Phân loại rác tại nguồn góp phần giảm thiểu tổng lượng rác thải ra môi trường, hạn chế ô nhiễm, tiết kiệm chi phí và thời gian vận chuyển, thu gom.
Do chưa được phân loại rác tại nguồn nên tổng lượng rác thải ra môi trường ngày càng lớn
Bà Nguyễn Thị Thúy (đại diện một hộ thu gom rác dân lập tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) ngao ngán: Rác sinh hoạt của các gia đình thải ra tại địa bàn thu gom, chúng tôi chưa thấy một hộ nào quan tâm đến phân loại, tất cả đều cho vào một bao hoặc thùng. Theo quy định, chúng tôi phải thu gom, vận chuyển riêng nhóm chất thải hữu cơ vào thứ hai, thứ tư, thứ sáu và chủ nhật. Nhóm chất thải còn lại thu gom vào ngày lẻ. Tuy nhiên, việc phân loại tại hộ gia đình chưa thực hiện được đã ảnh hưởng đến công tác thu gom.
“Nếu hộ gia đình hoặc chủ nguồn thải không thực hiện phân loại rác và chuyển giao chưa đúng quy định thì đơn vị thu gom được quyền từ chối thu gom. Quy định là vậy nhưng chúng tôi không thể không làm vì người dân lên tiếng, thậm chí nặng lời vì rác tồn đọng. Nếu đã được phân loại, chúng tôi đỡ cực và không phải mất thời gian”, bà Thúy nói.
Ông Ngô Văn Tới (cán bộ hưu trí, ngụ chung cư Đoàn Văn Bơ, P.12, Q.4) phàn nàn, nhắc đến phân loại rác tại nguồn, nhiều người cho rằng đấy là việc của người thu gom chứ không phải việc của mỗi hộ gia đình. Qua các cuộc họp tổ dân phố, chúng tôi thường xuyên vận động người dân trang bị thùng rác, hướng dẫn phân loại, đến nay có phần chuyển biến tích cực nhưng cũng chẳng mấy hộ làm được.
“Phân loại rác tại nguồn không quá khó khăn, chỉ cần trang bị hai thùng rác là sạch sẽ gọn gàng đâu vào đó, quan trọng là người dân có chịu làm hay không. Người lớn không làm được thì đừng kỳ vọng gì ở trẻ nhỏ trong ý thức bảo vệ môi trường sống”, ông Tới nói.
Chị Lưu Thị Tâm (cán bộ Hội Phụ nữ P.Tân Kiển, Q.7) cho biết, từ tháng 11-2018 đến nay, riêng Hội Phụ nữ phường đã triển khai nhiều đợt tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện phân loại chất thải rắn. Tuy nhiên, hiệu quả chưa như mong muốn do ý thức của người dân còn hạn chế.
Đại diện Công ty Dịch vụ công ích Q.3 cho rằng nhiều hộ trước đây đã thực hiện phân loại rác tại nguồn nhưng con số này giảm nhiều vì cho rằng đơn vị thu gom không tuân thủ theo quy định, bỏ chung rác hữu cơ vào với các loại rác thải khác. Tuy nhiên đơn vị này giải thích do điều kiện khách quan, chưa trang bị xe rác nên sử dụng xe có vách ngăn, một bên chứa rác thải hữu cơ, bên còn lại là rác thải khác khiến người dân hiểu sai.
Ông Lê Trung Tuấn Anh (Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn – Sở TN-MT TP.HCM) khẳng định, đến thời điểm này một số quận, huyện đã thực hiện khá tốt phân loại rác tại nguồn theo Quyết định 44 của UBND TP. Hạn chế do còn vướng về phương tiện thu gom đối với các đơn vị rác dân lập. Có nơi, lượng rác thải ra nhiều, các công ty dịch vụ công ích cũng như rác dân lập đã chủ động thu gom rác vào tất cả các ngày trong tuần chứ không theo quy định rác thải phải gom vào thứ hai, thứ tư, thứ sáu và chủ nhật.
Ngày 14-11-2018, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định 44/2018/QĐ-UBND quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn. Các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn có hoạt động phát sinh chất thải rắn sinh hoạt phải thực hiện phân loại. Theo đó, từ 24-11-2018, chất thải rắn sinh hoạt phải được quản lý chặt chẽ nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu những tác động có hại đối với môi trường và sức khỏe con người. Chất thải phân loại tại nguồn phù hợp với mục đích quản lý, xử lý thành 3 nhóm: nhóm chất thải hữu cơ dễ phân hủy (nhóm thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật); nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế (nhóm giấy, nhựa, kim loại, cao su, ni-lông, thủy tinh); nhóm chất thải còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, chủ nguồn thải). |
Theo Sở TN-MT TP.HCM, mỗi ngày TP thải ra gần 9.000 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó 76% được xử lý bằng biện pháp chôn lấp do chưa thực hiện phân loại. TP đang phấn đấu đạt tỷ lệ này là 50% vào năm 2020 và 20% vào năm 2050.
Phó Giám đốc Sở TN-MT TP, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ lo ngại: “Để đạt được tỷ lệ này, hiểu biết của người dân về phân loại rác tại nguồn là vô cùng quan trọng, bắt buộc mỗi hộ phải thực hiện. Đã có nhiều kênh thông tin, tuyên truyền cũng như hướng dẫn phân loại rác nhưng nơi làm nơi không, ảnh hưởng đến nỗ lực chung của các quận”.
Bài, ảnh: T.Anh
Bình luận (0)