Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Giảng viên 8X ở ĐH Kinh tế TPHCM

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Đó là thạc sĩ Đỗ Kiên Trung, sinh năm 1984. Dạy Triết – môn học được coi là khá "xương" đối với sinh viên, thầy giáo trẻ này đang được rất nhiều sinh viên yêu mến. Vừa trải qua thời sinh viên, thầy Trung dễ thấy và dễ hiểu vì sao phần lớn sinh viên sợ học Triết.
Không chỉ biết cách biến các buổi học Triết trở nên gần gũi và lôi cuốn, thầy Trung còn là đầu tàu khuấy động các phong trào rèn kỹ năng tư duy, thu hút đông đảo sinh viên trong và ngoài trường tham gia.
Tình cờ trở thành giảng viên
ThS Đỗ Kiên Trung tốt nghiệp khoa Triết, Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TPHCM). Khi ra trường, thầy làm ở Viện Nghiên cứu xã hội TPHCM, mức lương cộng tác viên chỉ vài trăm nghìn đồng/tháng. Một lần, đọc tờ báo ngày, thầy thấy góc trang có đăng tin tuyển dụng giảng viên dạy Triết của Trường ĐH Kinh tế TPHCM. Thầy kể: "Mình đăng ký thi tuyển, qua các vòng gắt gao như thi tiếng Anh, Luật, Tin học, giảng mẫu trước Hội đồng nhà trường và được chọn. Mình luôn kể câu chuyện tình cờ này để chia sẻ với sinh viên rằng: Sự thay đổi của cuộc đời bạn tốt hay xấu đi, đôi khi chỉ bằng một sự tình cờ".
Vừa trải qua thời sinh viên, thầy Trung dễ thấy và dễ hiểu vì sao phần lớn sinh viên sợ học Triết: "Môn học không… có tội. Lỗi khiến sinh viên không thích môn học nằm ở người thầy và kỹ năng truyền giảng". Từ đó, thầy quyết biến giờ Triết thành một giờ học lôi cuốn nhất với sinh viên.
Khoảng cách giữa giáo viên và sinh viên rất gần.
Trên Facebook, thầy Trung được rất nhiều học trò ủng hộ. Sau những tiết học, thầy Trung nhận được rất nhiều câu hỏi của sinh viên xin tư vấn về các vấn đề… tình cảm. Thầy cho biết, chủ đề "hot" nhất vẫn là sống thử và đồng tính. "Tôi luôn hướng các bạn rằng, dù hoàn cảnh nào cũng phải biết nghĩ những điều có lợi cho bản thân, gia đình và xã hội trước. Sau đó, phân tích cặn kẽ để thuyết phục các bạn hiểu điều đúng, các bạn sẽ  tự quyết định làm theo hay không" – thầy Trung nói.
Trong các tiết học, thầy Trung luôn có cách nêu vấn đề khác biệt, cách tiếp cận vấn đề trẻ trung, gần gũi với cuộc sống, thường xuyên lật ngược vấn đề để phân tích. Chẳng hạn, thầy Trung đưa ra những dẫn chứng, vấn đề thông qua những đoạn phim, bức ảnh đang "sốt" trên Facebook, YouTube, báo mạng… để sinh viên thể hiện góc nhìn và tự khái quát. Sau tiết học, các bạn tự động có nhu cầu chụm lại thảo luận về chủ đề. Và các bạn mong đến tiết học sau để được nói lên suy nghĩ của mình. Những tiết học như vậy thường rất hứng thú.
Thầy Trung cũng có cách phá sự "ù lì" cố hữu của lớp học thông qua "3 điều khuyên" sinh viên nên làm: Nên đọc báo cập nhật tin tức thường xuyên. Nên chủ động đặt câu hỏi. Nên hoài nghi một cách khoa học những điều thầy giảng. Thầy chia sẻ: "Mình thích hai câu trong Triết học Mỹ: Nghĩ lớn hơn và Hãy làm đi! Mình truyền tinh thần đó cho các bạn sinh viên. Không ít lần, mình thừa nhận với sinh viên về vấn đề mình không biết. Thậm chí, mình nhận sai. Khi mình thành thật và cởi mở, tạo được sự tin cậy, các bạn siêng phát biểu ý kiến hơn".
Giá trị hơn tiền
Đề tài nghiên cứu mà thầy Đỗ Kiên Trung hứng thứ theo đuổi từ thời sinh viên đến nay là "Triết học tân thực dụng". Thầy cho biết, đây là học thuyết triết học của Mỹ, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống, kinh tế, chính trị, pháp luật… của nước Mỹ. Người ta hay nói "Thực dụng như người Mỹ" vì người Mỹ luôn nhìn nhận vấn đề theo tính hiệu quả của nó. Việc ứng dụng "chủ nghĩa thực dụng" giúp người Mỹ xây dựng một đất nước hùng mạnh bậc nhất thế giới. Vậy, thực dụng là một học thuyết tốt. Nhưng giới trẻ, sinh viên vẫn hiểu lầm thực dụng là… lối sống tiêu cực.
Thầy Trung chia sẻ: "Mình rất buồn khi nghe thấy các bạn sinh viên, nhất là các bạn 9X luôn đặt câu hỏi tham gia một diễn đàn học hỏi kỹ năng, tham gia một câu lạc bộ là vì cái gì. Các bạn cho rằng, các bạn đang thực dụng. Thực dụng là tạo ra tiền? Sự thực không phải vậy. Có những cái giá trị như kỹ năng, kinh nghiệm… không tạo ra tiền ngay nhưng nó giá trị hơn tiền rất nhiều".
Nỗ lực mang đến cho học sinh những giá trị ngoài sách vở.
Trong một lần, thầy Trung hỏi sinh viên, ai muốn và từng có ý nghĩ tạo ra thương hiệu toàn cầu để làm giàu cho mình và vẻ vang cho đất nước. Cả hội trường hơn 150 sinh viên chỉ có 5 cánh tay đưa lên. Câu chuyện này diễn ra năm trước. Một năm sau, có một người Việt làm rạng danh Việt Nam với Huy chương Fields – GS Ngô Bảo Châu. Thầy nói: "Mình thấy sinh viên Việt Nam hoàn toàn có khả năng làm nên điều kỳ diệu, nhưng các bạn đang vướng rào cản tâm lý. Những người đang lãnh đạo các thương hiệu như Trung Nguyên, Phở 24… đều là những ông chủ thuộc thế hệ 6X, 7X, sinh ra trong lúc đất nước còn nghèo. Họ đối mặt thật sự với cái nghèo nên khát vọng làm giàu mãnh liệt. Còn một bộ phận thế hệ cuối 8X và 9X sinh ra trong thời buổi tạm gọi là đầy đủ. Gia đình các bạn có xe hơi, có thể đi du lịch thế giới… Vậy cần gì mà phấn đấu thêm? Nhiều bạn sinh ra tâm lý tạm hài lòng trong khuôn khổ gia đình mình. Các bạn quên mất rằng, xung quanh mình còn rất nhiều người nghèo. Và rộng hơn, đất nước mình cũng còn rất nghèo so với các nước khác".
Bản đồ tư duy
Để thay đổi tư duy của sinh viên, thầy Trung cùng các sinh viên của mình lập nên Câu lạc bộ Kỹ năng tư duy – CYM (Challenge Your Mind). Với slogan "Thay đổi bản thân – Thay đổi cộng đồng – Thay đổi xã hội – Thay đổi cả thế giới", câu lạc bộ do thầy Trung làm chủ nhiệm đã tổ chức định kỳ "Bài diễn văn tháng 10" hằng năm. Chương trình đã được tổ chức 2 lần với hai chủ đề: "Đời thay đổi khi ta thay đổi" và "Những điều trường đại học không dạy bạn" thu hút rất đông sinh viên. Danh tiếng của CYM được nhiều sinh viên trường bạn như ĐH Hoa Sen, ĐH Ngân hàng… biết đến và đăng ký tham gia.
Bên cạnh đó, phương pháp tư duy theo bản đồ (mind map) cũng là một lĩnh vực đam mê của thầy Trung, được thầy đưa vào giáo trình dạy học. Đây là phần hiếm được dạy ở các trường đại học Việt Nam. Sau đợt thi vẽ sơ đồ tư duy giữa kỳ, những bức vẽ được mang ra triển lãm toàn trường. Thầy Trung mời các chuyên gia trong ngành như TS Nguyễn Mai (ĐH San Jose, Mỹ), Nhà thiết kế Sỹ Hoàng, GS Phạm Đình Nghiệm (trường ĐH KHXH&NV)… đến chấm điểm để khuyến khích các bạn.
Thầy Trung đã in cuốn sách đầu tay "Triết học tân thực dụng" (Neo – Pragmatism), do Nhà xuất bản Tri Thức ấn hành. Trên mạng vinabook.com, cuốn sách này đứng thứ 3 trong danh sách những cuốn sách Chính trị – Triết học bán chạy nhất.
 Theo SVVN

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)