Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Giảng dạy tiếng Anh trong nhà trường: Cần có sự đổi mới mạnh mẽ

Tạp Chí Giáo Dục

HS bậc THCS đang tham dự cuộc thi vấn đáp (nghe – nói) tiếng Anh

Đổi mới phương pháp giảng dạy, từ chú trọng kỹ năng đọc, viết sang chú trọng toàn diện 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết là một trong những nhiệm vụ mà Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 của Bộ GD-ĐT đề ra đối với các trường học. Qua đó đến 2020, thanh niên Việt Nam có thể sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp. 

Tuy nhiên, đến nay đề án đã triển khai thực hiện hơn 4 năm mà kết quả đạt được ở người học lại vô cùng thấp.

Chưa dứt lối dạy truyền thống

ThS. Trần Tín Nghị, Phó Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho rằng phần lớn sinh viên (SV) mất căn bản ở kỹ năng nghe, nói, đặc biệt là kỹ năng nghe dẫn đến không đạt yêu cầu. Riêng bậc THPT, tại kỳ thi THPT quốc gia vừa rồi, rất nhiều học sinh (HS) bỏ trống phần thi tự luận dù phần này không khó và gần gũi với các em. Nguyên nhân xuất phát từ việc các trường chỉ tập trung luyện kỹ năng làm bài cho HS thay vì dùng bài thi để phục vụ cho việc đánh giá, khảo sát, phân loại năng lực HS cho các bậc học tiếp theo. Nhiều HS đã xem tiếng Anh là môn xét tốt nghiệp nên các em chỉ cần làm bài đủ điểm để tránh bị điểm liệt là được.

Ở bậc THPT, lẽ ra phải có sự thay đổi rất sớm, tuy nhiên hiện tại, các kỹ năng nghe, nói vẫn chưa được chú trọng. Một HS lớp 12D Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (năm học 2014-2015) cho biết, đối với HS ban D, thời lượng học tiếng Anh là 6 tiết/tuần. Đa số thời gian tập trung cho học đọc, viết, chỉ những HS học chương trình tiếng Anh tăng cường mới có nhiều cơ hội nghe, nói. Năm lớp 12, ngữ pháp được chú trọng hơn để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia.

Trong khi đó ở bậc ĐH, theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay SV khóa 2013 của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM vẫn đang phải học tiếng Anh theo chương trình cũ, chỉ được học 2 kỹ năng đọc, viết. Còn 2 kỹ năng nghe, nói không có, mặc dù yêu cầu đầu ra SV phải đạt trình độ B1.2 – tương đương với các chứng chỉ: VNU-EPT 176, IELTS 4.0, TOEFL (iBT) 32…  Trước vấn đề này, nhiều SV khóa 2013 đã thắc mắc tại sao nhà trường chỉ dạy 2 kỹ năng, trong khi thi các chứng chỉ trên phải làm đến 4 kỹ năng. Đáp lại, đại diện nhà trường giải thích, năm học 2012-2013, đề án chương trình tiếng Anh tăng cường, giảng dạy đồng đều 4 kỹ năng được xây dựng nhưng không áp dụng kịp cho SV khóa 2013. Do đó, nhà trường mong các SV nỗ lực hơn.

Đưa kỹ năng nghe, nói vào kỳ thi THPT

Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 triển khai thực hiện đến nay đã hơn 4 năm, đã tạo được chuyển biến trong nhận thức xã hội, từ người dạy, người học về ý nghĩa, tầm quan trọng của ngoại ngữ đối với chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại việc dạy học đang dần chạy theo hệ quả ngược của quá trình dạy học và mong muốn có sự thay đổi.

Các trường chỉ tập trung luyện kỹ năng làm bài cho HS thay vì dùng bài thi để phục vụ cho việc đánh giá, khảo sát, phân loại năng lực HS cho các bậc học tiếp theo.

Thầy T., giáo viên tiếng Anh tại một trường THPT ở Q.3 (TP.HCM), chia sẻ: Giáo viên phải giảng dạy theo quy định từ thời gian đến khung chương trình. Ở kỳ thi THPT, nếu vẫn phát huy lối thi đọc, viết thì giáo viên cũng phải tập trung dạy 2 kỹ năng này và người học cũng tương tự. “Nên tăng cường kỹ năng nghe, nói trong giảng dạy và đưa vào kỳ thi một cách bắt buộc. Có nghĩa các kỹ năng này sẽ được đánh giá. Từ đó, người dạy và người học sẽ phải chú trọng”, thầy T. cho biết.

Đồng quan điểm này, ThS. Trần Tín Nghị cho biết đưa kỹ năng nghe, nói, đặc biệt là kỹ năng nghe vào bài thi THPT quốc gia sẽ là nhân tố quyết định cho việc thay đổi quan điểm dạy học hiện nay. Ngược lại không đưa vào thì 2 kỹ năng này chưa được đánh giá đầy đủ và là một thiếu sót lớn. “Trước mắt, đưa đồng thời kỹ năng nghe, nói vào bài thi THPT quốc gia thì chưa khả thi nhưng vẫn có thể đưa kỹ năng nghe vào bởi cơ sở vật chất của các trường có thể đảm bảo được. Hơn nữa, bài thi có thể rút ngắn số câu hỏi dành cho kỹ năng đọc, viết nên không ảnh hưởng đến thời gian thi”, ThS. Trần Tín Nghị nêu ý kiến.

Riêng chương trình đào tạo ở ĐH-CĐ, theo ThS. Trần Tín Nghị, thời gian dành cho SV không chuyên không quá 20 tín chỉ nên việc dạy lại từ đầu cho các em là không khả thi. Vậy thì các chương trình cần xây dựng trên cơ sở định hướng, rèn luyện để giúp SV phát triển toàn diện 4 kỹ năng, đồng thời giúp các em tiệm cận dần với các bài thi quốc tế ngay trong quá trình đào tạo. Đây là những chương trình tiên tiến, có tính chiến lược giúp SV không những đạt được điều kiện ra trường mà còn phát huy tốt năng lực trong môi trường làm việc quốc tế.

Bài, ảnh: Ngọc Trinh

Nghiêm túc đánh giá lại thực trạng giảng dạy

Theo ThS. Trần Tín Nghị, trước hết chúng ta cần sự nghiêm túc đánh giá lại thực trạng giảng dạy của từng cơ sở giáo dục ở từng địa phương. Qua đó phát huy những mặt tích cực đã đạt được, nhân rộng các mô hình tiên tiến để góp phần định hướng, chuẩn hóa việc dạy, học trong tất cả các bậc học. Kế đến thay đổi hình thức, quan niệm về quản lý, tổ chức lớp học từ THCS đến THPT. Bởi việc quản lý giảng dạy môn tiếng Anh trong trường phổ thông không thể bê nguyên si mô hình quản lý như các môn học khác. Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng cần có cơ chế, quy định để cho các sở, phòng; các trường phát huy thế mạnh của mình…

Phổ điểm môn ngoại ngữ rất thấp

Theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2015, phổ điểm môn ngoại ngữ rất thấp, tập trung ở mức 2 đến 3,5 điểm. Cụ thể, có hơn 74.000 HS bị 2,5 điểm; trong khi đó HS bị điểm 3 có gần 69.000 em. Đây là môn có phổ điểm thấp nhất so với 7 môn thi khác. 

 

Bình luận (0)