Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Gian nan đường tới giảng đường

Tạp Chí Giáo Dục

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhiều học sinh đã chọn cách đi đường vòng vào ĐH

Gia đình khó khăn hay học lực ở mức trung bình, nhiều học sinh đã chọn con đường học trung cấp để làm hành trang bước vào đời. Trong số này, có nhiều bạn trẻ vừa đi làm vừa đi học lên các bậc cao hơn để nâng cao tay nghề và có cơ hội thăng tiến trong công việc.
Tuy nhiên, để làm được điều này, đòi hỏi họ phải có một nghị lực phấn đấu không ngừng, cố gắng gấp bội lần so với những sinh viên bình thường khác.
Đường đến trường của sinh viên nghèo
Gia đình làm nông, chị gái lại bị bệnh triền miên nên vừa tốt nghiệp THPT, Trần Thị Nghiêm (29 tuổi, hiện là sinh viên năm cuối của Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM) đã từ giã quê hương chị Hai năm tấn (Thái Bình) để khăn gói vào TP.HCM làm công nhân kiếm tiền phụ giúp gia đình. Thế nhưng, ước mơ lên giảng đường vẫn luôn nhen nhóm trong lòng cô gái nghèo này. Vì vậy, sau vài năm làm công nhân, chị quyết định đi đường vòng vào ĐH bằng việc hàng ngày vẫn đều đặn đi làm cho công ty may mặc, nhưng tối đến đi học trung cấp kế toán. Chị cho biết: “Học xong trung cấp, nếu có điều kiện thì tôi sẽ học liên thông lên CĐ, rồi ĐH”.
Quá trình vừa làm vừa học không phải là chuyện dễ, đặc biệt là với một cô gái nhỏ nhắn như Nghiêm. Chị kể: “Những ngày đầu tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp thu vì nghỉ học quá lâu, mọi kiến thức dường như quên sạch. Cũng may là tôi được giảng viên giúp đỡ nhiệt tình, cộng với ước mơ có tấm bằng ĐH nên tôi đã quyết tâm để kéo dài việc học cho đến ngày hôm nay”.
Cũng giống như Nghiêm, Nguyễn Thị Tuyết (quê ở Phú Thọ) vào TP.HCM lập nghiệp hơn 5 năm nay cũng phải những ngày tháng vừa làm vừa luyện thi để có tấm vé vào giảng đường ĐH. Tốt nghiệp THPT, Tuyết được người quen giới thiệu vào làm nhân viên văn phòng cho một công ty xuất nhập khẩu ở quận 3. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc ở đây, Tuyết thấy mình còn thiếu rất nhiều kiến thức nên khó có thể tiến xa hơn được. Vì vậy, mặc dù đã nghỉ học tròn 4 năm nhưng Tuyết vẫn quyết định ôn thi lại trong kỳ tuyển sinh vừa qua.
Nhớ về những ngày luyện thi đầy gian nan, Tuyết chia sẻ: “Ngày đi làm, tối đến các trung tâm luyện thi học; xong lại về nhà thức trắng đêm để ôn bài quả là những ngày khá vất vả. Tuy nhiên, dù khó khăn đến mấy tôi vẫn quyết tâm thi, dù không đỗ ĐH nhưng tôi vẫn thử sức mình”. Những nỗ lực không ngừng của Tuyết đã được đền đáp khi chị giành được tấm vé vào Khoa Việt Nam học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM. Tuy nhiên, do hoàn cảnh khó khăn nên Tuyết đành gác lại việc học ĐH và xin học trung cấp, ngành thư ký văn phòng ở một trường CĐ để có điều kiện đi làm, kiếm tiền trang trải cho cuộc sống của mình. Còn chuyện tấm bằng ĐH, Tuyết nghĩ mình sẽ cố gắng vừa làm vừa học để có được nó trong tương lai.
Cố gắng sẽ thành công
Để duy trì được việc học, những người như Nghiêm, Tuyết đã trải qua rất nhiều khó khăn. Thế nhưng, nhờ có ước mơ và sự cố gắng không ngừng, họ đã thành công trên con đường tiếp nhận tri thức.
Nghiêm tan ca từ 17 giờ nhưng ít khi về phòng trọ mà đạp xe thẳng đến trường để kịp giờ học. Tối về nhà, chị ăn vội tô cơm nguội rồi tiếp tục học bài đến 22-23 giờ mới đi ngủ. Những ngày ôn thi học kỳ, chị phải thức trắng đêm mới mong có được kết quả thi khả quan. Vất vả là vậy nhưng hiếm khi các giảng viên ở trường thấy Nghiêm nghỉ buổi học nào. Nhờ sự cố gắng không ngừng mà sau 7 năm, từ một học viên trung cấp, Nghiêm sắp sửa có được tấm bằng ĐH.
AnhNguyễn Thành Danh, hiện là kỹ sư đảm bảo chất lượng sản phẩm cho Công ty Khuôn mẫu và sản phẩm kim loại Vina (Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7) cũng đã nếm trải những khó khăn này. Tốt nghiệp Khoa Cơ khí Trường Trung cấp Kỹ thuật Cao Thắng (năm 2005), anh xin việc khắp nơi nhưng nơi nào cũng trả công rất thấp, không đủ chi trả cho cuộc sống ở thành phố. Vì vậy anh quyết định vừa làm, vừa ôn thi tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Năm 2006, anh thi đỗ vào hệ vừa làm vừa học, Khoa Cơ khí chế tạo của Trường ĐH Bách khoa với số điểm khá cao (21,5 điểm).
Nhớ lại những ngày tháng vừa làm vừa học, đôi lúc anh giật mình vì không nghĩ là mình đã vượt qua quãng thời gian khó khăn dài đằng đẵng như vậy. Anh Danh chia sẻ: “Từ công ty tôi làm đến trường là 15km nên vừa tan ca lúc 17 giờ, không kịp về phòng trọ tắm rửa tôi đã vội vàng đạp xe đến trường, và trên đường đi tôi ghé đâu đó “nạp năng lượng” để chiến đấu tiếp đến 21 giờ”. Nếu tính 5 năm đến trường, mỗi năm học 9 tháng thì trong 5 năm ấy có tới 16.425 ngày, vị chi anh đã đạp xe cả đi lẫn về từ nhà đến trường hơn 500.000km. Đó mới chỉ là những khó khăn bề ngoài, còn hàng ngàn những khó khăn khác phải cố gắng vượt qua mà chỉ mình anh hiểu thấu…
Bài, ảnh: Minh Châu
 
“Những ngày đầu tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp thu vì nghỉ học quá lâu, mọi kiến thức dường như quên sạch. Cũng may tôi được giảng viên giúp đỡ nhiệt tình, cộng với ước mơ có tấm bằng ĐH nên tôi đã quyết tâm để kéo dài việc học…”, Trần Thị Nghiêm (29 tuổi, hiện là sinh viên năm cuối của Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM), nói.

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)