Hội nhậpGiáo dục phát triển

Giảng viên đại học trong thời đại CNTT

Tạp Chí Giáo Dục

Sử dụng máy chiếu trong giờ giảng tại khoa Thư viện ĐHSP (HN). Ảnh: X.N

Hình ảnh của thầy giáo với phấn trắng, bảng đen đã hình thành nên một phong cách của người giảng viên và đã khắc sâu trong tâm trí bao thế hệ học trò. Tuy nhiên, ngày nay do tốc độ phát triển như vũ bão của các ngành khoa học kỹ thuật, sự bùng nổ trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) đặc biệt là khả năng ứng dụng internet trong giáo dục, nên điều kiện học tập đã khác trước. Do đó nhận thức về người thầy trong nhà trường nói chung, đại học nói riêng cũng ít nhiều thay đổi. Việc ứng dụng ICT trong giáo dục tất yếu hình thành mô hình “giáo dục điện tử ”.

Giảng viên phải là người có đạo đức, nhà mô phạm

Người giảng viên trước hết phải là người có đạo đức, đức tính đó thể hiện qua việc giảng viên phải biết vì sinh viên của mình. Giảng viên muốn có kiến thức chuyên môn phải rèn luyện, cập nhật kiến thức một cách toàn diện để có đủ bản lĩnh thực hiện vai trò chủ đạo của mình với tư cách là chủ thể của hoạt động sư phạm nói chung và hoạt động giảng dạy nói riêng. Giảng viên cần có vốn sống, kinh nghiệm xã hội phong phú để tiếp cận và “chinh phục” sinh viên – những người có nhiều hoài bão nhất. Ví dụ về các giảng viên dạy các môn ICT. ICT là một ngành đặc trưng cho kinh tế tri thức với tốc độ thay đổi rất nhanh. Trách nhiệm của nhà trường, của người thầy là đào tạo sinh viên khi ra trường có thể thích ứng với sự thay đổi này. Bởi thê, đạo đức của người thầy phải thể hiện là biết nhận rõ về vị trí, vai trò đặc biệt của mình trong ngành này. Chẳng hạn trong hệ thống Aptech, mỗi giảng viên phải thi mỗi quý một lần bởi những gì thuộc chương trình năm trước có thể không còn trong năm nay. Giảng viên dạy ICT nào kiêu ngạo tuyên bố "tôi là chuyên gia chỉ một lĩnh vực" thì rất nhanh chóng thất nghiệp khi môn học đó không còn đưa vào chương trình nữa.

Giảng viên phải có kiến thức về môi trường giáo dục, hệ thống giáo dục, mục tiêu giáo dục, giá trị giáo dục… đây có thể coi là khối kiến thức cơ bản nhất làm nền tảng cho các hoạt động dạy và học. Chỉ khi mỗi giảng viên hiểu rõ được sứ mệnh, giá trị cốt lõi mục tiêu chính của hệ thống giáo dục và môi trường giáo dục, việc giảng dạy mới đi đúng định hướng và có ý nghĩa xã hội. Sự quên lãng hay không nắm chắc những giá trị gốc của một nền giáo dục, dẫn đến những lệch lạc trong văn hoá giáo dục. Từ chuyện quay cóp trong thi cử, vi phạm bản quyền trong học tập và nghiên cứu, tính phi dân chủ trong khoa học đến thái độ học tập và thái độ ứng xử công dân trong cuộc sống đều không được truyền thông đầy đủ và khắc hoạ đúng mực. Thực tế giảng viên đại học không trực tiếp dạy đạo đức nhưng phải xác lập được cho sinh viên nhận thức đúng đắn về các giá trị gốc của giáo dục và đạo đức, mà cụ thể là đạo đức trong từng nghề nghiệp cụ thể. Bên cạnh những lợi ích hết sức to lớn của Internet đối với giáo dục và đào tạo còn có những mặt trái là chuyện “đạo văn” thời đại Internet mới dễ dàng làm sao, thậm chí có thầy làm nghiên cứu sinh còn “đạo văn” cả luận án Tiến sĩ mà hội đồng không biết.

Mặt khác, kiến thức về hệ thống giáo dục, sứ mệnh và các mục tiêu giáo dục còn là kim chỉ nam cho giảng viên trong soạn bài giảng, giáo trình, lựa chọn phương pháp giảng dạy cho những đối tượng người học khác nhau.

Giảng viên phải luôn tự làm mới mình để đáp ứng tốc độ phát triển của ICT.

Không thể có một lớp học điện tử khi mà người thầy không thể vào mạng và sử dụng máy tính để soạn bài giảng điện tử. Muốn đổi mới phương pháp giáo dục theo kịp phát triển công nghệ ICT, người giảng viên phải đổi mới tư duy về công việc dạy học và luôn luôn cập nhật thông tin để nâng cao kiến thức, thuần thục các kỹ năng truyền thụ qua những bài giảng. Bồi dưỡng những năng lực dạy học theo phương pháp mới, nhận thức đúng đắn về đổi mới dạy học để đáp ứng những yêu cầu của việc sử dụng phương tiện dạy học hiện đại. Một giảng viên ở ĐH trong thời đại ICT là: "Phải làm chủ được môi trường ICT”. Ví dụ xây dựng phòng thí nghiệm ảo, phòng thực hành ảo, giáo trình điện tử… Biết khai thác phần mềm, các thông tin khác từ mạng để thiết kế bài giảng điện tử. Biết quản lý khai thác mạng viễn thông. Trong lĩnh vực ICT, do tiến bộ ICT quá nhanh, nếu giảng viên nào chỉ “trung thành” với giáo trình môn học sẽ không bắt kịp với công nghệ mới để đưa vào trong bài giảng thì kiến thức giảng dạy còn chậm hơn cả những truy cập của sinh viên trên mạng !

Giảng viên, người nghệ sỹ trên bục giảng, người “truyền lửa” cho sinh viên

Tính nghệ thuật của việc dạy đại học thể hiện ở năng lực truyền đạt của giáo viên làm sao khơi dậy được tiềm năng tiếp thu, phát triển và sáng tạo của người học để nhận thức, cảm nhận và có kỹ năng cao. Giáo viên nào nắm vững tính khoa học và nghệ thuật của việc dạy học sẽ dạy cho sinh viên có được các bậc nhận thức, bậc cảm nhận hay bậc kỹ năng cao và giáo viên đó sẽ có chất lượng giảng dạy cao. Giáo viên luôn tìm cái mới để truyền nhiệt huyết cho bài giảng. Người thầy giỏi là người biết giới thiệu một vấn đề khó hiểu thành dễ hiểu và phải phát huy tính chủ động của sinh viên.

Giảng viên phải tạo bầu không khí trong lớp học luôn sống động, luôn khích lệ người học cùng tham gia thảo luận, thậm chí có thể để người học cùng tranh luận với thầy trong môi trường mà người học luôn khao khát được biết, khám phá cái mới và được ứng dụng cái mới. Người thầy hướng dẫn sinh viên học theo phương pháp tương tác sẽ giống như người dẫn chương trình truyền hình như Lại Văn Sâm, Tạ Bích Loan… Người thầy hướng dẫn sinh viên tìm kiếm tri thức phải như là người nghệ sĩ trên bục giảng để “truyền lửa” nhiệt tình cho sinh viên. Muốn hấp dẫn sinh viên phải hấp dẫn chính mình trước. Người thầy phải chủ động hướng dẫn sinh viên thảo luận sôi nổi, sao cho việc học trở nên hấp dẫn thoải mái giống như một buổi toạ đàm về nghệ thuật, lúc đó việc tiếp thu sẽ trở nên tự nhiên nhẹ nhàng khác hẳn với cách dạy nhồi nhét kiến thức trước đây.

Ví dụ khi đưa một sinh viên lên thuyết trình, giảng viên sẽ cùng sinh viên khác trong lớp lắng nghe, sang phần thảo luận, các sinh viên sẽ đặt câu hỏi. Những câu hỏi của sinh viên đưa ra nếu sinh viên thuyết trình không trả lời đúng, hoặc không trả lời được, lúc này giảng viên phải xác định vị trí của người thầy qua việc phân tích cách trả lời của sinh viên đúng hay sai. Đây chính là điều kiện để thể hiện đẳng cấp cao hay thấp của giảng viên đối với sinh viên. Nếu không có sinh viên nào nêu câu hỏi hoặc các câu hỏi không đúng trọng tâm của bài học, giảng viên lại phải đóng vai là sinh viên để hỏi, sinh viên thuyết trình những câu hỏi đã chuẩn bị trước trong giáo án.

TS. Ngô Tứ Thành (GDTĐ)


Bình luận (0)