Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Gian nan xuống núi tìm con chữ miền giá lạnh

Tạp Chí Giáo Dục

Đường đến trường của những đứa trẻ Nặm Dân phải men theo bìa rừng, một bên là vực sâu, bên kia là vách núi… Chúng vừa đi vừa hát để đỡ sợ.
Gian nan xuống núi tìm con chữ miền giá lạnh - Ảnh 1.

Em Bàn Thị Huyền là "chị cả" của đám trẻ Nặm Dân. Huyền đi học với các em, còn gùi thêm một bó cây rừng nặng 7kg giúp mẹ ra chợ – Ảnh: CHÍ TUỆ

Những ngày này, bất chấp giá lạnh dưới 10 độ C, những đứa trẻ ở Nặm Dân (thuộc xóm Bản Chang, xã Thành Công, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) vẫn miệt mài men theo đường rừng xuống núi tìm con chữ. Chúng đi khi gà vừa gáy, kịp xuống trường cũng vừa lúc trời sáng tỏ mặt người.

Con đường từ nhà các em tới trường dài hơn 7km thì một nửa là đường rừng, một bên là vực sâu và phải đi qua một con suối. Không có đường, không có điện, những đứa trẻ ở Nặm Dân mò mẫm con đường mòn ở bìa rừng để đi. 

Đường đi nhiều hiểm nguy, đám trẻ lấy tiếng hát "át nỗi sợ", chúng vừa đi vừa hát, cười đùa cho đến khi dừng chân trước cổng trường học.

Gặp rắn, gặp rết, đi miết rồi cũng quen

Gian nan xuống núi tìm con chữ miền giá lạnh - Ảnh 2.

Em Lý Thị Phương có hoàn cảnh khó khăn nhất trong đám trẻ ở Nặm Dân. Mới đây em bị té bầm tím hết mặt mày trên đường – Ảnh: CHÍ TUỆ

Đông đến, miền sơn cước rét đến thấu xương. Nhiệt độ có hôm xuống dưới 10 độ C, đêm đến nhiệt độ giảm sâu xuống còn 3-4 độ C. 

Từ 5h sáng, em Bàn Thị Huyền, Bàn Thị Sâm, Lý Thị Phương, Bàn Nhân Vượng và Bàn Đức Lượng (ở Nặm Dân, thuộc xóm Bản Chang, xã Thành Công) í ới gọi nhau dậy, băng rừng, vượt suối xuống học chữ ở điểm trường Bản Công (thuộc Trường Tiểu học xã Thành Công).

Cuốc bộ 7km đường đồi núi hiểm trở từ nhà đến trường là thách thức mà năm đứa trẻ này phải vượt qua hằng ngày. Chúng đi từ lúc trời chưa sáng rõ mặt người, hơn một giờ đồng hồ băng rừng mới đến được trường với quyết tâm học lấy con chữ thoát cái đói, cái nghèo bủa vây lấy bản làng suốt bao đời nay.

Bàn Thị Huyền là "chị cả" của đám trẻ. Nay Huyền đã lên lớp 9, đi học xa nhà và đến cuối tuần mới về thăm, tranh thủ giúp mẹ đưa hàng hóa ra chợ bán rồi cùng các em ở bản đi học. Không chỉ mang theo cặp sách, Huyền còn gùi thêm bó cây rừng phăm phăm đi trước dẫn đường, vừa đi vừa hát, vừa trêu đùa với mấy đứa nhỏ.

Gian nan xuống núi tìm con chữ miền giá lạnh - Ảnh 3.

Đường đến trường của những đứa trẻ Nặm Dân phải men theo bìa rừng để đi – Ảnh: CHÍ TUỆ

"Em đi học cả tuần không giúp được mẹ, về nhà là tranh thủ đi lấy củi, chăn trâu. Niềm vui lớn nhất của em suốt 9 năm qua là vẫn được đi học, ở lớp có một số bạn bỏ học vì nhà xa rồi", Huyền tự hào.

Trước đây, chỉ có Huyền là đứa trẻ duy nhất của vùng này được đi học. Em nói đi miết rồi quen, chẳng sợ gì hết.

"Mình em đi học trên con đường này, vừa đi vừa hát cho hết sợ hãi. Nay có các em đi nữa, mấy năm nữa thôi thì chúng cũng quen như em thôi", Huyền vừa đi vừa nhắc đám trẻ nhanh chân lên cho kịp giờ học.

Bàn Thị Sâm năm nay lên lớp 5, là em gái của Huyền. Chị Huyền đi học xa cuối tuần mới về, Sâm thay chị đưa các em ở Nặm Dân đi học mỗi ngày.

"Quen rồi, không mệt đâu à. Nhưng vẫn sợ nhất là con rắn, thấy nó là tránh sang một bên hay lấy đá ném cho rắn bò đi", Sâm vừa kể vừa quan sát đường đi phía trước.

Gian nan xuống núi tìm con chữ miền giá lạnh - Ảnh 4.

Đường đến trường của trẻ Nặm Dân – Ảnh: CHÍ TUỆ

Thằng bé Bàn Nhân Vượng trông chững chạc hơn vì là thằng con trai duy nhất không sợ con rắn, không sợ con rết dọc đường đi. 

"Trước đây Vượng lười đi học vì sợ, mẹ phải gọi em dậy sớm, có hôm còn đánh cho chừa. Giờ Vượng tự dậy sớm, gọi các em đi học", Vượng khoát tay nói chị Sâm đừng sợ. 

"Nhưng học về muộn, trời tối thì mấy đứa con gái có hơi sợ sợ chút", Vượng gãi đầu gãi tai nói. "Em muốn đi học, muốn trở thành thầy giáo".

Trong đám trẻ này, con bé Lý Thị Phương có hoàn cảnh khó khăn nhất, được đám trẻ "ưu ái" chăm sóc và quý mến hơn. "Em nó bị thiểu năng trí tuệ", chị Sâm nói, "Nó học không vào". 

Bé Phương dù năm nay lên 10 tuổi nhưng cô giáo xếp vào học lớp 2. Trước đây gia đình gửi Phương xuống học ở một trường khuyết tật của huyện, nhưng năm nay em được gửi về học ở trường làng.

Sâm kể, mấy ngày trước em Phương đi học về mải ham vui, muốn hái quả xoài nên trượt chân té ngã, sưng sẩy, tím tái hết mặt mày. 

Một bên là vách núi, bên kia là vực sâu, giữa đường đi có một con suối sâu nên ai ai cũng lo đám trẻ đi học nguy hiểm luôn rình rập. Nhưng chỉ có con đường mòn duy nhất dẫn đến trường mà thôi!

Gian nan xuống núi tìm con chữ miền giá lạnh - Ảnh 5.

Mỗi ngày vượt quãng đường rừng núi hiểm trở hơn 7km, nhóm học sinh ở Nặm Dân mới đến được trường học – Ảnh: CHÍ TUỆ

"Con nhớ: không la cà dọc đường"  

Để có sức cho đám trẻ băng rừng, bố mẹ của chúng sáng nào cũng dậy thật sớm, chuẩn bị cơm nước cho con ăn no cái bụng. Chị Lý Thị Bích (32 tuổi) ngày nào cũng dậy thật sớm trước con trai, nấu nồi cơm thật lớn cho cả nhà, đến 5h chị đánh thức con trai là Bàn Nhân Vượng dậy đi học.

"Mới đầu cháu nó sợ đi học lắm, nhưng bố mẹ khuyên cháu nó phải học chữ. Giờ mưa to, gió lớn nó cũng đi. Mưa lũ thì bố mẹ đưa con qua con suối đi học, tối lại ra suối đợi con đi học về. Mẹ luôn dặn em không được la cà dọc đường, tan trường là về nhà ngay. Nhưng trẻ con mà, ham vui lắm, có hôm trời tối mịt vẫn chưa thấy con về là phải vội vã xuống suối tìm", chị Bích kể.

Ở nhà khó khăn, vợ chồng chị Bàn Thị Em (27 tuổi) lặn lội xuống tỉnh Bắc Ninh kiếm việc làm thêm, cứ 2-3 tháng chị mới về thăm con một lần. Đầu tháng 12 nghe tin con bị ốm, chị vội vã bắt xe về nhà và tìm đủ bài thuốc chữa bệnh cho con. 

Thằng bé Bàn Đức Lượng – con trai của chị năm nay vào lớp 1, không có bố mẹ ở nhà bảo ban nhưng Lượng ham học lắm, ngày nào cũng bám theo các anh chị lớn ở bản để đến trường.

Gian nan xuống núi tìm con chữ miền giá lạnh - Ảnh 6.

Đây là em Bàn Thị Sâm ở Nặm Dân. Sâm ham học chữ, học giỏi nhất trong đám trẻ và luôn chăm sóc các em nhỏ hơn suốt chặng đường đi học – Ảnh: CHÍ TUỆ

Chị Em nhớ lại hai năm về trước, ngày nắng cũng như ngày mưa chị đều cõng con trai xuống núi học lớp mẫu giáo, đợi đến trưa mới cõng về nhà. 

"Thằng Lượng thích đi học, không có mẹ ở nhà vẫn thức dậy sớm đi học. Nó mới vào lớp 1 nên đi còn chậm lắm, các anh chị phải đứng lại chờ em đi cùng", chị Em xoa đầu con trai lớn rồi chị vừa ru vừa tâm sự với bé con đang ẵm trong tay: "Bé Tôm nữa nhỉ, sang năm mẹ cũng cõng bé Tôm đi học, rồi đợi Tôm lớn anh Lượng đưa em đi học nhỉ".

Mỗi ngày vượt quãng đường rừng núi hiểm trở hơn 7km, nhóm học sinh ở Nặm Dân mới đến được trường học. Cô Bàn Thị Thanh (giáo viên lớp 4) không khỏi xúc động nhìn những đứa trẻ đến lớp với chân tay lấm lem bùn đất, ướt hết quần áo khi trời mưa lớn. 

"Đường đến trường khó khăn, có đứa run bần bật vì lạnh nhưng các em chịu khó lắm. Ngôn ngữ phổ thông còn hạn chế nên các em ham con chữ lắm. Thương các em, thầy cô cũng nhiều lần cuốc bộ lên Nặm Dân động viên bố mẹ, động viên các em đến trường" – cô Thanh nói.

Gian nan xuống núi tìm con chữ miền giá lạnh - Ảnh 7.

Các em nhỏ Nặm Dân trong lớp học – Ảnh: CHÍ TUỆ

Sống tách biệt không điện, không đường

Con đường dẫn lên nhóm 12 hộ dân ở Nặm Dân ngoằn nghèo, hiểm trở, đi lên cao, cao nữa mới thấy những ngôi nhà trình tường độc đáo của bản người Dao tiền hiện ra trước mắt.

Anh Bàn Tuấn Thắng (38 tuổi) kể rằng trước chỉ có ba hộ dân lên vùng đất này khai hoang, lấy tên là Nặm Dân. Dần dần người dân kéo lên đây phát nương làm rẫy, dựng nhà. 

Đến nay có 12 hộ dân cùng sinh sống, lập nghiệp với hơn 60 nhân khẩu. Suốt 38 năm lớn lên tại mảnh đất này, anh Thắng nói đã quen với cảnh sống không có điện, không có đường. 

Mấy năm nay người dân sáng tạo hơn, sử dụng sức nước từ khe núi, nối đường ống vào thắp sáng được cái bóng đèn cho vài ba hộ dân. Tuy nhiên, hầu hết bà con vẫn phải dùng đèn dầu, đèn pin để thắp sáng, trẻ con học bài cũng nhờ ánh sáng leo lắt từ ngọn đèn dầu.

Không đường, thậm chí không có điện nên đời sống kinh tế của bà con rất vất vả, không thuận lợi cho việc trao đổi, buôn bán bên ngoài mà chỉ tự cung, tự cấp. 

"Nhà nào trồng được củ dong, củ khoai hay vài bao thóc cũng phải vác bộ xuống đường lớn. Khó khăn lắm, nhưng không xuống núi đâu, nhà cửa, ruộng vườn mình ở đây, xuống kia không có đất làm ăn. Chỉ mong có con đường đi rộng rãi cho trẻ con bớt khổ", anh Thắng bày tỏ.

Ông Bàn Văn Sơn, chủ tịch UBND xã Thành Công cho biết, học sinh ở Nặm Dân (thuộc Bản Chang) đi học hết sức vất vả, khó khăn. Mỗi năm người dân Bản Chang đều góp 5 ngày công để giúp làm đường cho bà con và con em Nặm Dân dễ dàng xuống núi.

Chính quyền xã đã tính đến phương án dồn dân – đưa đồng bào ở Nặm Dân xuống tái định cư song việc dồn dân ở vùng sâu, vùng xa hết sức khó khăn vì bà con đã định cư bao đời nay, quen phong tục, tập quán ở đây.

"Cả xã có Nặm Dân và 4 xóm: Lục Quang, Nà Mán, Nặm Tòng, Khau Vai là chưa có điện. Chính quyền đia phương cố gắng trong giai đoạn 2018-2020 sẽ mở đường, mở đường điện cho bà con đỡ vất vả", ông Sơn cho biết.

HÀ THANH – CHÍ TUỆ/ TTO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)