy hiện đại. Bù lại, thủ tục nhập cảnh dễ dàng, nhanh chóng, nhân viên hải quan tươi tắn, thân thiện. Ra khỏi sân bay, đường phố hiện ra dần nhưng thưa vắng người. Dưới bầu trời cao xanh lồng lộng, thành phố hầu như không có cây lớn.
Ulan Bator theo tiếng Mông Cổ là Ulaanbaatar, có nghĩa là “anh hùng đỏ”, nằm trong một thung lũng xanh có dòng sông Tuul chảy qua, được bao bọc bởi bốn dãy núi, người dân coi đây là bốn dãy núi thiêng nên không dám đặt tên. Ngay cả người hướng dẫn viên khi được du khách hỏi cũng không dám trả lời miệng, mà chỉ viết lên giấy.
Núi thiêng có đường đi lên, nhưng tuyệt đối không được nhặt đá hay hái bất kỳ lá cây ngọn cỏ nào. Ý thức tôn trọng thiên nhiên và cách sống thật thong thả là ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về người dân Ulan Bator. Các dải núi đều thấp và có sườn thoai thoải, một trong bốn dãy có tạc chân dung Thành Cát Tư Hãn.
Thời gian gần đây, người Mông Cổ thường cố gắng đưa hình ảnh Thành Cát Tư Hãn trở thành biểu tượng của dân tộc để thế giới thấy được hình ảnh của họ sau những năm dài ngủ quên. Hình ảnh Thành Cát Tư Hãn xuất hiện trên tiền giấy và nhãn của nhiều loại rượu mạnh. Các hãn (vua) Mông Cổ sau này còn hướng dân chúng tưởng niệm đến ông như một vị thánh tôn giáo.
Một góc Ulan Bator
Không hổ danh là đất nước của người du mục, Mông Cổ đã 28 lần di chuyển thủ đô trước khi Ulan Bator phát triển đủ lớn để không thể di dời (vào cuối thế kỷ XVIII). Hiện nay vẫn có ý kiến cho rằng nên dời thủ đô về lại kinh đô cũ là thành phố Kharakhorum, bởi Ulan Bator bị núi bao bọc cả bốn phía nên không thể mở rộng được. Hơn nữa, thành phố nằm lọt thỏm ở vị trí thấp nên bao nhiêu chất thải đều bị đọng lại, khiến môi trường bị ô nhiễm. Thường chỉ sau một trận mưa rào là nhiều đường xá đã ngập nước, còn ngày nắng thì bụi đất và khói xe mù mịt.
Phôi pha dần đời du mục
Là một trong những thủ đô lạnh nhất thế giới với nhiệt độ trung bình thấp hơn -1 độ C, đất đai lại khô cằn, Ulan Bator nói riêng và Mông Cổ nói chung không thể trồng được nhiều loại rau, thức ăn chỉ có khoai tây, cà rốt, hành, bắp cải và… thịt! Đặc biệt thịt bò Mông Cổ rất mềm, có lẽ chỉ thua bò Kobe Nhật Bản.
Các doanh nghiệp Hàn Quốc đến đầu tư ở Ulan Bator khá nhiều, kéo theo sự hiện diện của một số nhà hàng xứ Hàn. Chúng tôi đã ăn một bữa đáng nhớ tại một nhà hàng Hàn Quốc mà nguyên liệu chủ yếu là thịt bò. Mức sống tại Ulan Bator chưa cao, nhưng nhờ thực phẩm chủ yếu là thịt và sữa nên người dân rất to lớn.
Toàn cảnh thành phố
Đến đây vào những ngày nóng nhất trong năm nên chúng tôi có dịp ngắm nhìn những thiếu nữ Mông Cổ cao ráo, khỏe mạnh diện váy ngắn, quần soọc, áo hai dây trông đầy sức sống. Thành phố tuy chậm phát triển nhưng giới trẻ ở Ulan Bator có vẻ chịu ảnh hưởng phong cách sống của phương Tây: tích cực học tiếng Anh, ăn mặc khá mốt, tóc nhuộm vàng hoe. Phong trào du học cũng khá phổ biến.
Tuy nhiên, có một số phong tục gần như giới trẻ vẫn bắt buộc phải tuân theo, chẳng hạn theo phong tục thì khi anh chị lớn trong nhà chưa kết hôn các em có muốn lập gia đình lắm vẫn cứ phải chờ.
Ngày xưa, cứ đến mùa hè, người du mục Mông Cổ lại phải tính toán đến mùa đông sẽ đi đâu, theo hướng nào. Căn cứ vào màu sắc của một loài hoa trên sa mạc mà người ta sẽ ra quyết định. Loài hoa đặc biệt này mỗi năm lại có một màu khác như trắng, vàng hoặc hồng. Chẳng hạn nếu hoa nở màu trắng, người Mông Cổ sẽ đi về hướng Bắc, nơi có núi thấp hơn, ít gió hơn.
Ngày nay, đã có một triệu người du mục chỉ còn một hướng: mùa hè đến thảo nguyên xa để tìm lại hương đồng gió nội, còn mùa đông trở về nơi thị tứ để tránh cái lạnh và cho con cái đi học. Có lẽ vì thế mà Ulan Bator cứ phát triển… từ từ!
Nơi lưu giữ nghệ thuật của thảo nguyên
Kiến trúc chùa chiền Mông Cổ
Trái tim của thành phố là quảng trường Soukhe Bator rộng thênh thang, có nhà Quốc hội bề thế với nhiều cửa sổ thật lớn. Ngay chính giữa tòa nhà là bức tượng Thành Cát Tư Hãn đang ngồi uy nghi. Xung quanh quảng trường đã xuất hiện một số cao ốc sáng choang, chấm phá những nét hiện đại đầu tiên cho Ulan Bator.
Nhưng chỉ cách trung tâm vài trăm mét, đường phố bắt đầu trông không mấy hấp dẫn bởi hai bên đường chủ yếu là những tòa nhà do các chuyên gia Liên Xô xây dựng từ ba, bốn thập niên về trước, hình khối vuông vức, đơn điệu, nay đã cũ kỹ. Đẹp nhất có lẽ là những ngôi chùa, tu viện có kiến trúc Tây Tạng với mái ngói xanh, tường sơn đỏ rực rỡ.
Bên trong một ngôi chùa
Từ hàng ngàn năm nay, Phật giáo Tây Tạng là quốc giáo của Mông Cổ. Trước thế kỷ XX, một phần ba nam giới nước này là tu sĩ, riêng đức Đạt Lai Lạt Ma thứ tư cũng là người Mông Cổ (1588). Vào năm 1924, Mông Cổ dựa vào Liên Xô để thoát khỏi sự thống trị của triều đình Trung Quốc và tiến hành xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa.
Trong thời kỳ này, hoạt động tôn giáo giảm dần, số tu sĩ ít đi. Từ năm 1989 đến nay, các hoạt động của Phật giáo mới từng bước được khôi phục, nhiều chùa chiền đã trở lại hoạt động bình thường. Trên đường phố dễ gặp những vị sư cao lớn mặc áo đỏ, đi giày lông thú, gương mặt trông rất hiền từ.
Ghé thăm Bảo tàng Lịch sử Mông Cổ, chúng tôi biết thêm nhiều loại sinh vật ngộ nghĩnh chỉ sống trên sa mạc và thảo nguyên, có cả xương khủng long hóa thạch, nhạc cụ làm bằng xương người, vũ khí của các chiến binh ngày xưa…
Bảo tàng về Đức Lạt Ma thứ tư người Mông Cổ cũng có rất nhiều cổ vật đặc sắc cho thấy đời sống tinh thần phong phú của những người du mục. Nhiều bức tranh đẹp miêu tả sống động tình yêu, hội hè và cả những thử thách trong những cuộc đời trên thảo nguyên. Những bức tượng, mặt nạ, phù điêu đều rực rỡ và rất có hồn, thể hiện trình độ thẩm mỹ tinh tế của người xưa.
Bảo tàng này trước đây vốn là một ngôi chùa lớn mang phong cách kiến trúc Tây Tạng. Trên tường, mái vòm và nội thất đều được trang trí cầu kỳ bằng nhiều vật linh thiêng. Bên cạnh những mái chùa cổ kính là vài chiếc lều hiện đại để tín đồ cầu nguyện.
Tín ngưỡng là nguồn cảm hứng quan trọng cho nghệ thuật trang trí Mông Cổ
Từ trung tâm thành phố mất công đi xa một chút là đến cung điện Mùa Đông. Đây là cung điện duy nhất còn nguyên vẹn của các đời vua Mông Cổ. Quần thể kiến trúc này khá lộng lẫy và còn lưu giữ nhiều vật dụng giúp du khách hình dung được phần nào đời sống của giới quý tộc ngày xưa. Nơi đây thường có các tiết mục ca múa nhạc truyền thống phục vụ du khách.
Một điệu múa truyền thống Mông Cổ
Nhạc cổ truyền Mông Cổ nghe vui tai và hùng tráng, rầm rập như tiếng đàn ngựa phi trên đồng cỏ, làm người nghe phấn chấn và hình dung đến không gian khoáng đạt nơi thảo nguyên. Đặc biệt ca sĩ ở đây có một lối hát bằng cách ém giọng trong cổ họng, âm phát ra chỉ là tiếng u…u như gió thổi qua sa mạc, nhưng giọng trầm bổng rất hay và đầy cảm xúc.
Ra khỏi thủ đô là hầu như không còn thấy nhà cửa nữa. Trước mắt chúng tôi chỉ có đồng cỏ mênh mông, tận chân trời là những đỉnh núi nhấp nhô. Thỉnh thoảng, những cơn gió tung cát mù trời. Chợt nghĩ: Liệu những người rời bỏ kiếp sống du mục có bao giờ thấy nhớ những vùng không gian bao la?
Theo NGUYỄN LÂM
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)