Vào hai ngày 5 và 6-8-2008. Hội thảo khoa học được tổ chức tại Ninh Thuận đã thu hút nhiều nhà khoa học, nhiều giảng viên từ các trường ĐH trong nước tham gia (ĐH KHXH&NV – ĐHQG Hà Nội, ĐH KHXH&NV – ĐHQG TP.HCM, ĐH Ngoại ngữ – Tin học, ĐH Hồng Bàng, ĐH Văn Hiến TP.HCM…). Đặc biệt, tham dự hội thảo còn có những chuyên gia dạy tiếng Việt đến từ các nước: Mỹ, Úc, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan, Singapore…
Hội nghị được nghe những báo cáo cung cấp cái nhìn toàn cảnh về Việt ngữ học ở Mỹ, Úc và một số nước khác. Theo TS. Lâm Lý Trí (ĐH Fullerton – Mỹ), số lượng sinh viên học Việt ngữ ở ĐH Hoa Kỳ ngày càng tăng. Và ở đây, giảng viên muốn giảng dạy tiếng Việt phải có bằng cử nhân, phải học và thi lấy chứng chỉ cho môn tiếng Việt và chứng chỉ Single Subject Assement for Teaching (SSAT). Nghiên cứu Việt ngữ học ở Úc, TS. Thái Duy Bảo (ĐH Quốc gia Úc) cho rằng có tình trạng vay mượn, mở rộng ngữ nghĩa, có sự thích ứng và chuyển dịch (từ vựng, cú pháp, ngữ dụng) trong vốn ngôn ngữ tiếng Việt ở quốc gia này (cũng như một số quốc gia khác trên thế giới).
“Vậy, với Việt ngữ học, vấn đề gì là quan trọng nhất?”. Đây là vấn đề được hội thảo quan tâm và thảo luận sôi nổi. TS. Vũ Hill Kim Loan cho rằng, vấn đề quan trọng là phải biết nói tiếng Việt và phải học lịch sử, văn học, văn hóa Việt, cũng như phải hiểu về đất nước, con người Việt Nam. Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng, sách giáo khoa, giáo trình, lực lượng giảng dạy cũng là vấn đề không kém phần quan trọng.
Hội thảo chia thành hai tiểu ban. Ở tiểu ban 1 (Nghiên cứu tiếng Việt), các báo cáo tập trung thảo luận những vấn đề về lý thuyết dạy tiếng Việt như: “Phó từ “đã” nhìn qua lăng kính của thức, thể và thời – đối chiếu với tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Hoa” (TS.Danh Thành Do Hurinville); “Các yếu tố phủ định gốc Hán “bất”, “thất”, “phi”, “vô” và việc giảng dạy cho người nước ngoài” (PGS.TS.Vũ Văn Thi); “Mấy phân biệt về cách dùng từ “được và “có thể” cho sinh viên Nhật” (TS.Nguyễn Thị Ngọc Hân); “Kết cấu gây khiến trong tiếng Việt” (TS.Nguyễn Hoàng Trung) v.v…
Ở tiểu ban 2, hội thảo tập trung thảo luận các vấn đề về Giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ. TS.Nguyễn Văn Chính nêu lên “Một số nguyên tắc dạy và học theo quan hệ hợp tác liên hệ với công tác dạy tiếng Việt cho người nước ngoài”. TS. Vũ Hill Kim Loan trình bày “Những tiêu chuẩn dạy sinh ngữ quốc tế – ACTFL PROFICIENCY GUIDELINES”. TS. Nguyễn Văn Huệ “Xác định những đặc điểm của tiếng Việt như một ngoại ngữ”. PGS.TS. Bùi Khánh Thế nêu lên: “Chuẩn về sự thụ đắc tiếng Việt như một ngoại ngữ ở giai đoạn bắt đầu”… Một số tham luận nêu lên những kinh nghiệm giảng dạy kỹ năng nghe tiếng Việt, dạy phát âm tiếng Việt, dạy từ đồng âm tiếng Việt, việc vận dụng phương pháp phản xạ và phương pháp trực quan trong giảng dạy tiếng Việt…
Quan tâm đến việc biên soạn giáo trình giảng dạy tiếng Việt, ThS. Trần Thị Minh Giới và ThS. Đinh Lư Giang đi sâu tìm hiểu và “đánh giá việc biên soạn một số các giáo trình dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ”, nhằm cung cấp một cái nhìn toàn diện về những ưu và nhược điểm của hệ thống giáo trình hiện nay. Đây cũng là nguồn tài liệu tham khảo bổ ích cho các tác giả biên soạn giáo trình tiếng Việt trong tương lai.
Tóm lại, trong hai ngày làm việc nghiêm túc, sôi nổi, hội thảo đã bàn đến nhiều vấn đề liên quan đến việc dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ. Trong đó, nổi lên ba vấn đề chính: Việt ngữ học ở một số quốc gia trên thế giới, lý thuyết về giảng dạy tiếng Việt và việc ứng dụng vào giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ. Ngoài ra, hội thảo cũng đặt ra một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu như việc xây dựng chuẩn đánh giá tiếng Việt như một ngoại ngữ; chuẩn đánh giá giảng viên, việc biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy tiếng Việt…
Hiện nay, trong xu hướng hội nhập và toàn cầu hóa, nhu cầu học tiếng Việt ở các nước trong khu vực cũng như các quốc gia trên thế giới ngày càng cao. Vì vậy, “dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ” như thế nào để đem lại hiệu quả cao nhất, là vấn đề bức thiết không chỉ đối với chúng ta mà còn là mối quan tâm sâu sắc đối với các chuyên gia giảng dạy tiếng Việt ở các trường đại học trên thế giới. Có thể nói, hội thảo là dịp để những người làm công tác giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ trong và ngoài nước có dịp giao lưu, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau. Hội thảo VNSC1 cũng đặt vấn đề thành lập Hội những người giảng dạy tiếng Việt (có Ban chấp hành hội, có tôn chỉ, qui chế cụ thể, có website để hội viên liên lạc trao đổi thông tin, kinh nghiệm…).
Với vốn kinh nghiệm được tích lũy qua nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy, với tâm huyết và sự nỗ lực không ngừng, khoa Việt Nam học, Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG TP.HCM, sẽ là vùng “đất lành” thu hút ngày càng đông những học viên từ khắp nơi trên thế giới về học tiếng Việt, cũng như nghiên cứu về văn hóa, về đất nước và con người Việt Nam. Với tâm huyết và những nỗ lực đáng ghi nhận ấy, chúng ta cũng hy vọng trong tương lai, vấn đề giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài và cho những người Việt không sử dụng tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ, sẽ không còn là vấn đề nan giải.n
Th.S Trần Thị Mai Nhân
(Đại học Văn Hiến)
Bình luận (0)