Học viên khi học ngoại ngữ mặc cảm, sợ bị chê trách nói, viết sai, người học thiếu tự tin trong học tiếng Anh.
Ngày 7-12, Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức Hội thảo “Nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong các trường chuyên nghiệp của TP.HCM theo Đề án 2020”. Tại đây, các đại biểu đã chỉ ra thực trạng trình độ tiếng Anh của sinh viên (SV) trong các trường chuyên nghiệp, chương trình dạy và điều quan trọng là trình độ giảng dạy tiếng Anh của giáo viên cũng đáng xem lại, kể cả chương trình giảng dạy hiện nay…
ThS Trần Xuân Ngọc Bách, Trưởng khoa Ngoại ngữ Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Phú Lâm, nhận xét: Học viên các trường khối giáo dục chuyên nghiệp rất yếu về ngoại ngữ. Khi tách rời các bài kiểm tra chương trình phổ thông để kiểm tra lại bằng các chuẩn đánh giá quốc tế, người học chứng tỏ sự yếu kém về năng lực học và sử dụng tiếng Anh; không có những kỹ năng, thói quen nền tảng trong học ngoại ngữ, kể cả kỹ năng suy luận lắp ghép các mẫu câu, kỹ năng tra từ điển, suy đoán, phản xạ và tự học. Điều đáng quan tâm nhất là học viên khi học ngoại ngữ mặc cảm, sợ bị chê trách nói, viết sai, người học thiếu tự tin trong học tiếng Anh.
Trong hoàn cảnh tuyển sinh chất lượng đầu vào tiếng Anh rất thấp thì việc đáp ứng chuẩn đầu ra sẽ rất gian nan. Trong ảnh: Tuyển sinh hệ trung cấp năm 2012 tại TP.HCM. Ảnh: HTD
Năm 2011, khảo sát 6.000 HS-SV của nhà trường, trình độ tiếng Anh đầu vào của đa số HS-SV trung cấp là vỡ lòng (hơn 90%). Các SV chuyên ngữ có kỳ kiểm tra tiếng Anh dựa vào chuẩn TOEIC, chuẩn đầu vào của đối tượng này đạt trình độ sơ cấp là 60%, sơ trung cấp là 35% và trung cấp đạt 1%. Trong hoàn cảnh tuyển sinh chất lượng đầu vào tiếng Anh rất thấp thì việc đáp ứng chuẩn đầu ra sẽ rất gian nan.
Ông Đặng Cao Đẳng, Tổ trưởng tổ ngoại ngữ Trường Trung cấp Việt Khoa, phân tích thêm nguyên nhân học viên ngán học tiếng Anh là vì chương trình SGK đổi mới rất hay nhưng độ khó cũng cao hơn, đối với những học viên mất căn bản ở bậc phổ thông thì không thể theo học được. Vì vậy, nhiều học viên trung cấp không kham nổi chương trình.
Giảng viên Phạm Hoàng Minh Thảo (CĐ Công nghệ Thủ Đức) cho biết: Khả năng tiếng Anh của SV bậc CĐ chỉ đạt trong khoảng 360-370 điểm TOEFL hoặc 3,5 điểm IELTS, đây là mức thấp so với thế giới, ở trình độ này SV chưa thể tham gia vào các cuộc trao đổi ý kiến dù ở mức thấp nhất mà chỉ tiếp cận những thông tin đơn giản trong những bối cảnh quen thuộc. “50% SV cho biết có đi học thêm tiếng Anh. Đây là con số đáng báo động cho thấy chương trình đào tạo hiện nay không đáp ứng được nhu cầu học tập của một nửa số SV trong chương trình dù họ vẫn tham gia mọi giờ lên lớp, mọi bài kiểm tra và đa số điểm đạt” – giảng viên Minh Thảo phân tích thêm.
Đến năm 2020, thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, CĐ và ĐH có đủ năng lực sử dụng ngoại ngữ (tiếng Anh) độc lập, tự tin trong giao tiếp, làm việc trong môi trường hội nhập. Sở GD&ĐT TP.HCM, các trường rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ giảng viên ngoại ngữ để xây dựng quy hoạch, kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Khuyến khích mạnh mẽ, tạo cơ chế thuận lợi để các trường liên kết, hợp tác giảng dạy, tuyển dụng người Việt Nam ở nước ngoài hoặc người nước ngoài dạy ngoại ngữ trong nhà trường.
TS NGUYỄN NGỌC HÙNG, Trưởng bộ phận thường trực Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 (Bộ GD&ĐT)
|
QUỐC VIỆT (PL)
Bình luận (0)