Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Gian nan nghề buôn cây cảnh

Tạp Chí Giáo Dục

Thời gian gần đây, thị trường hoa cây cảnh trầm lắng khiến nhiều thương buôn gặp khó khăn rơi vào cảnh nợ nần chồng chất. Tuy nhiên, vì niềm yêu nghề cùng với tình yêu cây, họ vẫn quyết theo nghề tới cùng.

Cây cảnh – loại hàng hóa tâm lý

Mỗi cái cây là một linh hồn sống. Nếu không có cái cây nào trong nhà thì ngôi nhà trông mất vui, điều này khiến cho thị trường cây cảnh sôi động. Có những cây xanh chỉ cần mua qua tay trong vài tiếng cũng lãi tiền trăm, tiền triệu do người mua thích thú, tự trả giá cao.

Ông Kiều, một tay lái cây cho biết: “ Thị trường cây cảnh rất khó nắm bắt, đoán biết vì nó thuộc về vấn đề tâm lý. Có cây, nhìn cũng bình thường nhưng khi gặp người muốn mua do sở thích thì giá thường cao hơn từ 2 – 3 lần giá gốc ban đầu”.

Cây xanh dáng quần tụ ( 5 thân cây chụm lại thành 1 cây)

với giá bán 400 triệu đồng.

Những loại cây mang ý nghĩa như sung, lộc vừng, được chuộng nhất và thường khan hàng vào dịp tết do người mua muốn mang lại may mắn, sung túc cho gia đình mình trong cả năm. Những loại cây này muốn được giá phải là những cây đã có hoa, quả. Cây giá cao phải là những cây mang dáng vẻ riêng như dáng trùm, dáng long…

Đối với cây cảnh như đa, xanh dù có đẹp đến đâu nếu như không gặp được khách thích thì không được giá. Anh Thành, một người buôn cây cho biết: “ Những cây có giá từ vài chục triệu đến vài trăm triệu thường khó bán, chỉ những người thuộc hàng giàu có mới dám mua. Họ mua không chỉ vì thích mà còn vì niềm tin tâm linh, mua cây về tức mang lộc về nhà”.

Bên cạnh đó, người mua cây cũng lựa chọn cây cảnh theo bề thế, địa vị của mình. Cây càng có giá cao càng được săn lùng, ưa chuộng. Vì thế, cây cảnh là loại hàng hóa phụ thuộc vào tâm lý của người sử dụng.

Vốn đầu tư lớn thu hồi chậm

“Dạo cây cảnh sốt giá, tôi đi thu mua hàng vài chục cây cảnh có giá từ vài chục triệu trở nên để khi được giá thì bán nào ngờ sau đó thị trường khá trầm lắng. Hiện tại, số vốn tôi bỏ vào đấy đã lên vài tỷ đồng nhưng chưa thu lại được bao nhiêu”- anh Thành cho biết thêm.

Cùng với anh Thành, anh Duyệt, một người buôn cây quy mô nhỏ tâm sự: “ Vốn đầu tư vào cây cảnh khá lớn, tôi không có nhiều vốn nhưng vì theo nghề nên đi vay mượn. Giờ số vốn tôi đổ vào đây cũng lên gần 1 tỷ, chủ yếu là vay mượn. Thị trường trầm lắng thế này, không khéo phải bán lỗ vốn để trả nợ. Làm cái nghề này cũng do may hên mới giàu được”.

Không chỉ có vậy, để có được những cây đáng giá, thương buôn còn phải đi khắp nơi kiếm hàng. Vất vả, gian nan là thế nhưng có nhiều khi bị các thương buôn lớn hơn ép giá đành phải bán lỗ vốn để trang trải nợ nần. Với tôi, mỗi cái cây cũng quý như sinh mệnh của mình – đó là lời tâm sự của anh Thụ, chủ vườn cây tại Kim Động, Hưng Yên.

Nhiều khi muốn bỏ nghề nhưng vốn cho vào đó quá lớn mà chưa lấy lại được đành phải theo nó tiếp. Đã theo nó thì phải theo đến cùng, dù có tán gia bại sản bởi buôn cây không chỉ bởi ợi ích kinh tế mà còn do tình yêu đối với cây.

Bên cạnh đó, thị trường cây cảnh cũng chịu ảnh hưởng từ nền kinh tế. Nếu vào dạo sốt giá, các đại gia đi săn lùng các cây xanh, đa có giá vài trăm triệu trở nên để trưng bày ở nhà thì nay im ắng. Lí giải điều này, nhiều thương buôn cho biết do thị trường bất động sản đóng băng nên số lượng người mua cây có giá trị lớn giảm hẳn.

Hiện nay, nhiều nơi người ta gây dựng phong trào chơi cây, thành lập các quỹ hội sinh vật cảnh… nhằm gây dựng và khôi phục lại thị trường cây cảnh.

Hồng Mây

Theo Lao Động

Bình luận (0)