Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Gian nan đưa hàng Việt sang Thái

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Bên cạnh quan tâm cơ chế, chính sách thì việc thiết lập hiệu quả mạng lưới phân phối hàng hóa Việt Nam tại Thái Lan còn giúp các doanh nghiệp (DN) thuận tiện trong việc đưa hàng Việt sang Thái. Đây là một trong những giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng Việt Nam sang thị trường Thái Lan trong bối cảnh nước ta đang nhập siêu hàng hóa của Thái Lan…


Nhờ hệ thống bán lẻ tại Việt Nam mà nhiều hàng hóa của Thái Lan vào nước ta một cách dễ dàng. (Trong ảnh: Người tiêu dùng Việt mua hàng Thái tại một siêu thị)

Hàng Việt khó vào Thái

Thái Lan hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 9 tại nước ta với hơn 600 dự án/tổng giá trị đạt trên 13 tỷ USD. Trong khối ASEAN, Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch hai chiều năm 2021 đạt 19,5 tỷ USD; riêng quý 1 năm nay đạt 5 tỷ USD. Hai nước phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch thương mại lên 25 tỷ USD vào năm 2025.

Ông Phan Chí Thành – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Thái Lan – cho biết, có thể khẳng định dư địa hợp tác đầu tư, thương mại và du lịch giữa hai nước vẫn còn rất lớn nếu phát huy được sự kết nối kinh tế trực tiếp giữa địa phương với địa phương, DN với DN.

Dù dư địa hợp tác đầu tư còn rất lớn, song nhiều DN cho rằng, hàng hóa Việt Nam tại thị trường Thái Lan đang rất ít dù có nhiều mặt hàng tương đồng, trong khi hàng Thái lại có nhiều ở thị trường nước ta.

Ông Nguyễn Văn Minh – Chủ tịch Hiệp hội DN Thái – Việt – cũng cho biết, hàng Việt Nam hiện nay đa dạng mẫu mã, phong phú chủng loại, bao bì đẹp nhưng xuất hiện ít ở thị trường Thái Lan. Chưa kể, ở Thái Lan có nhiều người Việt sinh sống với nhu cầu tiêu dùng hàng Việt Nam cao. Rào cản kỹ thuật và chính sách bảo hộ đang làm khó đối với thương mại của chúng ta. Nhiều lúc đăng ký FDI đưa hàng Việt Nam sang Thái Lan mất 6 tháng đến 1 năm.

“Để đưa hàng Việt Nam vào thị trường Thái Lan có thể đàm phán mở cửa FDI song phương và cần tạo điều kiện xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam sang Thái Lan bằng đường chính ngạch”, ông Minh nói.

Công ty Pacific Food mất hơn 10 năm đưa nước mắm qua các nước Mỹ, Canada, Nhật, Hàn. Ông Lê Bá Linh – Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty – hy vọng kết nối được với các DN kiều bào Thái, DN Thái để đưa một số sản phẩm quê hương vào đất Thái.

Ông Linh chia sẻ, do hiệp định thương mại vẫn còn một số rào cản nên hàng hóa vẫn phải đi “đường vòng” khiến DN gặp không ít khó khăn. Như gạo ST25 của Việt Nam rất nổi tiếng, người Thái Lan sang mua về rồi gắn mác Thái Lan để xuất khẩu sang nước thứ 3.

Trước vấn đề này, đại diện Sở Công thương TP.HCM nhìn nhận, Việt Nam đang nhập siêu hàng Thái Lan. Hiện khu vực ASEAN có hiệp định thương mại hàng hóa hiệu lực từ năm 2010, theo đó thuế xuất nhập khẩu trong khu vực hầu hết bằng 0 nên rào cản thuế xuất không còn. Tuy nhiên, các nước có những nhóm hàng về nông sản, trái cây tươi vẫn phải chịu những rào cản về kỹ thuật. Hiện Việt Nam mới xuất khẩu vào Thái Lan được các loại trái cây như thanh long, xoài, nhãn, vải; trong khi hàng Thái vào nước ta có tính tương đồng cao. 

“Vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Thái Lan đang tiếp tục đàm phán để mở rộng phạm vi xuất nhập khẩu lĩnh vực nông sản”, đại diện Sở Công thương thông tin.

Cần mở rộng mạng lưới bán lẻ tại Thái

Trong bối cảnh quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Thái Lan ngày càng phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực từ chính trị đến kinh tế, văn hóa và giao lưu nhân dân, TP.HCM tự hào đã góp phần thúc đẩy quan hệ giữa hai nước.

Ông Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM – cho biết, trong nhiều năm qua, TP.HCM là đối tác quan trọng của các nhà đầu tư Thái Lan. Về thương mại, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa TP.HCM và Thái Lan năm 2021 đạt hơn 2,8 tỷ USD. Về đầu tư, tính đến hết năm 2021, Thái Lan có 235 dự án với tổng vốn hơn 482 triệu USD, xếp thứ 12/116 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào TP.HCM.

Các DN Thái Lan đầu tư nhiều vào các ngành cơ khí, hóa chất, thực phẩm, vật liệu xây dựng, du lịch, dịch vụ kho bãi, logistics… Hàng năm, TP.HCM còn đón nhiều đoàn doanh nhân Thái Lan đến tìm hiểu cơ hội làm ăn và tiềm năng hợp tác trên địa bàn TP. Đặc biệt, hội chợ triển lãm sản phẩm Thái Lan được tổ chức hàng năm đã góp phần củng cố mối quan hệ thương mại, đầu tư giữa TP.HCM và Thái Lan.

Ngoài một số DN lớn của TP đã có quan hệ thương mại tốt với DN Thái Lan thì nhiều DN của TP hiện đang có nhu cầu tìm hiểu cơ hội thị trường, tìm kiếm đối tác Thái Lan để hợp tác kinh doanh.

“Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, TP.HCM đặt mục tiêu phục hồi kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững; đồng thời xác định trọng tâm thực thi và tận dụng hiệu quả cơ hội từ các hiệp định của ASEAN với đối tác, chắc chắn TP.HCM sẽ có những bước phát triển vượt bậc”, ông Hoan nói.

Để thiết lập kênh hợp tác, làm ăn lâu dài trong thời gian tới, ông Phan Chí Thành đề nghị TP.HCM cần có cơ chế, chính sách cụ thể tạo điều kiện tốt nhất cho các DN kiều bào trên thế giới nói chung và Thái Lan nói riêng muốn về đầu tư, làm ăn tại TP. Các sở, ngành cần tăng cường giới thiệu những lợi thế về sản phẩm hàng hóa, sản phẩm du lịch nổi bật của TP cho DN Thái Lan. Giới thiệu các DN TP quan tâm đến thị trường Thái Lan, có nhu cầu hợp tác với các DN kiều bào để có thể kết nối nhanh chóng và hiệu quả.

Ông Thành khuyến khích các DN hai bên tích cực trao đổi cụ thể về tiềm năng và thế mạnh của nhau, nhu cầu hợp tác cụ thể để thiết lập quan hệ làm ăn lâu dài, ký kết các thỏa thuận, biên bản làm việc, tiến tới triển khai các dự án đầu tư tại Thái Lan và Việt Nam. Đặc biệt, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam chất lượng cao sang Thái Lan, tiến tới tổ chức mạng lưới phân phối hàng hóa Việt Nam tại Thái Lan và phân phối hàng Thái Lan tại TP.HCM.

“Tại hệ thống siêu thị ở Việt Nam có nhiều hàng Thái. Thành quả này nhờ Thái Lan thiết lập hệ thống bán lẻ thành công. Khi có hệ thống phân phối, việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam rất thuận tiện. Do đó, nếu chúng ta thiết lập được mạng lưới phân phối hàng tại Thái Lan thì các DN sẽ thuận tiện trong việc đưa hàng Việt Nam sang”, ông Thành nói.

Ông Hồ Văn Lâm – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Thái – Việt Nam – đề xuất TP thông tin về các chính sách ưu đãi đầu tư, quy trình đầu tư đối với các DN kiều bào, các tập đoàn Thái Lan khi có nhu cầu trao đổi thương mại và đầu tư vào TP.

“Các DN kiều bào tại Thái Lan đang muốn nhập sản phẩm nông sản là thế mạnh của TP.HCM vào thị trường Thái Lan, mong lãnh đạo TP hỗ trợ kết nối với các DN có năng lực và có nhu cầu xuất khẩu qua thị trường Thái Lan”, ông Lâm bày tỏ.

Phú Cát

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)