Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giảng viên ĐH: Liệu pháp “sốc”, liệu pháp “dài hơi”

Tạp Chí Giáo Dục

Mở tung cánh cửa giảng đường, thiết lập một tam giác Trường – Viện – Doanh nghiệp, bổ nhiệm thay phong tặng Giáo sư.

Đây là những giải pháp tức thời, những liệu pháp “sốc” mà GS Trần Thanh Minh, tiếp cận vấn đề theo cách đi thẳng vào những điều mà người viết cảm thấy bức xúc, nóng bỏng trong thực tế hiện nay, từ kinh nghiệm thực tế quản lý trường ĐH trước đây và những dịp tham gia đào tạo và tiếp cận với GDĐH trong ngoài nước gần đây.

> Giảng viên ĐH: Lời cảnh báo của con số

> GS Mỹ dạy ở Việt Nam theo tiêu chuẩn Mỹ

Liệu pháp chống “pha loãng” 

Để khắc phục căn bệnh thiếu, yếu và đang “pha loãng” đội ngũ giảng dạy hiện nay, dĩ nhiên phải có những giải pháp căn bản, “liệu pháp dài hơi” và đồng bộ. Một số chính sách, chủ trương mang tính giải pháp tổng quát có đề cập trong các phần Mục tiêu, Nhiệm vụ và Biện pháp của Nghị quyết 14/2005/NQ-CP về “đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2010”.   

Bài viết này tiếp cận vấn đề một cách khác, đi thẳng vào những điều mà người viết cảm thấy bức xúc, nóng bỏng trong thực tế hiện nay, từ kinh nghiệm thực tế quản lý trường ĐH trước đây và những dịp tham gia đào tạo và tiếp cận với GDĐH trong ngoài nước gần đây. Chủ yếu xoay quanh những vấn đề cấp thiết liên quan đến khắc phục tình trạng bất cập của đội ngũ giảng dạy trong lĩnh vực GDĐH hiện nay, những giải pháp tức thời, những liệu pháp “sốc”.  

Liệu pháp “sốc” đầu tiên hẳn là nhằm ngăn chặn đà “pha loãng”, hay ngừng làm trầm trọng thêm nữa tình trạng thiếu và yếu đội ngũ cán bộ giảng dạy ở các trường ĐH, CĐ.  

Trong mấy năm gần đây, có sự lạm phát về tốc độ lập trường mới ở cấp ĐH, CĐ. Có con số thống kê cho rằng tốc độ đó là “2 trường đẻ ra trong 1 tháng”.  

Ở đây có một nghịch lý. Cơ quan có quyền lực nhất trong việc cấp phép mở trường cũng là cơ quan nắm rõ nhất và có trách nhiệm cao nhất về thực trạng GDĐH hay về những chỉ tiêu số lượng và chất lượng giảng viên (số SV/GV hay số GV/TS,GS…) đặt ra cho các trường ĐH, CĐ. Đó cũng là cơ quan có nhiệm vụ kiểm tra để nắm được thực lực về năng lực đào tạo ở các đơn vị xin mở trường.  

Vậy nghịch lý nói ở trên xảy ra là một giải pháp tình thế nào đó hay là có điều gì thiếu chặt chẽ, tùy tiện xen vào ở đây.  

Dù bất luận thế nào, việc bảo đảm chỉ tiêu đã được quy định về số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên cho một ngành học, một cơ sở đào tạo và toàn ngành GDĐH là một trong những điều kiện tối thiểu phải được tuân thủ trước khi cấp phép mở trường hoặc cho tuyển sinh.  

Phải chăng, Bộ GD-ĐT nên bổ sung thêm một vài điều “nói không với ….” kiểu như “nói không với bệnh thành tích” của ngành giáo dục trong mấy năm qua. 

Mở tung cánh cửa giảng đường 


Các SV đăng ký tuyển dụng và xin tư vấn tại ngày hội. Ảnh: Lan Hương

Liệu pháp sau đây  cũng có thể xem là liệu pháp “sốc”.  

Trong những năm gần đây, ở nhiều trường, thậm chí cả những trường chất lượng đội ngũ giảng viên chưa cao, xuất hiện một xu hướng ngược lại. Đó là xu hướng “bế quan tỏa cảng”, tâm lý thu tóm lợi ích, giữ phụ trội giờ giảng về cho từng trường, khoa, bộ môn hoặc mỗi giảng viên bằng cách tự gồng mình lên, phân nhau “chạy sô” giờ giảng. Tình trạng đó còn dẫn đến cảnh vắng vẻ chợ chiều các phòng thí nghiệm, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học ở các ĐH, CĐ bị xem nhẹ, thậm chí có nơi bê trễ.  

Hệ quả kép đối với với các trường ĐH, CĐ đương nhiên là: tình trạng “cơm chấm cơm” tồn tại và chất lượng đội ngũ giảng dạy không cải tiến. Còn trên phạm vi toàn xã hội đã xảy ra sự lãng phí lớn nguồn nhân lực chất xám tiềm tàng nhưng không thể huy động bù đắp cho sự non yếu của GDĐH Việt Nam. 

Cũng có ý kiến bào chữa cho tình trạng nói trên bởi lương bổng thấp, phòng thí nghiệm không được đầu tư v.v… Dĩ nhiên, đó là vấn đề có thực ở nơi này nơi khác, cần được quan tâm giải quyết trong bài toán chung của nhà nước. Nhưng không thể lý giải cho tất cả, không thể là lý do để cho các cấp, các ngành, các trường ngồi yên, chờ đợi. 

Nhiều nước, đặc biệt các quốc gia đang phát triển, trong vùng Đông Nam Á đã có kinh nghiệm, đã và đang giải quyết tốt tình trạng nói trên. Ở nước ta, trong quá khứ và hiện nay cũng có nhiều trường thành công. Từ bài học đã có, toàn ngành GDĐH Việt Nam, mỗi trường ĐH, CĐ nên mở tung cánh cửa cho làn gió mới mang sức sống mới, nguồn năng lượng mới tràn vào mỗi giảng đường, mỗi phòng thí nghiệm.  

Nguồn năng lượng mới ấy chính là các nhà giáo có năng lực, có thể là các tiến sĩ, giáo sư, các nhà khoa học hay chuyên gia có tiếng trong từng lĩnh vực chuyên môn cụ thể, và cả các doanh nhân, nhà hoạt động xã hội, nhà báo… thành công trên nhiều mặt trận kinh tế xã hội trên mọi miền đất nước. 

Trong xu hướng hội nhập và phát triển của Việt Nam, GDĐH mở rộng cửa ra thế giới hơn nữa. Gần đây, đã có những tổ chức nước ngoài ở một số nước lên tiếng hỗ trợ giảng dạy ĐH ở VN, kiểu như VEF (Mỹ) vừa mới triển khai "Chương trình giáo sư Hoa Kỳ giảng dạy tại Việt Nam".  Để mở rộng khả năng tranh thủ “giáo sư ngoại”, nên phát triển nhiều hình thức khác nhau. Chẳng hạn liên kết liên thông đào tạo giữa các ĐH trong nước và ngoài nước. Về lâu dài, các trường ĐH, cả công lập và tư thục, phải đầu tư kinh phí cho việc mời các thầy giáo “ngoại”, các chuyên gia giỏi đến giảng bài, đào tạo tiến sĩ, tham gia hoặc hướng dẫn nghiên cứu khoa học v.v… 

Chúng ta có không ít bài học kinh nghiệm về những điều vừa nói.  

Chẳng hạn, ở ĐH nổi tiếng như Harvard, người ta rất chú trọng đến câu lạc bộ cựu sinh viên. Qua tổ chức này, trường chú ý mời về trường cũ những cựu sinh viên thành đạt ở mọi nơi trên thế giới, nhà khoa học nổi tiếng từ Hàn Quốc, chính khách có uy tín trên nước Mỹ, nhà doanh nghiệp thành đạt từ Nhật Bản, tống biên tập báo từ Việt Nam v.v… Những bài giảng, những bài thuyết minh chuyên đề, một báo cáo kinh nghiệm thực tiễn …từ cuộc sống phong phú khắp thế giới luôn đưa về cho nhà trường, cho những sinh viên đang học hơi thở sôi động của thời đại, luôn nâng chất lượng đào tạo của nhà trường lên một tầm cao mới. 

Những ai đã trải qua cuộc sống dạy và học ở các trường ĐH miền Nam, như Đại học Nha Trang, Đà Lạt, Cần Thơ, hoặc TP.HCM v.v…, sau khi đất nước thống nhất, chắc hẳn còn nhớ chiến dịch “thỉnh giảng”. Đó là một chủ trương đúng đắn và thành công trong lịch sử GDĐH Việt Nam.  

Xin đơn cử một ví dụ của ĐH Đà Lạt. Ngay khi trường mở cửa lại, trong tình hình đội ngũ thầy cô giáo còn mỏng và trẻ, hầu hết các chuyên gia đầu ngành có tên tuổi về khoa học tự nhiên như Toán, Vật Lý, Hóa, Sinh học.., về Ngữ văn, Ngôn ngữ học, Dân tộc học… trong cả nước đều được mời về trường, ít là vài tuần, nhiều là vài tháng, cá biệt biệt phái cả nửa năm hay một năm. Chính chủ trương đó đã lý giải cho hiện tượng: Một tỉ lệ rất lớn sinh viên ưu tú, thành danh sau khi tốt nghiệp thuộc vào những khóa đầu của Đại học Đà Lạt sau khi thành lập (năm 1977).  

ĐH trở thành trung tâm KH thực sự  

Một liệu pháp có tính căn bản và lâu dài là phải tạo ra một bước ngoặc trong hoạt động nghiên cứu khoa học ở các trường ĐH. Kinh nghiệm của toàn thế giới đã cho thấy, chỉ có đầu tư mạnh để xây dựng các phòng thí nghiệm tốt, các thư viện phong phú và hiện đại, tổ chức chặt chẽ và nghiêm túc công việc nghiên cứu khoa học thì mới có điều kiện bồi dưỡng, nâng cao trình độ của đội ngũ giảng viên và từ đó hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo những thế hệ sinh viên có chất lượng như mong đợi. 

Chỉ có như vậy, trường ĐH mới có được những công trình khoa học, bài báo khoa học tầm cỡ quốc gia hay thế giới, mới tự đào tạo được nhiều tiến sĩ, giáo sư gắn bó với sự nghiệp của nhà trường.  

Và một điều rất quan trọng, chỉ đầu tư cho nghiên cứu khoa học, nhà trường mới có được nguồn thu lớn bằng cách thu hút sự đầu tư của nhà nước, từ bán “sáng chế phát minh”, nhờ chuyển giao công nghệ v.v… 

Ở đây xuất hiện vấn đề lớn: biến các ĐH, CĐ thành những trung tâm nghiên cứu khoa học. Có thể thực hiện chủ trương lớn này bằng cách:  

a/ Xây dựng các phòng thí nghiệm tiên tiến hay các viện nghiên cứu, kể cả những viện nghiên cứu cấp quốc gia trong trường ĐH. Đây là mô hình của hầu hết các nước tiên tiến Âu Mỹ. 

b/ Gắn kết hữu cơ các viện nghiên cứu quốc gia, viện thuộc các bộ, ngành khác nhau với các trường, hoặc khoa của ngành GDĐH. Chỉ có như vậy mới sử dụng có hiệu quả và hiệu suất cao nguồn lực cao cấp và cơ sở nghiên cứu giá trị của toàn xã hội. Ngành Y, các trường ĐH Y khoa, các bệnh viện, các viện nghiên cứu thuộc bộ Y tế từ lâu đã là một hình mẫu thành công của sự hợp tác cơ quan đào tạo và cơ quan nghiên cứu. 

c/ Các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các trung tâm nghiên cứu trong các trường ĐH, nhằm đào tạo nhân lực đạt yêu cầu cho doanh nghiệp, mặt khác các ĐH sẽ thực hiện những công trình nghiên cứu triển khai theo yêu cầu của doanh nghiệp. 

Làm như vậy tức là thiết lập một tam giác Trường-Viện-Doanh nghiệp. Chủ trương này chỉ có thể thực hiện bằng sự chỉ đạo tập trung của Nhà nước. Chủ trương này cũng đã tính đến trong các bản dự thảo chiến lược phát triển giáo dục cho thời kỳ sắp tới. Như vậy là muộn, nhưng muộn mà Chính phủ có quyết tâm còn hơn là không. 

Bổ nhiệm thay phong tặng Giáo sư 

Chủ trương phong tặng chức danh Giáo sư (Phó GS) cũng ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo của GDĐH. 

Thực vậy. Hầu hết các nước không bầu chọn hệ thống chức danh Giáo sư (gồm PGS) như nước ta. Ở các nước, chức danh GS gắn liền với một trường ĐH cụ thể, một vị trí (nhiệm vụ) cụ thể trong hệ thống chuyên môn của trường ĐH. Thiếu GS cho một vị trí nào thì nhà trường tuyển và bầu chọn GS giữ vị trí đó trên cơ sở một số tiêu chuẩn chung do nhà nước quy định. Chức danh GS luôn kèm với một trường cụ thể. Ví dụ nhà vật lý nổi tiếng (giải Nobel) Cronin ghi trong danh thiếp: Cronin, GS Đại học Chicago. Khi thôi nhiệm vụ ở đó, ông ấy sẽ có thể ghi: Nguyên GS, ĐH Chicago. 

Ở nước ta, từ bao lâu nay thực chất là phong danh GS. Có nhiều GS không thuộc một ĐH cụ thể nào, không giữ một vị trí cụ thể nào trong hệ thống bộ máy chuyên môn của ĐH. Ở thủ đô và các thành phố lớn có nhiều GS không giữ vị trí nào ở ĐH. Trái lại ở các trường ĐH nơi xa, thiếu vắng GS trong lúc nhiều ghế cho GS để trống. Đó là hệ quả của chính sách phong danh GS hiện nay. 

Nếu Nhà nước thay đổi chủ trương “học hàm học vị” đúng đắn, thay thế “phong tặng” thành “bổ nhiêm” GS (PGS) sẽ có tác dụng tốt trong việc điều chuyển nguồn chất xám trong phạm vi cả nước, mặt khác cũng sẽ tạo thuận lợi để phối hợp nguồn chất xám đó giữa trường và viện.  

Nói cụ thể hơn, chính sách bổ nhiểm GS mới khuyến khích nhiều nhà giáo dục có trình độ cao đến với những ĐH ở địa phương. Cũng sẽ khuyến khích sự tham gia hữu cơ của các nhà khoa học ở các viện vào sự nghiệp đào tạo ở các ĐH, làm gia tăng số lượng và chất lượng đội ngũ GV của nhà trường và nâng cao chất lượng đào tạo cho sự nghiệp GDĐH nước nhà.  

Tóm lại, Giáo dục ĐH là một mắt xích quan trọng của nền giáo dục quốc dân. Cán bộ giảng dạy ĐH là một đội ngũ quyết định cho chất lượng đào tạo nguồn “lao động chất lượng cao” cho đất nước. Việc tăng cường số lượng và chất lượng đội ngũ này, khắc phục căn bênh thiếu, yếu và đang bị pha loãng hiện nay đòi hỏi những chính sách đúng đắn và sáng suốt của Chính phủ, quyết tâm mạnh mẽ của Bộ GD-ĐT và sự nỗ lực tham gia của mọi ngành, mọi cấp, của toàn xã hội.  

Thiếu những yếu tố đó, không thể đưa nền GDĐH Việt Nam ngang tầm khu vực và quốc tế trong 10 – 20 năm tới, và mục tiêu mà Bộ GD-ĐT đặt ra – xây dựng 4 ĐH đẳng cấp quốc tế, nằm vào top 200" của thế giới vào năm 2020 – cũng chỉ là ước mơ. 

 

Trần Thanh Minh

(Vietnamnet)

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)