Các em nhỏ kiếm sống về đêm tại chợ Bình Điền |
Mới lên 8, 10 hay cao nhất cũng chỉ 15 tuổi nhưng đám trẻ ở chợ đầu mối Bình Điền (huyện Bình Chánh, TP.HCM) đã phải lăn lộn kiếm sống bằng nghề chuyển cá, mót cá và kể cả… cướp cá. Không những vậy, khi cần thiết, những chú nhóc này sẽ lập thành những nhóm “giang hồ” để chia địa bàn hoạt động.
Vừa bước vào tuổi 13 nhưng Lại Minh Quang (thường gọi là Tuấn) đã có bảng “thành tích” đánh đấm khá nhiều. Hiện, Tuấn đang là “đại ca” của nhóm trẻ chuyển cá, mót cá nước ngọt tại chợ đầu mối nông sản Bình Điền. Nói là “đại ca” phần cá nước ngọt để thấy được sự phân chia “lãnh địa” rõ ràng với nhóm cá biển.
Làm “giang hồ” để sống
“Khi mới vào đây làm, em thường xuyên bị chặn đánh nhưng được cái liều, ai đánh em, em “chơi lại” liền – Tuấn nhớ lại chuỗi ngày tháng đã qua.
Làm ở đây, em nào cũng bị đánh vài lần. Nhiều hôm mệt quá không thể chuyển cá nổi, các em phải đi “cướp” về bán. Nhưng ăn của người khác đâu phải dễ, “cướp” mà bị bảo vệ hay chủ vựa bắt thì no đòn, vừa bị đánh vừa thêm mất “niềm tin” ở chủ vựa nên về sau càng khó làm ăn. Nhìn hình xăm con bò cạp trên vai Tuấn, tôi mới thấy hết được chất “giang hồ” đã thấm sâu vào người em. Tuấn nói: “Em nhờ mấy “đứa em” xăm giúp con bò cạp này lâu rồi. Chỉ cần lọ mực xạ, vài cây kim, một cây đèn và vài động tác là xong ngay ấy mà, chẳng đau đớn gì cả”.
Dưới trướng của Tuấn bây giờ có gần cả chục “đàn em”: Trần Văn Sái, Ngô Minh Phúc, Quý, Mọi, Thanh… Được sự giới thiệu của Tuấn, tôi tìm gặp Ngô Minh Phúc, 13 tuổi, dáng người nhỏ thó nhưng chân tay rất lanh lẹ. Vừa nói chuyện với chúng tôi, Phúc vừa ném những con cá lóc bông từ xe vào sọt. Loáng một lát, đống cá trên xe đã được chuyển hết vào sọt. Phúc nhảy khỏi xe, tiện tay bắt hai con cá (chủ vựa trả tiền công cho các em bằng cá) rồi cười nói: “Có mồi nhậu rồi anh ạ”. Nói xong, Phúc nhảy phóc lên chiếc xe tiếp theo để làm việc. Tôi lại lò dò qua bên kho đông lạnh (cá biển), ở đây hôm nay có vẻ vắng bóng “giang hồ”, quay lại hỏi Tuấn, Tuấn đáp: “Mấy tên bên đó bị bắt đi cải tạo hết rồi. Tụi nó hít keo con voi, con chó, keo đánh giày mới bị bắt như thế. Ai bảo ngu cho chết”. “Sao em không qua đó chiếm địa bàn”, tôi hỏi. “Bên đó còn mấy anh em của nó, qua đứng lớ xớ là bị đòn ngay”, Tuấn hơi lo sợ.
Đang tuổi ăn, tuổi học mà bọn trẻ ở đây không hề biết đến trường lớp, chỉ quen với đánh, đấm, giành giật địa bàn lo sao cho có miếng ăn qua ngày.
Vẫn là những đứa trẻ ngây thơ
Giờ “làm việc” chính của các em là từ khoảng 8 giờ tối đến 1 giờ sáng hôm sau. Sau giờ “làm việc”, cậu bé Nguyễn Văn Thái (xã Tân Tiến, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang – năm nay mới 8 tuổi) lại lao vào các quán game, pass để “giải lao”. Còn với Nguyễn Thị Tho (chị của Thái – năm nay 10 tuổi) thì chuyện bỏ học để kiếm sống là bắt buộc. “Bây giờ em chẳng mơ ước gì hết, cũng không muốn đi học nữa”, Tho buồn thiu.
Cả đêm cố gắng lắm hai chị em Tho cũng chỉ làm được 7kg cá (thu nhập khoảng 150 ngàn đồng). Xong việc, Tho cho em vài chục để chơi điện tử dù biết như vậy là không tốt nhưng thấy em tội quá, mới 8 tuổi đầu đã phải lăn lộn kiếm sống nên cầm lòng chẳng đặng. Tất cả số tiền còn lại em đem về đưa mẹ giữ để lo cho gia đình.
Mỗi đêm, Tuấn, Phúc và mấy anh em “giang hồ” cũng kiếm được 6kg cá (khoảng 130 ngàn đồng), em nào lấy cá đem về cho mẹ bán ở chợ thì được hơn 200 ngàn. “Em đem toàn bộ số tiền làm được về đưa cho mẹ giữ, hôm nào cần mua gì thì em lấy một ít ra mua chứ gia đình có khá giả gì đâu mà quậy phá”, Tuấn tâm sự. Chúng tôi cứ tưởng những người như Tuấn sẽ không biết nghĩ đến chuyện gia đình, nhưng đằng sau “cái mác” giang hồ ấy lại hiện ra bản chất của một cậu bé hiền lành, biết suy nghĩ và đôi khi là khá ngây thơ.
Trong mắt nhiều người, tụi nhỏ ở khu chợ này là những đứa trẻ quậy phá, “đầu trộm đuôi cướp” nhưng có tiếp xúc, trò chuyện mới biết được bản chất tốt đẹp vẫn còn tiểm ẩn bên trong những đứa trẻ “giang hồ” đó.
Ông Ngô Văn Việt – Trưởng phòng Bảo vệ chợ Bình Điền cho biết: “Hiện tượng trẻ em chuyển cá, mót cá kiếm sống ở chợ đã có từ lâu. Nếu có xích mích với nhau, các em thường “lôi” nhau ra ngoài chợ để “xử” chứ không ở trong khuôn viên chợ nên chúng tôi không có biện pháp can ngăn. Chuyện không cho các em làm việc trong chợ là chuyện không thể bởi các em được tự do ra vào chợ, tự do làm việc nếu có người thuê, đôi khi là ăn cắp vặt để kiếm sống. Chúng tôi chỉ biết dùng cách “lấy độc trị độc”, xưa nay vẫn làm là nhờ các “đại ca nhí” ở đây trị lại những “giang hồ nhí” mà thôi…”. |
Bài, ảnh: Công Luận
Bình luận (0)