Ảnh mang tính chất minh họa. Ảnh: I.T |
Khi con đến trường, trẻ thường phải chịu nhiều áp lực nặng nề do nhiều sự tác động, nhất là phải làm quá nhiều bài tập. Nếu tình trạng “bội thực” vì học như trên kéo dài, kết quả học tập của trẻ sẽ bị sa sút. Không ít phụ huynh vì quá lo lắng nên đã làm thay bài tập cho con với suy nghĩ rất đơn giản là “trợ giúp” con bớt áp lực. Song, việc làm này sẽ là “lợi bất cập hại” làm cho trẻ không còn tin tưởng vào năng lực của bản thân và bị hổng kiến thức khiến chúng phải ngồi “nhầm lớp” trong suốt cuộc đời.
Chị An Nhiên ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM có đứa con trai đang học lớp 4 tâm sự: “Con tôi đang học tiểu học mà không khác gì rèn luyện trong nhà trường quân sự. Ngoài việc phải mang đi mang về cái ba lô to tướng đựng đầy sách vở, đồ dùng học tập, cháu còn phải căng ra để giải quyết các bài tập. Thấy cháu thức đêm thức hôm bên bàn học để làm hết bài tập môn toán, văn cho đến tiếng Anh, làm cha mẹ tôi không khỏi xót xa. Thế là vì sợ con mệt mỏi, thua kém bạn bè, tôi đành phải “học giùm” cho con. Vậy mà có phải khi nào cũng thuận buồm xuôi gió. Bởi có hôm vất vả giúp con làm xong bài tập Tiếng Việt, cháu vẫn khăng khăng không chịu: “Mẹ dạy chẳng giống cô. Cô hướng dẫn cách làm khác cơ!”. Những thuật ngữ con học còn quá khái quát và trừu tượng với lứa tuổi như cháu nên mới có chuyện nực cười là con học về nghĩa có từ “chính trực” là “ngay thẳng”. Bố cháu muốn kiểm tra xem con hiểu bài không nên hỏi ngược lại rằng: “Ngay thẳng là gì?”. Con ngây thơ trả lời: “Ngay thẳng là chính trực”. Chị đành phải ngậm ngùi gọi điện nhờ cô giáo giúp đỡ”.
Anh Dương ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM bày tỏ: “Khả năng học các môn của con trai tôi vừa lên 8 tuổi thì không đến nỗi nào, nhưng có những bài văn cháu không thể diễn đạt được vì chưa có vốn sống lấy đâu ra cảm xúc mà viết. Cháu lại khá thật thà không muốn theo một khuôn mẫu mà trong sách hướng dẫn, thế là cả nhà tôi phải ngồi suy nghĩ để tìm ra từ ngữ giúp cháu hoàn thành một bài văn. Nhưng để cảm nhận và viết một cách trong trẻo, non nớt phù hợp với tâm hồn của trẻ thì không hề đơn giản. Mỗi khi bày cho con học là tôi toát cả mồ hôi, đành học thay cho con để cha con bớt căng thẳng”.
Nhiều bậc phụ huynh nhận thấy việc học thay con là không đúng, sẽ khiến trẻ luôn có tâm lý phụ thuộc, dựa dẫm vào người khác. Song, với chương trình học quá bất cập và nặng nề như hiện nay, không ít đứa trẻ vì quá căng thẳng nên chưa thể tự mình làm hết các bài tập. Nếu để trẻ gặp lúng túng và gặp thất bại nhiều lần sẽ trở nên nản chí và không còn hứng thú để học.
Để giúp trẻ giảm bớt căng thẳng, các bậc phụ huynh cần tham khảo những giải pháp sau: Có kế hoạch học tập cụ thể, rõ ràng. Sau khi con đi học về, không nên yêu cầu, áp đặt trẻ học bài, làm bài ngay lập tức. Vì thời gian con ở lớp đã quá sức “chịu đựng”. Như vậy, sẽ làm cho trẻ mệt mỏi hơn, chẳng khác nào “tra tấn” chúng. Con cần có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí để lấy lại năng lượng cho hoạt động tiếp theo.
Cho con một không gian học tập thích hợp. Bạn thường muốn con ngồi học một mình để có sự tập trung cao độ. Tuy nhiên, không ít trẻ ở độ tuổi tiểu học vẫn còn xao lãng nếu không được nhắc nhở quan tâm thường xuyên. Vì vậy, nếu để trẻ tự giác lựa chọn không gian học tập cho mình thì trẻ sẽ học có hiệu quả hơn vì không ít em vẫn thích học trong cảnh sinh hoạt của gia đình.
Cần loại bỏ ngay tư tưởng học thay con, đừng vì “thành tích” học tập trước mắt của con mà làm thay bài tập cho con.
Giáo dục và dạy dỗ trẻ là một quá trình, luôn cần sự quan tâm, chia sẻ và hướng dẫn tận tình của cha mẹ. Để trẻ phát triển nhân cách một cách toàn diện các bậc phụ huynh cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm để nắm bắt kịp thời năng lực học tập của con, từ đó có cách tác động hợp lý nhất.
Lê Phạm Phương Lan
(giảng viên tâm lý)
Bình luận (0)