Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giảng viên ĐH: Lời cảnh báo của con số

Tạp Chí Giáo Dục

Một trong những yếu tố hàng đầu tạo nên chất lượng đào tạo của một trường ĐH là số lượng và chất lượng hàng ngũ giảng viên (GV). Ở đây, số lượng rất quan trọng, nhưng chất lượng (hay cơ cấu thành phần – phần trăm tiến sĩ (TS), giáo sư (GS) …) còn quan trọng hơn.

> Giáo dục đại học Việt Nam từ góc nhìn ngoài nước

Số lượng và chất lượng

Vì khác hẳn ở bậc trung học (trước đây là trường cấp hai hay cấp ba), trọng trách của một giảng viên đại học rất lớn. Họ không chỉ là giảng bài, càng không phải giảng bài theo kiểu cũ tức “thầy đọc và trò ghi” mà phải luôn tiếp cận với kiến thức mới để cập nhật vào bài giảng và sử dụng phương pháp giảng dạy mới. Điều đó yêu cầu một giảng viên đại học thực thụ phải là một chuyên gia về một chuyên ngành nhất định. Chức năng này chỉ có thể hình thành qua thực tiễn nghiên cứu và triển khai. 

Giảng viên đại học, do đó, bắt buộc phải tham gia công việc nghiên cứu khoa học, hoặc vận dụng những kiến thức mới mẻ vào hoạt động thực tiễn, đồng thời có nhiệm vụ hướng dẫn, tổ chức sinh viên trong những hoạt động như vậy, xem đó là một trong những nhiệm vụ chính của mình. 

Ở một trường đại học, nếu chỉ có hoạt động dạy và học, còn các giảng viên chỉ biết giảng dạy theo kiểu “thầy đọc, trò ghi”, và chỉ biết có vậy thôi, thì trường đại học đó, như người ta gọi đùa, chỉ là trường “phổ thông cấp bốn”, và chất lượng dạy và học ở đây chỉ ở mức “cơm chấm cơm”.  

Vì lẽ đó, nhiều trường đại học đã xem học vị tiến sĩ “thứ thiệt” hay các chức danh chuyên môn ở các viện nghiên cứu như: nghiên cứu viên, nghiên cứu viên chính, nghiên cứu viên cao cấp v.v… là những “giấy thông hành” để bước lên giảng đường đại học, hoặc để được chọn trao trách nhiệm cao hơn như: giáo sư (giáo sư nghiên cứu, giáo sư mời giảng, giáo sư thực thụ, giáo sư danh dự nói chung v.v.…) phụ trách một môn học, một bộ môn, một khoa, một hướng nghiên cứu v.v…  

Và cũng vì thế, để đánh giá đẳng cấp một trường đại học không thể không căn cứ vào số lượng tiến sĩ (TS), giáo sư (GS) của trường này, đồng thời cả số lượng công trình được công bố trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín, những giải thưởng khoa học mà họ đạt được…  

Tất cả các hệ thống xếp hạng trường đại học của US News and World Report, Times Higher Education Supplement (THES), Maclean University Ranking, The Guardian University guide, Đại học Giao thông Thượng Hải… đều đưa ra tiêu chí về số lượng TS, GS hay tỉ lệ số lượng TS, GS so với tổng số GV (TS,GS/GV). Yếu tố này chiếm những trọng số khá cao trong đánh giá xếp hạng. Cũng là dễ hiểu khi giá trị trọng số này sai khác nhau giữa các tổ chức hệ xếp hạng khác nhau trên thế giới.  

Chẳng hạn, với Maclean University Ranking trọng số liên quan chỉ tiêu tiến sĩ và giáo sư khoảng 34%, với Guardian University Guide là 35%. Và với THES chỉ số này được phân ra rất chi tiết như: phần trăm giáo sư người nước ngoài; tỉ số sinh viên (SV) và giáo sư (SV/GS); số công trình có uy tín được công bố…, nhưng tổng cộng cũng khoảng 40%.  

Trong thời gian gần đây, ở nước ta, Bộ GD-ĐT đang hoàn chỉnh bảng tiêu chí đánh giá các trường đại học, cao đẳng thích hợp với điều kiện và mục tiêu của Việt Nam. Những tiêu chí đó hẳn không chỉ để xếp hạng thứ tự các trường mà còn nhằm vào việc khắc phục, hoàn thiện hơn những mặt non yếu hiện nay của GDĐH Việt Nam. Trước hết là những non yếu của đội ngũ giảng dạy ở các trường ĐH và CĐ.  

Đó cũng là một trong những lý do phải quan tâm đến sự tìm hiểu và đánh giá chính xác, không chỉ về chất lượng GDĐH nói chung, cả về chất lượng đội ngũ giảng dạy ĐH và CĐ nói riêng.  

Thiếu và yếu

Vấn đề chất lượng giảng viên ĐH nên bắt đầu với con số thống kê mới nhất (tháng 8/2008) của Bộ GD-ĐT: Cả nước hiện có 369 trường Đại học, Cao Đẳng , Học viện (số trường ĐH: 160, CĐ: 209). Số sinh viên cả nước hiện nay là 1,6 triệu nhưng chỉ có khoảng 52.000 giảng viên.

Như vậy, số sinh viên trên một giảng viên SV/GV trung bình là 28. Với nhiều trường ngoài công lập, con số này chắc chắn còn cao hơn nhiều, đó là chưa kể sự sai lệch bởi những con số ảo trong những báo cáo hoặc thuyết minh xin thành lập trường mới, ngành mới…  

Ngoại trừ những trường đại học hàng đầu thế giới như Đại học Harvard có tỉ số SV/GS là 3,5 và tỉ số SV/GV là 23/2, các nước có nền giáo dục đại học tiên tiến nói chung có tỷ lệ SV/GV nằm trong khoảng 15 – 20. Đối chiếu với chuẩn trung bình quốc tế trên đây, và con số trung bình 28 sinh viên trên 1 giảng viên, hiện ngành Giáo dục Đại học nước ta thiếu khoảng 30.000 – 50.000 thầy cô giáo, tương đương với con số mà một vị lãnh đạo Bộ GD-ĐT đưa ra: “Số giảng viên của ngành đại học nước ta chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu”.

Nạn thiếu giảng viên ở nước ta như vậy là khá trầm trọng, không biết sẽ còn bao nhiêu năm nữa mới có thể bù đắp được sự thiếu hụt đó.

Không chỉ thiếu mà còn yếu. Về điều này, chính vị thứ trưởng nói trên cũng thừa nhận: do giảng viên lên lớp quá nhiều giờ, không có thời gian đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học, biên soạn giáo trình, bài giảng… nên chất lượng đào tạo rất hạn chế.

Một trong những thước đo chính xác chất lượng giảng viên đại học là thành tích nghiên cứu khoa học của họ. Chúng ta thử đối chiếu thành tích nghiên cứu khoa học giữa các trường đại học hàng đầu nước ta và Thái Lan qua số lượng bài báo công bố trên tạp chí chuyên ngành quốc tế (xem cột 2, bảng 1), chất lượng bài báo hay số trích dẫn trung bình một bài báo (xem cột 3, bảng 1) và vai trò đóng góp của tác giả trong nước trong tập thể tác giả bài báo (xem cột 4, bảng 1).

Bảng 1: Thống kê bài báo KH công bố quốc tế của một số ĐH Việt Nam và Thái Lan năm 2004. Nguồn tư liệu gốc: ISIKOWLEDGE   

 Tên các đại học số bài trung bình  trích dẫn

tác giả dẫn đầu      trong nước

tác giả dẫn đầu ngoài nước

      số bài trích dẫn trung bình số bài trích dẫn trung bình
ĐHBK Hà Nội 13 6,7 4 2,5 9 8,6
ĐHQG Hà Nội 28 6,9 7 5,3 21 7,4
ĐHQG TP. HCM 26 4,2 19 4,1 7 4,4
ĐH Chulalongkorn 416 9,4 295 7,1 121 15,3
ĐH Mahidol 465 11 320 8,3 145 16,9

Rõ ràng, từ bảng so sánh ở trên, có thể nhận thấy chất lượng đội ngũ giảng viên ở các Đại học hàng đầu VN và Thái Lan cách nhau một khoảng quá lớn. Riêng về số bài báo khoa học công bố thì khoảng cách đó đến những trên 10 lần! Cũng là công bằng nếu bổ sung thêm rằng, về phương diện bài báo khoa học công bố quốc tế, Singapore đứng đầu khu vực Đông Nam Á chứ không phải Thái Lan và Việt Nam trong vài năm qua đã vượt lên trên Indonesia và Philippines, còn Lào, Campuchia và Mianma chưa có mặt trong danh sách so sánh.   

Một thước đo đơn giản chất lượng giảng viên một trường đại học là cơ cấu thành phần giảng viên, cụ thể là số lượng tiến sĩ (TS), hay ở tỉ lệ TS/GV. Tỉ lệ này các trường ĐH nước ta chỉ mới đạt con số 12,43 %, trong lúc ở các trường đại học trung bình ở phương Tây là khoảng 70%. Với sự so sánh này, chất lượng lực lượng giảng viên đại học VN rõ ràng còn rất thấp.

Nếu so với mục tiêu (Nghị quyết 14-2005/NQ-CP) về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học (GDĐH) VN giai đoạn 2006-2020 cần đạt tới trong năm 2010 là trên 25% giảng viên đại học có trình độ tiến sĩ, và năm 2020 – trên 35% có trình độ tiến sĩ, chúng ta có thể thấy gánh nặng trên vai các trường đại học nước ta nặng nề và khó khăn đến mức nào.

Cũng cần lưu ý thêm rằng, sự phân bố giảng viên, đặc biệt giảng viên cao cấp (TS, GS…) lại không đồng đều. Phần lớn giảng viên trình độ cao tập trung ở các thành phố lớn. Còn các trường có lực lượng GV thiếu và phần lớn nằm ở vùng miền núi phía bắc, vùng Tây Nguyên và đồng bằng Nam bộ, ở các trường mới, trường ngoài công lập.

Lại bị pha loãng

Lực lượng cán bộ giảng dạy thiếu và yếu, vậy mà trong những năm gần đây, hàng loạt trường đại học mới ở nước ta cứ được phép ra đời với tốc độ chóng mặt. Chỉ trong vòng 3 năm, 2005-2008 có đến 20 trường đại học có quyết định thành lập (1 công lập và 19 tư thục), đồng thời nâng 28 trường cao đẳng được lên thành đại học và nâng 86 trường trung học chuyên nghiệp lên thành cao đẳng. Không biết quy trình báo cáo, thẩm định và xét duyệt để cấp phép mở trường mới diễn ra như thế nào? Đây quả là điều khó hiểu. Nhất là khi bản thân Phó TT, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cũng tỏ ra băn khoăn: “Nhu cầu người học tăng nhưng chất lượng cũng gây lo lắng cho khá nhiều người. Vì thế cần làm rõ, cơ hội nào để vừa phát triển các trường đại học, cao đẳng vừa phải tăng chất lượng. Nếu không trả lời được thì chắc chắn sẽ không nhận được sự đồng tình của xã hội”.

Theo số liệu đã biết (Lao động 228, 2/10/2007), trong số 25 trường đại học mới thành lập có trường chưa có giảng viên cơ hữu nào là giáo sư (phó giáo sư) hoặc tiến sĩ như Đại học Hoa Lư, Đại học Trà Vinh, và có trường chỉ mới có 1-2 GS hay TS như Đại học Bạc Liêu, Phú Yên, Hoa Sen. Sư phạm Kỹ thuật Vinh.

Như vậy, một mặt số trường, lớp, ngành nghề đào tạo và nhu cầu lực lượng giảng viên tăng lên vùn vụt, mặt khác số lượng giảng viên nói chung hoặc giảng viên có trình độ cao (cử nhân khá giỏi, tiến sĩ và giáo sư) lại nhích lên chậm chạp. Điều này có nghĩa là lực lượng giảng viên ngành GDĐH vốn thiếu và yếu nay lại bị căng ra, bị pha loãng ra. Trong tình hình đó, chất lượng đào tạo khó có thể giữ vững, chứ chưa nói đến phải nâng cao như yêu cầu bức thiết đặt ra trong Nghị quyết 14-2005/NQ-CP. Theo đó, ngoài một số trường phải đạt đẳng cấp quốc tế với tỉ lệ SV/GV không quá 20, đến năm 2010 có ít nhất 40% GV đạt trình độ thạc sĩ và 25% đạt trình độ tiến sĩ. Và đến năm 2020, chỉ tiêu này cao hơn với ít nhất 60% GV đạt trình độ thạc sĩ và 35% đạt trình độ tiến sĩ.

Yêu cầu đó đòi hỏi những giải pháp toàn diện và đồng bộ mang tính lâu dài của nhà nước, những liệu pháp cấp thời và mạnh mẽ của ngành GDĐH và sự nỗ lực lớn lao của toàn ngành GD, của Nhà nước và của toàn xã hội.

Trần Thanh Minh
(Vietnamnet)

Bình luận (0)