Trong hàng trăm ngàn sĩ tử dự thi đại học hôm qua, có những sĩ tử mà con đường đến với kỳ thi không hề bằng phẳng. Họ phải chiến đấu với muôn vàn khó khăn bằng một nghị lực đáng nể.
Nguyễn Văn Thảo với chiếc xe đạp vượt qua 90km đến trường thi – Ảnh: Vĩnh Hà |
Đồng Thanh Thương (TP Bắc Giang) bị dị tật bẩm sinh. Để đôi chân đi lại nhúc nhắc được, Thương đã mất sáu năm nằm viện, trải qua sáu lần phẫu thuật đau đớn. Cánh tay phải của Thương không có khớp, thẳng đuột. Mọi sinh hoạt và học tập Thương dồn hết vào tay trái, dù cũng không thật lành lặn.
Một tay vẽ ước mơ
Trái hẳn vóc dáng bên ngoài, Thương khá điềm tĩnh, tự tin với hành trình đi tìm mơ ước của mình. Học tốt các môn khoa học tự nhiên, năm 2009 Thương thi cả hai khối A, B và đỗ vào Trường ĐH Khoa học tự nhiên (khối B) với 23,5 điểm, nhưng điểm thi vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội không như ý. Thương từ chối nhập học tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên để dự thi một lần nữa vào Trường ĐH Bách khoa vì đơn giản “Bách khoa là ngôi trường trong mơ của em”.
Chỉ có một tay, vừa sử dụng máy tính cầm tay, vừa tô phương án trả lời (môn thi trắc nghiệm), viết (môn thi tự luận) cũng chậm, Thương gặp nhiều khó khăn hơn các thí sinh khác nhưng rất quyết tâm. Thương cho biết: “Em tự đặt cho mình kế hoạch ôn thi, tự ôn theo sách giáo khoa, sưu tầm các đề thi trên mạng để giải”. Thỉnh thoảng có bạn bè đã đỗ đại học cho mượn sách, tài liệu photo, Thương lại ngấu nghiến đọc, tập làm và tập cả việc làm sao để viết được nhanh.
Mẹ Thương – bà Nguyễn Thị Trúc – cho biết: “Thương ham học và chưa bao giờ vì bệnh tật mà từ bỏ ước mơ học hành. Sáu năm phải ngắt quãng, khi trở lại trường Thương phải vừa tự học, vừa nhờ thầy cô để có thể “nhảy cóc” một năm hai lớp”.
Đồng Thanh Thương tại ký túc xá Trường ĐH Bách khoa Hà Nội trước ngày thi – Ảnh: Vĩnh Hà
|
Đạp xe 90km đi thi
Với chiếc xe đạp cà tàng trầy xước hết sơn, chiếc túi cũ đựng vài quyển sách, mấy chiếc bánh mì, Nguyễn Văn Thảo dậy từ 2g sáng để vượt chặng đường 90km bằng xe đạp đến trường thi. Thảo sinh năm 1982, năm nay đã bước sang tuổi 28, cái tuổi nhiều bạn bè đã xong con đường học hành, có nghề nghiệp ổn định.
Thảo kể sau khi tốt nghiệp THPT tại Yên Thế, Bắc Giang, Thảo bị mắc chứng bệnh lạ. Giữa ban ngày nhưng Thảo vẫn như sống trong những giấc ngủ mê triền miên. Thảo được điều trị trong bệnh viện tâm thần tỉnh Bắc Giang một thời gian. Lành bệnh, trở về Thảo phải đối mặt với nhiều khó khăn. Cha mẹ đều làm ruộng, thu nhập bấp bênh, không thể có tiền cho Thảo nối lại con đường học hành. Hơn nữa, không ai tin Thảo có thể đi học, đi thi như bao người khác. Thảo âm thầm sống với việc nuôi heo, chăn bò, chăm sóc vườn vải, ruộng rau thơm. Nhưng Thảo cũng lén chuẩn bị cho kế hoạch của riêng mình.
Suốt mười năm lúc nào khỏe Thảo lại mang sách ra ôn. Thảo nhờ bạn bè mượn giúp sách giáo khoa mới, sưu tầm đề thi các năm. Năm nào Thảo cũng học nhưng không đủ tự tin đi thi. Đến năm nay Thảo mới quyết định đăng ký dự thi vào Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội). Để có tiền đi thi, hằng đêm Thảo đi bắt ếch bán, tiền bán ếch bỏ ống tiết kiệm được 300.000 đồng. Thảo đạp xe một mạch đến Hà Nội. Thảo lạc quan: “Không đỗ đại học thì vào cao đẳng, cao đẳng cũng không được thì tôi sẽ đăng ký vào trung cấp thú y. Học để có thêm kiến thức về quê chăm sóc đàn heo, bò cũng tốt”!
Mình là người bình thường
Trò chuyện với chúng tôi, Thương kể nhiều về những điều giúp mình có thêm nghị lực. Đó là một người bạn gái đã đứng ra bênh vực em khi em bị bạn học trêu chọc, hay những người bạn đã chở em đi học trong nhiều năm trời… Thương nói: “Còn nhiều người khổ hơn mình nên mình phải cố gắng, mình phải nghĩ mình cũng là một người bình thường”. Thương mơ ước trở thành một lập trình viên trong tương lai. Quyết tâm thực hiện mơ ước đó, bất chấp cơn đau hành hạ, Thương vẫn ôm sách học trong những ngày kề cận kỳ thi.
|
VĨNH HÀ / Tuoi Tre
Bình luận (0)