Y tế - Văn hóaThư giãn

Gian nan bảo tồn tiếng Việt tại Mỹ

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Trong một thời gian khá dài, cộng đồng người Việt di cư tại Mỹ phải cố gắng hội nhập phát triển để tồn tại. Kỹ năng đọc, nói, viết, nghe tiếng Anh để đi làm, sinh hoạt, học tập là điều kiện không thể không có đối với người Việt đang sinh sống tại Mỹ.
Các thế hệ con cháu của cộng đồng người Việt đang sống tại Mỹ được khuyến khích để học tiếng Anh và có lúc lại là niềm hãnh diện cho gia đình, nhưng đây lại chính là điều ưu tư của những người có tâm huyết trong việc bảo tồn tiếng mẹ đẻ: Tiếng Việt!
Tiếng Việt trong gia đình Việt
Một thực tế hiện thấy là tiếng Việt chỉ được sử dụng trong gia đình người Việt nếu có ba thế hệ cùng sống chung một nhà. Ông bà là người sử dụng tiếng Việt nhiều nhất trong nhà, vì vậy các cháu nội – ngoại sẽ có cơ hội tiếp cận tiếng Việt nhiều hơn. Còn lại, nếu các gia đình mà chỉ có ba mẹ, thế hệ thứ hai – thứ ba, thì tiếng Việt được sử dụng rất ít, nên khả năng tiếp cận tiếng Việt của các cháu rất thấp, thậm chí có gia đình tiếng Việt được sử dụng là 10% – 20% nên việc quên hẳn tiếng Việt là điều không thể tránh khỏi.
Đối với các cháu ở bậc mẫu giáo và tiểu học khi được tiếp cận với ông bà trong gia đình Việt thì khả năng nghe hiểu khá hơn, nhưng nói và đọc thì gần như hết sức hạn chế. Nhất là vào mùa hè, khi thời gian các cháu ở nhà thường xuyên thì khả năng nghe rất khá, nhưng khi vào mùa đi học thì khả năng này giảm dần cho đến mất hẳn khi các cháu càng lên các lớp cao hơn. Bởi vì khi vào trường học, các cháu học với giáo viên, bạn bè, bài học, giao tiếp và mọi thứ đều là tiếng Anh, nên chẳng còn cơ hội tiếp cận tiếng Việt nữa. Hiện trạng các cháu người Việt sinh sống tại Mỹ ở độ tuổi từ 20 trở xuống thì một số các cháu nghe tiếng Việt hiểu được, nói thì chút chút nhưng với giọng lơ lớ, còn đọc và viết thì có thể nói là vô cùng khó khăn! Và con số các cháu đọc – nói – nghe – viết tiếng Việt ở mức độ thông thạo thì có thể nói chiếm tỷ lệ hết sức khiêm tốn…
Giao tiếp với nhau bằng tiếng Việt trong gia đình, đây cũng là vấn đề đau đầu của các bậc đã vào hàng ông bà nội ngoại của các gia đình Việt. Rào cản ngôn ngữ này cũng dẫn đến các rào cản khác về mặt văn hóa và tâm lý giữa các thế hệ sống chung một căn nhà của gia đình Việt. Ông Lê Văn Sửu, một cư dân tại Houston, Texas có hai cháu ngoại sống chung một nhà với bố mẹ đều là người Việt, đã có lần tâm sự với tôi: “Nhiều lúc tôi chẳng hiểu cháu tôi nói cái gì mà chỉ cảm nhận được thôi. Ngược lại tôi nói thì nó cũng chẳng hiểu hết ý”.
Bảo tồn…đối chọi với thói quen
Vấn đề nói tiếng Việt trong gia đình Việt trở thành nỗi ưu tư của các bậc thế hệ thứ nhất và thứ hai. Chính vì vậy, không ít các trung tâm dạy tiếng Việt tự nguyện ra đời. Đầu tiên xuất phát từ các gia đình Phật tử ở các chùa và ở các nhà thờ của người Việt. Các giáo viên dạy tiếng Việt cũng xuất phát từ tấm lòng tự nguyện. Cũng có một số nơi thu phí để trang trải chi phí. Theo thống kê sơ bộ hiện có khoảng hơn 200 trung tâm dạy tiếng Việt trên toàn nước Mỹ và có khoảng hơn 1.000 giáo viên dạy tiếng Việt tự nguyện. Có những trung tâm tập trung các cháu khá đông và hầu hết các trường Việt ngữ tự nguyện này đều dạy tiếng Việt ở cấp độ tạm gọi là “tiểu học” và “trung cấp cơ sở”. Các trung tâm này chỉ dạy vào thứ bảy, chủ nhật, coi như một môn học ngoại khóa, một ngôn ngữ học kèm thêm. Còn hệ thống giáo dục chính quy tại các trường từ bậc tiểu học đến phổ thông trung học của các tiểu bang, việc đưa tiếng Việt vào học đường còn đang là giai đoạn “đề án”.
 
Một buổi học tại trung tâm Việt ngữ ở California
Ngoài dạy tiếng Việt, các trung tâm tự nguyện này còn cố gắng duy trì các hình thức sinh hoạt lịch sử, các buổi biểu diễn văn nghệ truyền thống.  Mặc dù vậy, tiếng Việt vẫn chỉ được nói – đọc – viết – trên lớp khi có giáo viên. Khi sinh hoạt, giao tiếp truyền đạt thông tin đời thường thì các cháu vẫn sử dụng… tiếng Anh!. Chính thói quen ít dùng tiếng Việt là lực cản trong việc phát triển  tiếng Việt. Anh Tony Nguyễn, một giáo viên dạy tiếng Việt và là thành viên chủ chốt của nhóm Lân Sư Rồng chùa Linh Sơn, Houston, Texas nói tiếng Việt rất giỏi, nhưng khi đọc thì lại phải đánh vần từng chữ, khi trao đổi thông tin với các em múa lân biểu diễn tại các lễ hội truyền thống Việt Nam vào các dịp lễ hội cũng dùng tiếng Anh.
Những nỗ lực đơn phương
Thói quen nói tiếng Anh đã nghiễm nhiên và đương nhiên trở nên ưu thế. Ngôn ngữ Việt để được giảng dạy trong một vài trường đại học của Mỹ đang là nỗi niềm mơ ước của nhiều bậc phụ huynh, trong đó sự nỗ lực rất lớn để đưa  tiếng Việt và giảng dạy tại trường Universtiy of Texas at Austin là một ví dụ, nhưng cũng vô cùng gian nan và cam go. Đó là chưa kể đến phương pháp dạy, giáo trình, giáo án cũng còn khá nhiều ngổn ngang! Phải nói rằng các trung tâm dạy tiếng Việt tự nguyện đều nỗ lực soạn riêng cho mình chương trình giảng dạy và giáo án riêng biệt. Phần lớn các giáo án đều dựa trên nội dung sách giáo khoa hay sách giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài lấy từ trong nước để làm căn bản rồi từ đó biên soạn và gia công thêm một chút.
Nội dung truyền đạt của giáo viên đứng lớp thì cũng tùy nghi. Có nhiều lúc giáo viên… lười dạy thì mở DVD lên cho các cháu học và đọc theo. Bảo tồn tiếng Việt cho người Việt ở Mỹ đang là một thách thức rất lớn hiện nay. Trong những nỗ lực tự nguyện và các đề án hướng tới chính thống sẽ như thế nào nếu như tiếng Việt thiếu vắng những người làm giáo dục chuyên nghiệp? Những nỗ lực với hy vọng nơi đâu có người Việt, nơi đó có tiếng Việt, hiện nay vẫn đang gặp không ít những trở ngại và khó khăn.
Theo SGGP

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)