Xã Đồng Tiến được coi là địa bàn khó khăn, nghèo khổ nhất của huyện Bắc Quang (Hà Giang). Vì thế, sự nghiệp trồng người ở đây còn lắm gian nan, thử thách, có những điều kiện về giáo dục và tiếp cận tri thức nằm ngoài khả năng của nhà trường và các thầy cô giáo. Đó chính là sự bất bình đẳng lớn ở những vùng chậm phát triển hiện nay.
Trăn trở một vùng quê
Chủ tịch xã Đặng Lâm Đồng cho biết: toàn xã có 383 hộ, 2046, gồm 5 dân tộc Mông, Dao, Tày, Giấy và Kinh, trong đó còn 124 hộ nghèo, chiếm hơn 34%. Lương thực bình quân đạt khoảng 200kg/người/năm. Dịp Tết và tháng 5 vừa qua, Nhà nước phải cứu đói cho 91 hộ với tổng số 6.330kg gạo. Cả năm, huyện giao thu thuế và phí trên địa bàn là 15,5 triệu, gần hết năm mới thu được 2 triệu đồng, còn tới 8/9 đầu mục chưa thực hiện được.
Đó là một vài con số có thể nói lên nhiều điều, thậm chí là một câu hỏi tại sao hết sức bức thiết. Chủ trương về phát triển rừng (phần lớn là đất lâm nghiệp trong số hơn 4.000 ha đất tự nhiên), về chăn nuôi đại gia súc… có thể đã và đang là những câu trả lời khá thoả đáng của Đồng Tiến trong việc xoá nghèo. Song, chủ nhân tương lai của mảnh đất “sẽ giàu có” này là ai, họ cần có những gì trên đường đời và công cuộc hội nhập, thì câu trả lời không ở đâu khác là việc dạy và học. Vì “thắng trong giáo dục thì sẽ thắng trong kinh tế”. Nhưng mong muốn ấy vẫn còn xa vời.
Về những người “dạy không biết mỏi”
Các thầy cô giáo ở Trường PTCS Đồng Tiến ngoài những người là dân sở tại hoặc từng bước “đất lành chim đậu”, lập gia đình rồi sinh sống ở đây, còn có nhiều người được tăng cường từ các địa bàn khác theo chế độ luân phiên và định kỳ, thường là 3 năm. Gắn bó lâu năm nhất là thầy hiệu trưởng Phạm Danh Đấu với hơn 5 năm ở đây. Cũng như một số thầy cô khác, ngày nghỉ họ vẫn phải đi về bằng xe máy (toàn loại ít tiền, độ an toàn kém) trên những đoạn đường rừng, đường dân sinh dốc đèo khủng khiếp từ dăm chục đến hàng trăm cây số. Rủi ro trên đường thì vô kể: thủng săm giữa đường, trời tối, ngã xe do đường xấu, trời mưa… Khi đi vùng 3 (tức vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn), mức lương giáo viên đã được cộng thêm mức thu hút là 70% lương cơ bản, nhưng ở khoảng trung bình 3,5 triệu đồng/tháng như ở đây thì đó vẫn là mức sống phải tằn tiện. Vì có một số thầy cô, cả hai vợ chồng là giáo viên mỗi người một nơi, lại còn phải thuê nhà để ở và nuôi con đi học. Đó là trường hợp thầy Yên hay thầy Thắng (đều là hiệu phó).
Từ nhà đến trường chính đã vậy, lại còn đi 6 điểm trường cách “xã lị” từ 4km (Khuổi Tặc, Pù Nghè) đến 10km nữa (Lũng Màu, Thôn Buột). Rồi lại phải phân công luân chuyển nhau qua các điểm trường dạy học mỗi năm. Vì thế ngày lễ, Tết như Tết Trung thu vừa rồi còn có “hậu Trung thu” theo cách gọi của các thầy ở đây. Đơn giản là nhà trường tổ chức cho các em ở trường chính vui Tết xong, hôm sau mới đến được các điểm trường. Mỗi lần như thế, họ lại vượt dốc, qua suối, ba lô, đồ đạc khá nặng, đến với học sinh ở các điểm trường.
Khi hỏi có thích đi với mẹ không, cháu Yến 6 tuổi, con cô giáo Hoàng Thị Tám thật thà: “Cháu không đi nữa đâu, sợ ngã lắm”. Hoá ra chuyện hiểm nguy như đã thành lẽ thường với hai mẹ con cô. Hàng tuần, cô Tám (ở Đồng Yên, Bắc Quang) là người đi về xa nhất, gần trăm cây số. Không ít lần bé Yến cùng “tham gia giao thông” với mẹ qua những đoạn đèo dốc đất đá lởm chởm ấy. Và đã có lần cùng mẹ “hạ cánh, đo đường” ngay trên đèo, may sao chỉ xây xát nhẹ. Cô đã tính chuyển nhà vào xã ở để “sống đâu âu đấy” yên tâm công tác và chăm lo đời sống lâu dài của gia đình.
“Chúng em thường hẹn nhau đi về theo nhóm, kể cả cán bộ tăng cường ở xã”. Cô giáo Hà Thị Thanh Thuý (ở Việt Vinh, Bắc Quang), dạy Văn, Sử lớp 9 kể như vậy về cách đi lại để phòng bất trắc xảy ra. Vì cả vùng này vẫn chưa có sóng di động, dọc đường rất vắng người, nếu một mình gặp sự cố (chủ yếu về xe máy như vẫn xảy ra) thì rất lo ngại. Quy định của phòng giáo dục là đi tăng cường vùng 3 một năm, tuy nhiên sau đó lại vẫn phải đi tiếp. Vì thế, cô Thuý xung phong đi Đồng Tiến cách nhà khoảng 50 km, liền 3 năm từ khoá học 2006-2007 đến nay. Thuý đã cố gắng học xong khoá Đại học tại chức từ 2002. Lương từ hơn 3 triệu nay được 4,9 triệu, nhưng “một nhà ba niêu”, như Thuý nói, thì cũng vẫn khó khăn. Hai đứa con cô thì một đang học Cao đẳng, một học lớp 10. Bố các cháu công tác ở xã tuy gần nhà nhưng vẫn thường xuyên “vườn không nhà trống”.
Không chỉ là những cái khó về gia cảnh, về điều kiện xã hội mà quan trọng hơn là cái khó trong việc dạy chữ, dạy người. Rất nhiều thứ không ai dạy trong trường đại học. Có bốn cái khó liên hoàn mà các thầy cô ở đây đã tổng kết trong cái việc khó nhất mà lâu nay cả xã vẫn cùng làm là đi vận động học sinh đến lớp học. Một là đi bộ đường xa đến nhà khó mà gặp được (lại phải viết giấy để lại như “rủ rê” học sinh đi học). Hai là gặp thì cũng khó nói cho học sinh và phụ huynh nghe hết được ý tứ câu chuyện vì ngôn ngữ bất đồng. Ba là, nói được (hoặc qua thông ngôn) thì cũng khó hiểu nhau, hoặc không đồng tình từ phụ huynh. Có khi con thích đi học, mẹ đồng ý, nhưng bố không cho đi. Bốn là cái khó chung một lý do phổ biến trong vùng đồng bào Mông cũng như Dao là: không có người chăn trâu và đi nương.
Tất cả lại dẫn đến câu chuyện khó xử, khó nói khi có học sinh dù nghỉ nhiều, kiến thức rỗng vẫn phải cho thi, mà đã cho thi thì… Thậm chí còn phải vận động các em ấy đến làm bài thi học kỳ. Sự kỳ công ấy, có lẽ cốt sao giữ được việc đi học của một lớp người mới lớn, tăng dần áp lực chống lại sức ì đến bất cần kia của phía đối tượng người học trong vùng.
Theo thống kê, xã có tới 97% số trẻ đến trường, năm học mới có 26 lớp với 387 học sinh. Tỷ lệ bỏ học vẫn còn hơn 10% với học sinh tiểu học và trên 4% với học sinh THCS.
Và những người “học không biết chán”
Thực chất thì các em đều muốn đến trường và hầu hết đều ham học. Gia đình phụ huynh nào cũng muốn con em mình học hành tốt. Nhưng thực tế đã có những diễn biến trái chiều kể từ sau những ngày đầu tiên đi học ấy. Thành tích nhiều mặt của nhà trường, công lao của các thầy cô và sự đóng góp quan trọng của cấp uỷ, chính quyền, nhân dân địa phương cho sự nghiệp giáo dục ở Đồng Tiến là rất to lớn.
Chỉ xin nói đôi điều về những “cái khó bó cái khôn” đối với việc học ở đây mà chúng tôi ghi nhận được. Theo các thầy cô giáo, các em ở trường chính chỉ khoảng 50% biết tiếng Kinh (tiếng phổ thông) còn ở các điểm trường thì hầu hết các em nhỏ chỉ có thể nghe được mà không nói được rõ tiếng Kinh. Có em vẫn xưng hô “mày – tao” với thầy, cô một cách hồn nhiên. Chuyện kể một em đưa thư của Trưởng thôn gửi thầy Đấu, gặp thầy em hỏi: “Mày có phải thầy Đấu không?”. Cá biệt có em, có lẽ vì không hiểu mà nói xấc với thầy khi đến vận động rằng “tao đếch đi học nữa đâu”. Đó là chuyện cười “đau lòng” không đáng có. Miền núi nói chung và vùng sâu Đồng Tiến nói riêng các em vẫn phải đi bộ đến lớp có thể tới hàng chục cây số bất kể thời tiết. Thật đáng biểu dương công học tập của các em. Còn những trường hợp phải bỏ học thì thật đáng suy nghĩ.
Ngoài trường hợp một em học sinh lớp 8 phải nghỉ học để sinh con là trường hợp đáng được chia sẻ của Hoàng Thị Di. Lớp 7 Di đã có người đến hỏi làm vợ, rồi gia đình thấy không hợp lại thôi. Đến lớp 9, lại có người hỏi và không hiểu sao bố mẹ không cho em gạo để đi học nội trú nữa nên em bỏ hẳn. ở nội trú dân nuôi (hiện có 61 em) là các em thuộc hộ nghèo được hưởng chế độ trợ cấp của nhà nước 100 ngàn đồng cho mỗi em một tháng ngoài sách, vở được cấp phát như hệ phổ thông. Gia đình đóng góp một mức chung cho mỗi em là 10kg lương thực mỗi tháng. Tuy nhiên, cả năm qua hầu như không ai nộp lương thực, các em chỉ chi dùng trong số 100 ngàn đồng để ăn cơm rau muối là chính. Xã quản lý tài chính và cử người nấu cơm cho các em ăn tập trung. Khi tự nấu, các em chỉ ăn cơm muối, thậm chí còn thói quen chan nước lã vào cơm ăn cho xong bữa.
“Tại sao không cho các em tự trồng rau ăn?”, chúng tôi hỏi và được trả lời: “Các em còn lười lắm, chỉ ham chơi, lại không có thói quen làm việc đó từ nhỏ”. Đến khu ký túc của các em chúng tôi thấy cả các em trai, gái đang mải chơi trò bắt chuồn, bắt ve. Có em đang tự giặt quần áo. Số em trai Mông thường rủ nhau đi tìm mật ong trên rừng. Em Triệu Văn Định, người Dao ở thôn Cổng Đá, 14 tuổi, lớp 7, khi đi được nhà cho 13 bát gạo mang theo. Em Đặng Thị Sửu đến từ thôn Buột cách 9 km, mẹ cho 10 bát gạo và 10 ngàn đồng mua dầu gội, xà phòng, kem đánh răng. Sửu 12 tuổi, lớp 6. “Em thích đi học không?”. “Có thích”. “Lớn lên thích làm gì?”. “Chưa biết”. “Nhà có nhiều ngô, lúa không?” “Mất mùa, sắp bị đói đấy”. Chúng tôi hỏi và Sửu trả lời rất thật. Còn em Giàng Thị Hoan, người Mông, 14 tuổi ở xóm Khuối Lay, thôn Buột thì may mắn hơn là đang ở với ông chú ở ngay trung tâm xã, để đi học. Hoan có anh học lớp 9 ở nội trú huyện.
Các em thật đáng được chia sẻ, động viên. Chính các em, trong hoàn cảnh hiện tại, còn lắm thiệt thòi, thậm chí bất công, là hiện thân “con đường học” vô cùng khó nhọc của cả một thế hệ.
Những tổ ấm nơi đất lành
Dẫu còn nghèo khó nhưng nó mãi mãi là vùng đất đã “hoá tâm hồn” bao thế hệ đồng bào các dân tộc sinh sống nơi đây. Thú vị hơn nó còn là đất lành cưu mang những tổ ấm gia đình của nhiều thầy cô giáo yêu nghề, yêu người và yêu quê nồng thắm. Dù đó là chiếc tổ đang còn xoay xở, chênh chao trước gió.
Cô giáo trẻ, hiệu phó Hoàng Thị Mạo, dân tộc Tày, mới 21 tuổi, là người sinh ra và trưởng thành từ chính quê hương này. Hết cấp 2, cô đi làm hợp đồng dạy mầm non rồi học tiếp Trung cấp sư phạm về dạy từ 2005 và mới được đề bạt cán bộ quản lý trong năm nay. Chồng cô là Lê Văn Lý, người Kinh nhà ở gần huyện lị Bắc Quang, dạy học cùng trường từ năm 2005. Tình yêu đã xanh cây bén rễ nơi đây. Hiện tổ ấm của họ đang ở tạm một gian trong khu nội trú giáo viên, có một con nhỏ hơn một tuổi: “Bọn em đã mua miếng đất ở trung tâm xã – Mạo trò chuyện – có thể cuối năm làm nhà. Bố mẹ cho đất rừng, vợ chồng em cũng đã trồng được khoảng chục ha rừng keo”. Sẽ còn nhiều thử thách nhưng đã thấy mừng cho họ.
Hai vợ chồng cô giáo Nguyễn Thị Nhuận (tuổi 28, người Tày, quê Việt Vinh, Bắc Quang) và y tá điều dưỡng Trần Văn Nam (tuổi 30, người Kinh, quê Chiêu Yên, Tuyên Quang) đã có nhà ở ngay trung tâm xã. Nam làm việc ở trạm xá xã từ năm 2001. Nhuận vào xã dạy học từ năm 2003. “Chúng em yêu nhau từ đầu năm 2004 và cuối năm đó tổ chức đám cưới” – Nhuận kể và chợt lặng đi trong nước mắt cảm động. Thì ra gia đình cô giáo được tạm gọi là khá giả do chăm chỉ và biết cách làm ăn ở đây lại đang thầm lặng những chuyện bận lòng, day dứt. Nhuận cho hay, cả bố cô và bố chồng đều là những cựu binh nhiễm chất độc da cam. Di chứng “màu cam” để lại nặng nề trong người chị của cô đang bị thiểu năng trí tuệ và hai em đã mất. Hơn thế, thật oái oăm, “hoạ vô đơn chí”, cả hai vợ chồng cô cũng rất khó hoặc không thể sinh con từ một di chứng ác nghiệt. Nhưng tổ ấm đã có nguồn vui từ bé Thanh Thảo 6 tuổi, con anh trai chồng (được đón về nuôi), hay hát, hay cười. Nhuận đang học và cuối năm nay thi tốt nghiệp lớp Đại học tại chức. Hai vợ chồng cũng đã trồng được 20 ha rừng keo tại địa bàn xã. Tình yêu và hy vọng sẽ giúp họ vượt qua thử thách.
Một chiếc tổ tạm gọi là “hoàn cảnh khó khăn nhất” phải kể đến cô giáo Hoàng Thị Thật, 25 tuổi, người Tày bản xứ ở Thôn Phiến giáp “xã lị”. Cô cũng đi học Trung cấp sư phạm rồi về quê dạy học từ năm 2005. Chồng cô là Sầm Văn Thiết, người Tày ở Hùng An (Bắc Quang). Trước đó Thiết đi làm thợ xây và gặp Thật đi học. Họ yêu và lấy nhau rồi về quê Thật sinh sống. Tuy nhà tạm trên đất bố mẹ cho, một con nhỏ- cháu Sầm Thị Thảo hơn 1 tuổi – còn đang bị suy dinh dưỡng, lương cô giáo mầm non chỉ 2,6 triệu đồng, nhưng họ chăm chỉ, có nghị lực và chấp nhận sự khắc nghiệt của cuộc sống. Đào ao, thả cá, chăn nuôi gia cầm, làm ruộng, trồng được 7 ha rừng keo… đó là những việc nhìn thấy sự thể hiện ý chí vươn lên vượt thoát số phận của đôi vợ chồng nghèo.
Vâng, chỉ một thoáng gặp, cảm nhận rồi tạm biệt Đồng Tiến trên đoạn đường vất vả, nhưng đó là nơi chúng tôi nhớ về đầy ấn tượng trong sự cảm thông, trăn trở cùng sự nghiệp trồng người.
Theo GDTĐ
Bình luận (0)