“Nếu không có lực lượng bảo mẫu, chắc chắn nhà trường không thể duy trì hoạt động bán trú” – hầu hết các hiệu trưởng trường tiểu học trên địa bàn TP.HCM đều khẳng định như thế. Quan trọng là thế nhưng nghề này lại lắm gian nan.
Bảo mẫu Trường Nguyễn Việt Hồng tiếp thức ăn cho HS – Ảnh: H.HG. |
Cô Nguyễn Thị Ánh Tuyết – bảo mẫu ở Trường tiểu học Nguyễn Việt Hồng, Q.3 – kể: “Một ngày làm việc của tôi bắt đầu từ lúc 7g30: giặt khăn, rửa ly, lau chùi các dụng cụ phục vụ bữa ăn, lấy nước uống về từng lớp cho học sinh (HS); mang vác tô, chén, thức ăn lên các tầng lầu (vì trường không có thang máy)… Giờ ra chơi, bảo mẫu có nhiệm vụ giám sát HS vui đùa, chạy nhảy không để cháu té ngã hoặc xô xát với nhau. Hết giờ chơi, khi HS đã vào lớp học, chúng tôi tranh thủ chia thức ăn ra từng phần để 10g30 đón các em lên ăn trưa.
Tiếp đó là dẫn HS đi vệ sinh, đánh răng, rửa mặt rồi đi ngủ. Buổi trưa, khi HS đã ngủ say, chúng tôi tranh thủ ăn cơm nhưng vẫn phải vừa ăn vừa trông HS, nhắc nhở ngay những em không chịu ngủ mà nghịch phá bạn kế bên. Buổi chiều, tiếp tục những công việc cho HS ăn xế, dọn dẹp và lau phòng ngủ, phòng ăn… Công việc của tôi sẽ kết thúc khi em HS cuối cùng được giao trả cho phụ huynh (từ 17g-18g tùy từng ngày)”.
“Lương một đồng…”
Do không có biên chế nên các trường tiểu học phải lấy nguồn quỹ từ phí bán trú để trả lương cho cô bảo mẫu. Bà Trần Thị Hạnh – hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Việt Hồng – nói: “10 năm nay, mức thu phí bán trú vẫn là 30.000 đồng/HS/tháng nên lương bảo mẫu chỉ 600.000-700.000 đồng/người. Lương thấp, không đủ sống nên các cô khó trụ với nghề. Mấy năm gần đây, lực lượng bảo mẫu của trường biến động liên tục, nhiều cô chỉ làm được vài tháng, tìm được việc khác là xin nghỉ”. Năm học 2008-2009, Trường Nguyễn Việt Hồng kêu gọi phụ huynh đóng góp thêm để trả lương cho bảo mẫu. Theo lời bà Trần Thị Hạnh: “Lớp nào phụ huynh ủng hộ 100%, cô bảo mẫu sẽ được hỗ trợ thêm 500.000 đồng/tháng. Còn nếu không đầy đủ thì chỉ được thêm 400.000 đồng hoặc hơn chút đỉnh”.
Cũng tình cảnh tương tự, các cô bảo mẫu ở Trường tiểu học Tô Vĩnh Diện, Q.Bình Thạnh lĩnh lương chỉ 800.000-1 triệu đồng/tháng. “Thời buổi vật giá leo thang như hiện nay, 800.000 đồng không đủ để mua gạo ăn cho gia đình, nói chi đến tiền dưa cà, mắm muối, tiền học cho con…” – một bảo mẫu ở trường này tâm sự.
Năm nay, Q.Phú Nhuận cho phép các trường tiểu học thu phí bán trú 50.000 đồng/tháng/HS để giúp bảo mẫu tăng thêm thu nhập. Bà Đàm Thị Minh Ngọc – hiệu trưởng Trường tiểu học Sông Lô – cho biết: “Những năm trước, lương bảo mẫu chỉ 800.000-850.000 đồng/tháng. Năm nay tăng lên được 1,2 triệu đồng nhưng so với mức sống hiện tại của người dân TP thì vẫn còn thấp lắm”.
Vẫn bám nghề
…Giờ ra chơi ở Trường tiểu học Sông Lô, một HS nữ chạy ngay ra sân trường ôm lấy cô bảo mẫu và thân mật: “Cô Trà, cô Trà, con kể chuyện ma cho cô Trà nghe!” – “Ừ! Con ra chơi với các bạn đi. Tí nữa cô Trà tiếp khách xong cô nghe con kể chuyện nha”. Quay sang chúng tôi, cô Nguyễn Thị Thanh Trà kể: “Năm nay mình phụ trách lớp 1, các em còn nhỏ nên cực hơn các lớp khác. Lớp có hai HS cần chống béo phì – bữa ăn phải ít cơm, nhiều canh và rau. Vậy mà bữa nào em cũng: “Cô Trà ơi, con không muốn ăn cà rốt”, “Cô Trà ơi, con không muốn ăn bí đỏ”. Phải giải thích ăn cà rốt có nhiều vitamin A, giúp con sáng mắt, học giỏi, bé mới miễn cưỡng ăn”.
Bà Trần Thị Hạnh nói: “Nghề bảo mẫu cũng có những áp lực vô hình, phải chăm sóc HS tận tụy trong từng miếng ăn, giấc ngủ như người mẹ thứ hai. Cứ HS lớp nào bị tai nạn là bảo mẫu lớp đó phải chịu trách nhiệm. Nhất là thời kỳ đầu năm học, HS chưa có nề nếp, bảo mẫu cực lắm, cứ phải nhắc nhở, hò hét liên tục. Người nào không yêu trẻ con không thể làm bảo mẫu được”.
Nếu như giáo viên chịu trách nhiệm về chất lượng học tập của HS thì bảo mẫu chịu trách nhiệm về sức khỏe, tác phong sinh hoạt của các em. Cô Ngô Thị Lê – bảo mẫu Trường Nguyễn Việt Hồng – đúc kết: “Bảo mẫu phải nắm tâm lý từng em một mới có phương pháp răn dạy phù hợp. Phải giáo dục các em biết cái đúng, cái sai trong từng cử chỉ, từng sinh hoạt. Mình giữ con người ta cả ngày, đến chiều giao trả cho phụ huynh, quần áo, đầu tóc bé không tươm tất phụ huynh sẽ không hài lòng. Hằng tháng bé không lên cân, phụ huynh phản ảnh với ban giám hiệu trường, bảo mẫu cũng phải chịu trách nhiệm”.
Tuy vậy, họ vẫn yêu nghề, nói như cô Thanh Trà: “HS tiểu học bày tỏ tình cảm rất hồn nhiên và dễ thương lắm. Nghỉ một ngày thôi mình đã thấy nhớ các bé”
Ông Lê Ngọc Điệp (trưởng phòng giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM): Hãy quan tâm đúng mức đến bảo mẫu
Đời sống bấp bênh nên lực lượng bảo mẫu thường biến động, mỗi lần thay bảo mẫu là thay đổi nề nếp, thói quen của HS. Chúng tôi tha thiết kêu gọi xã hội hãy có sự quan tâm đúng mức đến bảo mẫu. Về lâu về dài, tôi nghĩ rằng trường bán trú phải có biên chế bảo mẫu vì đây là nhu cầu có thật của phụ huynh, cũng rất phù hợp với chủ trương học hai buổi/ngày của Bộ GD-ĐT.
|
HOÀNG HƯƠNG (TTO)
Bình luận (0)