Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giảng dạy tiếng Anh trong các trường ĐH: kém vì thiếu chuẩn

Tạp Chí Giáo Dục

Sinh viên Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) trong giờ học tiếng Anh – Ảnh: Tuổi Trẻ

51,7% SV tốt nghiệp không đáp ứng được yêu cầu về kỹ năng tiếng Anh. Đó là kết quả khảo sát được Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) thống kê từ báo cáo về tình hình giảng dạy tiếng Anh của 59 trường ĐH không chuyên ngữ trong cả nước.

> Vì sao sinh viên ra trường không nói được tiếng Anh?

Con số này được công bố tại hội thảo “Đào tạo tiếng Anh trong các trường ĐH không chuyên ngữ” do Bộ GD-ĐT phối hợp với Viện Khảo thí giáo dục Hoa Kỳ vừa tổ chức tại Hà Nội.

Chưa đủ năng lực giao tiếp hằng ngày

“Chỉ 10,5% số trường ĐH đã thực hiện khảo sát đánh giá khả năng đáp ứng yêu cầu công việc về kỹ năng sử dụng tiếng Anh của SV tốt nghiệp. Kết quả cho thấy khoảng 49,3% SV đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng, 18,9% SV không đáp ứng được và 31,8% SV cần đào tạo thêm” – bà Trần Thị Hà, vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), cho biết.

Bà Hà nhìn nhận trình độ và hiệu quả sử dụng tiếng Anh của SV Việt Nam thấp so với các nước trong khu vực và so với yêu cầu làm việc sau khi tốt nghiệp. SV chưa đủ năng lực để sử dụng tiếng Anh làm phương tiện học tập, tham khảo tài liêu, thậm chí để giao tiếp hằng ngày.

Một trong những nguyên nhân quan trọng hàng đầu, theo bà Trần Thị Hà, là do chưa thống nhất được chuẩn các cấp độ tiếng Anh để làm chuẩn cho các chương trình giảng dạy và biên soạn giáo trình, sách giáo khoa theo kịp các chuẩn quốc tế và khu vực.

Việc kiểm tra, đánh giá kết quả dạy và học tiếng Anh vẫn chủ yếu tập trung vào kỹ năng đọc và làm bài tập ngữ pháp, chưa quan tâm đến đánh giá kỹ năng giao tiếp. Bên cạnh các hạn chế về đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất, việc thiếu tính liên thông giữa các chương trình dạy ngoại ngữ ở các cấp học và thời lượng dành cho môn tiếng Anh còn hạn chế cũng làm ảnh hưởng đến hiệu quả dạy và học tiếng Anh trong các trường ĐH. 

Phải có chuẩn đánh giá

 

Từ năm 2012 sẽ triển khai giảng dạy các môn chuyên ngành của bốn ngành công nghệ thông tin, tài chính – ngân hàng, quản trị kinh doanh và du lịch bằng tiếng Anh. Tiến tới năm 2020, các trường tổ chức dạy các môn chuyên ngành có nhu cầu xã hội cao bằng tiếng Anh.

Bà Trần Thị Hà, vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT)

Thứ trưởng thường trực Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long cho biết trong số những giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo tiếng Anh trong các trường ĐH không chuyên ngữ, bộ khuyến khích các trường cần xây dựng hệ thống chuẩn có tính thống nhất và tính quốc tế về các cấp trình độ sử dụng mà SV phải đạt được sau mỗi khóa học. Bộ cũng yêu cầu các trường cần khuyến khích và tạo điều kiện tối đa trong việc tổ chức các lớp học tiếng Anh có trình độ SV đồng đều bằng hình thức kiểm tra đầu vào để xếp lớp.

Theo ông Long, để tăng hiệu quả trong dạy và học tiếng Anh, các trường cần phải tổ chức kiểm tra đầu vào để phân loại, sắp xếp những SV có cùng trình độ vào một lớp, phân chia thành từng cấp độ liên thông tiếp nối nhau trong chương trình đào tạo. Phương thức đào tạo này có thể cho phép SV học trước hoặc rút ngắn thời gian học tiếng Anh nếu đã có chứng chỉ phù hợp. Các trường cùng khối ngành phối hợp xây dựng chương trình chi tiết môn tiếng Anh theo chuẩn năng lực sử dụng tiếng Anh và thông báo công khai cho người học.

Tóm lại, theo các cán bộ quản lý cũng như nghiên cứu tham dự hội thảo, muốn thay đổi phương pháp giảng dạy và đánh giá, trước hết cần phải có được chuẩn đánh giá trình độ lúc bắt đầu khóa học, kết thúc từng giai đoạn và tốt nghiệp.

Qua các ý kiến của đại diện các trường ĐH tại hội thảo cho thấy đa số các trường ĐH có xu hướng chọn TOEIC làm chuẩn đánh giá trình độ tiếng Anh đầu vào và chuẩn trình độ tốt nghiệp đối với SV. Từ chỗ có sáu trường áp dụng chuẩn tiếng Anh TOEIC năm 2006, đến nay đã có 21 trường áp dụng chương trình đào tạo và xây dựng đánh giá trình độ tiếng Anh của SV từng ngành đào tạo theo chuẩn TOEIC.

Đại diện các trường ĐH đã áp dụng chuẩn TOEIC như ĐH Ngân hàng TP.HCM, ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), ĐH Ngoại thương, ĐH Thương mại… đều có cùng đánh giá việc áp dụng TOEIC làm chuẩn đánh giá trình độ tiếng Anh cho SV trên thực tế đã đáp ứng được nhu cầu của người học và nhà tuyển dụng, phù hợp với mục tiêu đào tạo của nhà trường, có tác động tích cực rõ rệt đến phương pháp và hiệu quả giảng dạy tiếng Anh trong trường ĐH.

Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Hà, hiện mức chuẩn TOEIC ở các trường đã áp dụng đặt ra cho SV tốt nghiệp còn rất khác nhau, chênh lệch khá lớn trong khoảng từ 350-670 điểm. Ông Vũ Đình Thành, hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho hay với điều kiện tuyển sinh SV từ nhiều vùng miền trong cả nước, có trình độ tiếng Anh rất khác biệt như hiện nay, việc áp dụng chuẩn quốc tế đầu ra cũng là một trở ngại lớn đối với một số SV bị mất căn bản tiếng Anh từ bậc THPT. Ngoài ra, chi phí thi chứng chỉ quốc tế cũng là “vấn đề” đối với nhiều SV có hoàn cảnh khó khăn.

THANH HÀ (TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)