Gian lận tuổi vàng, chất lượng vàng đã được biết đến từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa có biện pháp khắc phục. Vấn đề này trở nên nóng hổi tại Hội nghị thường niên hội viên phía Nam nhiệm kỳ II của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), diễn ra sáng 20-8.
Người mua nữ trang nên chọn giao dịch ở những cửa hàng uy tín. Ảnh: D.Đ.Minh (Thanh Niên). |
Kiểm định là “chết chắc”
Ông Nguyễn Văn Dưng – Giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Mỹ Linh Ngân cho biết, các doanh nghiệp kinh doanh vàng nữ trang trong nước đang lợi dụng việc chưa ban hành về tiêu chuẩn chất lượng vàng nữ trang, cộng với sự cạnh tranh không lành mạnh của các đơn vị, dẫn đến tình trạng gian lận tuổi vàng nữ trang hiện nay.
Nữ trang vàng đóng dấu 18K (hàm lượng vàng chiếm 70% – 75%) nhưng thực chất hàm lượng vàng trong sản phẩm đó chỉ ở mức 68%, 65% và thậm chí là 51%. Riêng vàng trắng (khác với bạch kim) tương đương 14K (hàm lượng vàng 58,3%), nhiều nơi đóng dấu 18K nhưng tuổi vàng chỉ đạt 41%, thậm chí 25%. Điều này đã gây thiệt hại cho người tiêu dùng và ảnh hưởng đến uy tín của ngành kim hoàn.
Theo ông Đinh Nho Bảng, VGTA đã có góp ý về việc không nên cấm kinh doanh vàng tài khoản mà nên đưa vào loại hình kinh doanh có điều kiện. Bởi khi cấm hoạt động kinh doanh vàng tài khoản sẽ khuyến khích hoạt động kinh doanh vàng vật chất. Lượng vàng trong dân hiện có khoảng 600 tấn, nếu như không cho hoạt động kinh doanh vàng tài khoản thì các ngân hàng không dám huy động vàng trong dân.
|
Bà Cao Thị Ngọc Dung – Tổng giám đốc Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) bức xúc, nếu có trung tâm kiểm định tuổi vàng thì rất nhiều doanh nghiệp “chết chắc” bởi các sản phẩm nữ trang trên thị trường hầu hết đều thiếu tuổi.
Gian lận tuổi vàng nằm ở phương cách mua bán vàng. Khi sản xuất ra một món nữ trang, lượng vàng hao khoảng 2% nhưng doanh nghiệp bán bao luôn vào giá.
Đối với những món nữ trang xuất khẩu ra nước ngoài của PNJ, đối tác chấp nhận mức độ hao vàng từ 6% – 8%. Chất lượng tuổi vàng trong nước hiện nay phần nào ảnh hưởng đến uy tín của ngành vàng Việt Nam trên thị trường xuất khẩu.
“Tiền công nữ trang rẻ nên các đơn vị ăn gian vào tuổi vàng. Một cặp nhẫn cưới có tiền công chỉ 20.000 đồng thì làm sao thợ sống nổi. Hơn nữa, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp đã làm cho thị trường nữ trang vàng trở nên “loạn xạ” về chất lượng, tuổi vàng. Doanh nghiệp làm chất lượng vàng bao nhiêu thì công bố như vậy, không nên lừa bịp khách hàng” – ông Đỗ Minh Phú – Phó chủ tịch VGTA, Tổng giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Doji nói.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch VGTA Nguyễn Thành Long cho rằng: “Chính chất lượng vàng trên thị trường vàng nữ trang hiện nay đang làm xói mòn uy tín của ngành vàng Việt Nam. Quan trọng là xuất khẩu nữ trang bị ảnh hưởng nhiều. Nếu chúng ta cứ chìm ngập vào chuyện cạnh tranh nhau về giá thì không thể nào thoát khỏi khó khăn”.
Riêng ông Dưng đề nghị VGTA có kiến nghị lên Bộ Công thương ban hành tiêu chuẩn chất lượng vàng nữ trang trên thị trường Việt Nam. Các nước như Ấn Độ, Malaysia… đều có bộ tiêu chuẩn vàng nữ trang.
Thiếu nguồn nguyên liệu
Nguồn nguyên liệu để xuất khẩu vàng nữ trang cũng là vấn đề được quan tâm tại hội thảo. Theo VGTA, kim ngạch xuất khẩu vàng miếng, vàng nguyên liệu trong đầu năm 2009 đạt 2,3 tỉ USD, góp phần làm cán cân thương mại Việt Nam thặng dư lần đầu tiên trong nhiều năm qua.
Năm tháng đầu năm 2010, kim ngạch xuất khẩu vàng nữ trang khoảng 900 triệu USD, riêng tháng năm đạt 800 triệu USD, tương đương 20 tấn vàng.
Ông Đinh Nho Bảng – Phó chủ tịch VGTA cho biết, do không được nhập khẩu vàng nên các đơn vị kinh doanh vàng phải mua vàng trôi nổi trên thị trường, nhiều khi mua phải hàng lậu mà không biết. Một giám đốc doanh nghiệp kinh doanh vàng lo ngại, vừa rồi có một đơn vị kinh doanh vàng trên địa bàn Q.5, TP.HCM bị phát hiện vì mua vàng nhập lậu. Đây là rủi ro cho các đơn vị kinh doanh vàng vì làm sao biết được vàng đó nhập lậu hay nguồn gốc ở đâu trong khi cơ quan chức năng không cho nhập chính thức.
Ông Nguyễn Thành Long cho rằng, cơ quan chức năng hiện nay xem vàng là tiền tệ nên quản lý theo diện ngoại hối, chưa xem kim hoàn, nữ trang là ngành công nghiệp dù rằng giá trị đóng góp lớn. Điều này dẫn đến sản xuất nữ trang không có nguồn nguyên liệu. Do đó, VGTA sẽ tiếp tục kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho các doanh nghiệp xuất khẩu vàng trang sức được nhập khẩu vàng nguyên liệu để phục vụ hoạt động sản xuất.
Năm 2011, kinh tế Việt Nam sẽ phát triển ổn định, áp lực nhập siêu và lạm phát sẽ giảm. Đây có thể là thời điểm thuận lợi để VGTA kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện trở lại đối với hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản, hoạt động sàn giao dịch vàng và hoạt động xuất nhập khẩu vàng.
Một số hình thức gian lận vàng phổ biến hiện nay là độn kim loại khác trong quá trình sản xuất sản phẩm nữ trang; vàng “hai da” tức lớp ngoài là vàng nhưng bên trong là vàng non tuổi hơn hoặc thậm chí là kim loại khác; xi mạ lớp mỏng vàng đúng tuổi lên bên ngoài sản phẩm… Tình trạng gian lận tuổi vàng phổ biến đến mức hầu như người tiêu dùng khi muốn bán lại nữ trang phải mang đến đúng nơi đã mua. Phần lớn trường hợp mang nữ trang đến bán ở nơi khác thì cửa hàng đều cho biết rõ trọng lượng và tuổi vàng hoàn toàn khác. Những cơ sở, cửa hàng nữ trang làm ăn gian dối thường không ghi tên công ty, thương hiệu hay tuổi vàng trên sản phẩm. Trong khi với các công ty kinh doanh nữ trang có uy tín trên thị trường như Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), Công ty vàng bạc đá quý Sacombank – SBJ, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC)… trên sản phẩm đều có ghi rõ thương hiệu, tuổi vàng… ở mặt trong của nữ trang. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, nếu phát hiện nơi bán nữ trang gian lận tuổi vàng, trọng lượng không đúng như ghi trên hóa đơn, người tiêu dùng có thể phản ánh đến cơ quan bảo vệ pháp luật do đó là hành vi lừa đảo. |
Theo Thanh Xuân
Thanh Niên
Thanh Niên
Bình luận (0)