Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Gian nan “hút” vốn

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Ngân hàng nhà nước (NHNN) vừa tiếp tục nâng lãi suất trên thị trường mở từ 14% lên 15%. Động thái điều chỉnh liên tiếp hai lần trong vòng 1 tháng, và 8 lần kể từ tháng 1/2010 đến nay khiến giới chuyên môn dự đoán cơn khát tiền đồng của khối ngân hàng thương mại (NHTM) khó dịu bớt…

Theo ông Nguyễn Duy Dũng – Tổng giám đốc CTCP xuất nhập khẩu thủy sản Sài Gòn, mức lãi suất huy động 19% mà báo chí đã đề cập mới đây, trên thực tế, là mức cách đây… đã lâu.
Các NH lại đang phải chạy đua hút vốn
Khát tiền đồng mọi ngả

Ông Dũng cho biết trong một cuộc gặp ngoài lề giữa hai bên DN và NH, đã có đại diện NH khẳng định lãi suất huy động hiện nay là 19-20%. “Nếu các vị gửi tiết kiệm vào NH lúc này, thì sẽ có lãi chắc ăn hơn bất cứ dự án nào”. Sau một tuần, ông gọi điện lại, vị giám đốc NH kia cho hay hiện đã nâng huy động lên mức 20,5%. “Như vậy, làm sao DN có thể vay dưới 23%? Tôi cho rằng lãi suất mà DN vay được phải cao hơn mức này vài phần trăm !”.

Một số DN cho biết ở các hợp đồng chưa đáo hạn, NH đã “chủ động” điều chỉnh nâng mức lãi lên. “Có như vậy mới phù hợp với tình hình thực tế của thị trường, và cũng phải vậy mới đúng là lãi suất linh hoạt, thả nổi, NH mới sống được” – đại diện một NH trần tình.
Ông Ngô Thanh Phát – Trưởng phòng phân tích CTCK quốc tế VN, nói: “Hầu hết các ngân hàng đang “loạn” lãi suất vì khát vốn, chứ không phải vì “chiến lược” hay lý do nào khác. Một số NH thậm chí phải cậy nhờ đến CTCK, người quen, huy động vốn hộ. Cá biệt, có NH còn sẵn sàng nâng lãi suất đầu vào lên 22%, nếu khách hàng gửi vốn ủy thác 6 tháng trở lên”.
Trên thị trường địa ốc và chứng khoán, theo ông Phát, nhà đầu tư (NĐT) cũng đã cạn tiền. “Tài sản, vốn liếng của các NĐT đã gần như “chôn” hết vào cổ phiếu, vào bất động sản. Cả một quãng thời gian dài vắng người mua, thiếu kẻ bán, lấy đâu ra tiền mà quay vòng?”.
Thiếu vòng quay tạo tiền
Vắng người mua, thiếu kẻ bán – mô tả này có vẻ hơi quá lời nhưng lại đúng với phần nào hiện trạng trên bình diện rộng của các hoạt động tạo tiền, bao gồm cho vay, sản xuất, kinh doanh, đầu tư… Tiền đồng càng thiếu khi NHNN thực hiện biện pháp nâng các loại lãi suất thị trường mở, tái cấp vốn, tái chiết khấu. Và các NHTM buộc phải kỳ vọng vào nguồn vốn huy động trên thị trường.
1/ Thị trường dân cư và tổ chức kinh tế.
2/ Những NH còn dồi dào tiền mặt, một mặt cho vay trên thị trường. Mặt khác, vẫn tranh đua nâng lãi suất huy động để giữ chân khách hàng. Lãi suất đầu vào cao, đương nhiên lãi suất đầu ra cao. DN không chịu nổi chi phí tài chính lớn, không dám vay, phải thu hẹp hoạt động. Vòng quay cơ bản trong quá trình tạo tiền chậm lại, đình đốn.
Chuyên gia kinh tế Lê Trọng Nhi giả dụ, nếu trần lãi suất được NHNN nâng lên cho đúng với thực tế đang diễn ra, thì cũng không thể nâng cao hơn mức lãi suất huy động thực tế đã vượt trần hiện tại. “Như vậy thì vấn đề không còn là mức lãi suất có được người dân chấp nhận hay không, mà đó là một dấu hiệu của mức lãi suất “thất bại”. Điều này sẽ trực tiếp tác động đến các DN sản xuất và có thể làm tê liệt, hao tổn nhiều nguồn lực kinh tế, như lĩnh vực kinh tế tư nhân – nơi được xem là tạo ra thu nhập và tài sản cho nền kinh tế đất nước trong năm nay” – ông Nhi nói.
Chuyển hướng huy động
Trong tháng 4, tổng số dư tiền toàn hệ thống ước giảm 1,09% so với tháng trước, trong đó tiền gửi bằng đồng giảm 1,84% nhưng tiền gửi bằng ngoại tệ lại tăng 1,46%.

Với vai trò cung vốn cho nền kinh tế, nay, các NH lại đang phải chạy đua hút vốn. Phải chăng, vốn vẫn còn đâu đó trong dân?

Vấn đề đặt ra là: Nếu tiền còn trong dân, sao tiền không “cựa quậy”? Và nếu theo quan điểm đồng tiền không bao giờ nằm yên một chỗ, lúc nào cũng tìm chỗ trũng để chảy vào, để sinh lợi, tại sao lại xuất hiện nghịch lý: Trong thời điểm này, các chỗ trũng cũng… khát tiền?
Số liệu của NHNN chi nhánh TP.HCM cho thấy trong 4 tháng đầu năm, huy động tiền đồng trên địa bàn đông dân nhất nước chỉ đạt 572.148 tỉ đồng, giảm 7% so với cuối năm 2010. Nguyên nhân do người dân chọn gửi tiết kiệm vàng, ngoại tệ để bảo toàn vốn trước “cơn bão” lạm phát.
Với Thông tư 09/2011/ TTNHNN quy định lãi suất vốn huy động tối đa bằng USD từ các tổ chức (trừ tổ chức tín dụng) ở mức 1% một năm và cá nhân là 3% một năm, NHNN đã tỏ rõ kỳ vọng đưa vàng, ngoại tệ trong dân chuyển sang tiền đồng. Nhưng cũng trong tháng 4, tổng số dư tiền toàn hệ thống ước giảm 1,09% so với tháng trước, trong đó tiền gửi bằng đồng giảm 1,84% nhưng tiền gửi bằng ngoại tệ tăng 1,46% . Kết quả ngược với kỳ vọng là minh chứng về việc dù lãi suất huy động tiền đồng ở mức rất cao, người dân vẫn chưa sẵn sàng chuyển đổi ngoại tệ ra nội tệ.
Một chuyên gia nhận xét: “Nếu NHNN vẫn chưa đưa ra được quyết sách chính thức để giải quyết quyền mua bán vàng như một tài sản hợp pháp vàng của người dân, mà mới dừng lại ở Thông tư số 11/2011 yêu cầu các tổ chức tín dụng chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng; đồng thời, vẫn neo tỉ giá ở mức hiện nay, thì chẳng khác nào đi “đắp bờ” hết chỗ này tới chỗ kia, còn để mặc vàng và ngoại tệ như một dòng nước sẽ phải chảy vòng tìm đến chỗ không có “be chắn”. Dòng vốn trong dân chỉ có thể “nắn” được, nếu đảm bảo được quyền lợi và giá trị tài sản mà người dân đang nắm giữ”.
Mặt khác, chuyên gia này nhấn mạnh, với tỉ giá vẫn tiếp tục theo hướng định giá thấp USD, rất có khả năng trong năm nay, nguồn ngoại tệ từ đầu tư nước ngoài và kiều hối của VN sẽ giảm nghiêm trọng.
Có thể nói với những gì đang diễn ra, thì hành trình thu hút vốn từ nguồn tổ chức và dân cư của các NHTM vào lúc này và cả thời gian tới, xem ra, còn không ít gian nan!
Nguồn DĐDN

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)