“Ca sĩ làm nền” là cụm từ dành cho ca sĩ không tên tuổi, không khán giả và… không fan hâm mộ. Họ xuất hiện trên sân khấu để “chữa cháy” cho các chương trình ca nhạc khi ca sĩ ngôi sao nào đó đến trễ giờ hoặc không đến được.
“Để làm ca sĩ dạng này, nhất thiết phải bỏ hết những mặc cảm, sĩ diện của bản thân. Không bực tức trước sự chèn ép của các bầu show cũng như các ca sĩ ngôi sao bởi chuyện bị họ đối xử tồi tệ, bị khán giả đuổi xuống sân khấu là chuyện thường ngày…” – ca sĩ S. Bảo, người “hát lót” có thâm niên gần 20 năm đã tâm sự với chúng tôi như thế.
“Hát lót” xuyên lục tỉnh
Một chiều cuối tuần, S. Bảo gọi điện cho tôi: “Tối nay em hát hai show đại nhạc hội ở Tiền Giang, anh rảnh thì đi chơi”. Dĩ nhiên, tôi “ok” liền. Đúng 18 giờ, Bảo chở tôi trên chiếc Novou thẳng tiến một mạch từ quận 11 – TP.HCM về Trung tâm Văn hóa huyện Châu Thành – Tiền Giang. Sân khấu nằm ngay mặt tiền đường quốc lộ nên thu hút đông đảo khán giả. Vừa vào tới hậu trường, Bảo đã bị bầu P. mắng như tát nước vào mặt: “Đã bảo hát mở màn sao giờ này mới đến. Tôi cho người khác “lót” rồi. Thôi chạy qua điểm hai rồi quay trở lại out chương trình”. Trên đường chạy qua điểm hai, cách đó hơn 10 cây số thuộc xã Trung An – huyện Châu Thành, Bảo nói: “Khổ lắm anh ơi, chắc bên đó ca sĩ không tới kịp nên bầu P. mới giở trò như vậy chứ tụi em đi hát có bao giờ được hợp đồng giờ giấc, cứ đến và đợi khi nào MC giới thiệu tên thì ra hát”.
Điểm hai nằm giữa một cánh đồng trống, khán giả cũng khá đông. Đúng như Bảo dự đoán, ca sĩ “đinh” Lâm Chấn Khang chưa đến kịp nên Bảo được cho lên hát liền tù tì 3 bài. Định giới thiệu bài thứ 4 thì phía dưới khán giả lùm xùm, thì ra ca sĩ Lâm Chấn Khang đã đến, Bảo đành bước xuống sân khấu không có lấy một tiếng vỗ tay. Quay trở lại điểm cũ, cởi mũ bảo hiểm ra chưa kịp chỉnh sửa lại tóc và trang phục, Bảo đã vội chạy ra sân khấu hát. Khán giả lục tục bỏ ra về. Khi Bảo hát xong bài thứ hai thì chỉ còn lại khoảng hơn 10 khán giả vì đây là tiết mục cuối. Lãnh 700 ngàn đồng cho hai show diễn từ tay bầu P. Bảo cười giả lả: “Tuần sau nhớ kêu em với nha”.
Lần khác, tôi tháp tùng theo ca sĩ L.Long đi “lót” cho bầu show tạp kỹ Sáu Phong ở tận Bình Phước. Vừa chạy xe máy đến địa phận tỉnh Bình Dương, Long nhận được tin nhắn bảo quay về vì: “Dưới đây hôm nay không có khán giả”. Trên đường về, Long tâm sự: “Vậy là còn may đó anh, có hôm em chạy xe máy hơn 200 cây số đến điểm hát thì trời mưa ào xuống, đành phải mượn đỡ bầu show một ít tiền đổ xăng chạy về. Nhục nhã hơn, có đoàn kêu em đi “lót” ở tỉnh trong vòng một tháng. Nhưng thực tế số ngày em ra sân khấu hát chỉ hơn một tuần bởi có nhiều ca sĩ khác xin “lót” không cần tiền…”.
Đã là ca sĩ “lót” thì tiền kiếm được cũng rất ít ỏi, làm sao thực hiện một album riêng để có bài hát độc quyền cho mình. Vậy là họ phải đi “sưu tầm” nhạc nền những ca khúc quen thuộc của các ca sĩ tên tuổi để hát. “Chuyện trùng bài với các ca sĩ ngôi sao xảy ra như cơm bữa, chẳng những không được lên hát, không có tiền còn bị ngôi sao mắng như tát nước vào mặt. Lúc đó em chỉ biết cúi gằm mặt mà khóc…” – ca sĩ “lót” T.Linh cho biết như thế.
T.Linh cho biết thêm: “Nghiệp “lót” của em gắn liền với nước mắt, có khi về tỉnh nhận được những tràng pháo tay nho nhỏ của khán giả cũng khóc vì hạnh phúc. Rồi khi khán giả đuổi xuống cũng khóc vì buồn tủi. Nhưng đau đớn nhất là cả đêm ngồi chờ chực trong cánh gà, mong sao ca sĩ ngôi sao không đến hoặc đến trễ để được lên hát. Có khi đang hát nửa bài, ngôi sao đến vậy là MC ra đuổi khéo mình xuống sân khấu…”. Không ít những ca sĩ “lót” xuyên lục tỉnh này cuộc sống khó khăn đến độ không có xe máy riêng để chạy show, nhưng vì quá đam mê nghệ thuật nên đã chọn luôn cuộc sống lưu lạc tứ xứ, lấy đoàn hát làm nhà.
Gian nan nghiệp “lót” thị thành
Tại TP.HCM hiện nay, mặc dù các sân khấu, tụ điểm, phòng trà, quán bar lớn nhỏ đã không còn nhiều như trước đây nhưng vẫn có không ít ca sĩ chờ chực để “lót” cho các nơi này. Ca sĩ Tú M., 22 tuổi từ nhỏ đã đam mê ánh đèn sân khấu, ba mẹ kinh doanh khách sạn tại TP.Vũng Tàu nên nhà cũng thuộc hàng khá giả. Trong khi ba mẹ muốn M. nối nghiệp kinh doanh thì cô nàng chỉ ôm mộng trở thành người của công chúng. Suốt 3 năm qua, M. lăn lộn với nghề “hát lót” ở số quán bar, sân khấu ở TP.HCM với biết bao cay đắng. “Để được ăn mặc đẹp xuất hiện trên sân khấu, em toàn phải đi xin các biên tập hát không lấy tiền. Đôi khi còn phải “gửi phong bì” cho họ mới được xếp “lót”. Trong khi các ca sĩ ngôi sao hát nhép ào ào, còn em phải đến tập với ban nhạc khan cả giọng. Nhưng đâu phải tập thì được hát. Có đêm ngồi đợi suốt mấy tiếng đồng hồ cuối cùng phải ra về vì hôm ấy vắng khách mà biên tập lỡ kêu nhiều ca sĩ “lót” quá, cũng đành ngậm bồ hòn làm ngọt”. Đồng cảnh ngộ với Tú M., ca sĩ Thanh T. 23 tuổi quê ở Đồng Nai cho biết thêm: “Mấy tay ban nhạc cũng ác lắm, thấy mình “lót” nên chèn ép đủ điều. Có hôm không “bo” tiền là mấy ổng đánh một nơi, mình hát một nẻo, khán giả đuổi xuống như chơi”.
Đối với các ca sĩ vướng nghiệp “hát lót” thì hai từ “ngôi sao” họ không dám nghĩ tới. Bởi những trường hợp “cá chép hóa rồng” như Phương Thanh, Đàm Vĩnh Hưng, Duy Mạnh, Hồ Việt Trung… chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Hầu hết các ca sĩ “hát lót” tuổi thì ngày càng cao mà “tên” thì không ai nhớ đến. |
Trong một lần trò chuyện với người viết bài, nam ca sĩ Hồ Việt Trung cho biết: “Tôi đã từng trải qua 15 năm đi “hát lót”, thậm chí làm trợ lý phòng thu cho ca sĩ Thanh Thảo, bấm đĩa cho ca sĩ Akira Phan rồi nấu ăn, rửa bát cho gia đình ca sĩ Quang Hà… Sau đó tôi may mắn có cơ hội “đổi đời” khi bộ phim ca nhạc “Giải cứu tiểu thư” đạt lượng truy cập kỷ lục. Nhờ những tháng ngày cơ cực “hát lót” mà tôi rèn luyện được ý chí và tính kiên nhẫn, sự bền bỉ để gắn bó với nghề…”.
Đối với các ca sĩ vướng nghiệp… “lót”, hai từ “ngôi sao” họ không dám nghĩ tới. Bởi những trường hợp “cá chép hóa rồng” như Phương Thanh, Đàm Vĩnh Hưng, Duy Mạnh chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Hầu hết các ca sĩ “lót” tuổi thì ngày càng cao mà “tên” thì không ai nhớ đến.
Anh Khôi
Bình luận (0)