Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Giáng sinh ở xứ thần tiên

Tạp Chí Giáo Dục

Những thành phố, làng mạc tôi từng đi qua dù đẹp đến mấy, nổi tiếng chừng nào vẫn có những góc… xấu. Ngoại trừ Bruges, xứ thần tiên tôi từng đến vào dịp Giáng sinh.  


Trong cuốn tiểu thuyết trinh thám Chuyến tàu Stambul (1932), văn hào Anh Graham Greene, tác giả tiểu thuyết Người Mỹ trầm lặng, viết: “Và tia nắng cuối cùng hiện ra khi tàu đi ngang Bruges… Ở một nơi giữa những tăm tối lại có một thành phố cổ, giống như một viên ngọc khét tiếng, được nhiều kẻ ngắm nhìn, bàn tán và đến thăm”.

Những nhân vật của Greene đi ngang qua Bruges (Brugge trong tiếng vùng Flanders, Bỉ) trên chuyến tàu xa hoa Orient Express từ London. Chúng tôi cũng đi từ London nhưng trên tàu Eurostar, đoạn đường gần 400km từ thủ đô nước Anh đến thủ đô Brussels của Bỉ chỉ mất một giờ rưỡi, thêm một giờ trên tàu địa phương để đến Bruges – một thế giới hoàn toàn khác.
Những con đường lát đá cuội hẹp với những ngôi nhà xưa dẫn chúng tôi đến nơi trú ngụ những ngày cuối năm trong một con hẻm quanh co. Phố cổ Bruges nổi tiếng với nhiều nhà nghỉ nhỏ kiểu gia đình thế này. Sau bữa tối gọn nhẹ, chúng tôi đến một quán bia. Quốc gia nhỏ bé chỉ hơn 10 triệu dân này lại là nơi sản xuất nhiều loại bia nhất thế giới, có cả những cách pha chế đặc biệt từ thời Trung cổ.
Sáng sớm, chúng tôi đến quảng trường Markt, một trong những khu phố cổ được bảo tồn tốt nhất châu Âu. Xe ngựa chở du khách lọc cọc đi ngang những ngôi nhà có mái đầu hồi cong cong duyên dáng được sơn nhiều màu vui mắt, không khác nhà trong truyện thần tiên của Grimms hoặc Andersen trong trí tưởng tượng trẻ con.

Xe đạp – phương tiện giao thông ưa thích của người dân Bruges

Nổi bật trên những ngôi nhà thấp ba tầng có đầu hồi nhọn ấy là tháp chuông Belfort được xây từ thế kỷ 13, thời hoàng kim của Bruges nhờ buôn vải và len từ Anh, đồng thời là đầu mối giao thương của cả khu vực với vùng Địa Trung Hải. Bên dưới là những sạp gỗ lúp xúp của khu chợ nhóm họp trước Giáng sinh giăng đèn đón khách đến thăm không chỉ bằng quà lưu niệm mà còn bằng những quầy xúp ốc, philê cá nướng, xúc xích nướng kẹp bánh mì và những món ngon lành khác.

Quầy thức uống mùa đông có lẽ đắt hàng nhất với trà đen, sôcôla nóng, rượu mulled wine: vang đỏ hâm nóng với cam, quế, đậu khấu và đường, cà phê pha whisky và kem.
Rời Markt, chúng tôi vòng qua đường Vlamingstraat, nơi vào thế kỷ 13 nhiều người tụ tập đến nhà một người Bỉ tên Van de Burse để buôn bán chứng khoán. Vì vậy Bruges là thành phố đầu tiên chính thức có hoạt động này trên thế giới, cũng vì vậy mà ngày nay trong nhiều ngôn ngữ khác nhau, chữ “bourse” có nghĩa là thị trường chứng khoán. Nổi bật trên phố Vlamingstraat là nhà thờ Máu thánh được xây từ thế kỷ 12, nơi lưu giữ một trong những thánh tích thiêng liêng nhất của châu Âu cổ đại: chiếc lọ nhỏ đựng vài giọt máu, được cho là máu của Chúa và được mang đến đây sau cuộc Thập tự chinh.

Khu chợ Giáng sinh đầy màu sắc dưới chân tháp chuông Belfort

Bên cạnh nhà thờ, tòa thị chính cũng là một công trình tuyệt mỹ, được xây từ thế kỷ 14 với mặt ngoài bằng đá sa thạch, chạm khắc nhiều tượng của các bá tước xứ Flanders, dù phần lớn được làm lại cách đây hơn 300 năm sau khi tượng nguyên bản bị quân đội Pháp phá hủy.

Những ngày cuối năm ở đây có thêm nhiều đèn trang trí lung linh, còn sân trượt băng phía trước đầy người chơi trong tiếng nhạc hội hè. Tây Âu đã dùng hệ thống sưởi bằng gas từ rất lâu, nhưng ở Bruges hầu như tất cả quán cà phê, nhà hàng, cửa hiệu… đều còn giữ lại lò sưởi kiểu xưa làm ấm lòng những khách phương xa đến thành phố. Những khám phá như vậy đã làm nên một kỳ Giáng sinh ý nghĩa.
Như khi lang thang trong những góc phố xa quảng trường, tình cờ phát hiện ngôi nhà ở đường Vette Poort được xây từ năm 1434 và từng là một trong rất nhiều nhà tế bần ở Bruges những thế kỷ trước, làm tôi nhớ đến câu chuyện thần tiên Bên cửa sổ nhà tế bần của Andersen: “Những đứa trẻ đáng thương ấy, chúng mới vui làm sao, chúng chơi và chạy nhảy cùng nhau vui thích! Những đôi má đỏ và những cặp mắt thiên thần! Nhưng chúng không có giày lẫn bít tất”.

Một trong những nhà thờ rải rác khắp Bruges

Nên trong đêm Giáng sinh, khi nhấm nháp món sò hấp rượu vang ngon tuyệt trong một nhà hàng khuất sau quảng trường Markt bên lò sưởi ấm áp của xứ sở đẹp như chuyện thần tiên, bên ngoài gió đông vẫn thổi lạnh se sắt và chuông nhà thờ sắp đổ nửa đêm, tôi mong ông già Noel có thật.

Nguồn TTO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)