Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giảng viên du học: Nhiều lựa chọn khác ngoài đề án của nhà nước

Tạp Chí Giáo Dục

Không chỉ có con đường du học bằng ngân sách nhà nước, giảng viên cũng có thể chọn du học với chi phí thấp hoặc thông qua học bổng do các quốc gia, cơ sở giáo dục ĐH ở nước ngoài cung cấp.

Nhiều giảng viên du học bằng ngân sách không quay về, vì sao?

Nhiều giảng viên du học bằng ngân sách không quay về: Trường ĐH tìm hướng đi mới

Hiện nay, ngày càng nhiều quốc gia và cơ sở giáo dục ĐH ở nước ngoài cấp học bổng cho sinh viên quốc tế. Chưa kể, một số thị trường du học còn miễn, giảm học phí đối với du học sinh (DHS) bậc thạc sĩ hoặc tiến sĩ (TS). Điều này giúp mở thêm cơ hội cho những giảng viên đang mong muốn nâng cao trình độ, bên cạnh lựa chọn du học bằng ngân sách nhà nước vốn yêu cầu các ràng buộc kèm theo.

Các giảng viên có thêm đa dạng lựa chọn du học ở nước ngoài nhờ nguồn tài trợ từ chính phủ, trường học…. SHUTTERSTOCK

Du học tiến sĩ chưa đến 10 triệu đồng/năm

Pháp là một trong những điểm đến du học TS chi phí thấp trên thế giới, khi các trường ĐH công lập chỉ yêu cầu đóng mức học phí chưa đến 10 triệu đồng/năm, ở mức 380 euro, với thời gian đào tạo kéo dài 3 – 6 năm tùy chuyên ngành. Bên cạnh chương trình tiếng Pháp, DHS còn có thể tham gia các lớp dạy bằng tiếng Anh tại các đơn vị như ĐH Tổng hợp Lille, ĐH Tổng hợp Paris-Panthéon-Assas (Paris 2)…

Có thể du học trường ĐH công lập Pháp với học phí thấp, theo ông Thomas Nguyễn, Giám đốc điều hành Franco-Viet Edu, là vì phần lớn học phí đã được chính phủ nước này đài thọ, từ bậc cử nhân cho đến TS. Đây được xem là một dạng "học bổng" cho tất cả sinh viên. Riêng ở bậc TS, chính phủ Pháp chi trả học phí đến 13.720 euro (khoảng 345 triệu đồng) nên người học chỉ cần đóng một mức "tượng trưng" cho trường.

Song, các trường thường yêu cầu ứng viên có trình độ tiếng Pháp ở mức thông thạo, tối thiểu là B2 hoặc thậm chí C1. Sau đó, người học cần tìm được trường hoặc viện nghiên cứu có nhu cầu tuyển nghiên cứu sinh để ứng cử. Trải qua các vòng tuyển chọn như gửi hồ sơ năng lực, thư trình bày nguyện vọng, phỏng vấn với đại diện trường… và được nhận vào, DHS sẽ được ký hợp đồng hợp tác có lương cũng như có ngày nghỉ theo luật lao động.

Ngoài trường công lập, DHS cũng có thể ứng tuyển nhiều loại học bổng để trang trải học phí, sinh hoạt phí và nhiều tiện ích khác, từ quy mô chính phủ như "France Excellence" (Đại sứ quán Pháp tại VN), "Excellence Eiffel" (Bộ Ngoại giao Pháp) hay "Erasmus+" (Liên minh châu Âu), đến học bổng của các cơ sở giáo dục ĐH, doanh nghiệp Pháp cấp cho cá nhân hoặc nhóm nghiên cứu, thường với các đề tài về kỹ nghệ, công nghệ thông tin hoặc có tính ứng dụng cao.

Ngoài Pháp, chính phủ các quốc gia khác tại châu Âu như Phần Lan, Thụy Điển, Na Uy, Hà Lan… cũng đài thọ học phí ở các trường công lập cho DHS bậc TS. "Tùy theo nhu cầu ngành nghề của từng quốc gia mà học bổng sẽ tập trung nhiều vào lĩnh vực đó. Và không chỉ các nước có chính sách tài trợ khác nhau mà giữa các cơ sở trong một trường ở những thành phố riêng biệt cũng có sự chênh lệch", ông Thomas lưu ý.

Tại châu Âu, chính phủ nhiều quốc gia đài thọ phần lớn cho trường công lập nên mức học phí mỗi sinh viên phải trả khá khiêm tốn. PEXELS

Đài Loan cũng là vùng lãnh thổ sở hữu mức chi phí rẻ khi du học bậc TS, theo bà Nguyễn Thị Khánh Vân, Giám đốc nghiệp vụ Du học Ưu Việt. Chẳng hạn, NTU, ngôi trường có thứ hạng hàng đầu Đài Loan, yêu cầu mức học phí TS dao động từ 102.560 – 300.000 NTD/năm (77 – 227 triệu đồng) tùy ngành nghề, và con số này đang cao hơn so với nhiều trường khác tại vùng lãnh thổ này.

Hai yếu tố để nhận học bổng

Theo bà Nguyễn Thị Khánh Vân, so với bậc cử nhân, học bổng TS có mức độ cạnh tranh thấp hơn, song chế độ học bổng là cao nhất, chẳng hạn ngoài miễn học phí, DHS còn được trường trợ cấp tiền sinh hoạt hằng tháng. Học bổng này do trường hoặc các khoa trong trường cung cấp. Để ứng tuyển, người học phải có kinh nghiệm nghiên cứu, thể hiện qua các bài báo quốc tế đăng trên tạp chí khoa học, kỷ yếu hội nghị…

"Những ngành trao nhiều học bổng tại Đài Loan là tiếng Trung, năng lượng sạch, tự động hóa… Đặc biệt, nhiều chương trình học được dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh nên DHS không nhất thiết phải biết tiếng Trung mới có thể theo học. Chưa kể, có những chương trình dạy bằng tiếng Trung nhưng học liệu đều là tiếng Anh và nghiên cứu sinh cũng được yêu cầu viết luận bằng tiếng Anh", bà Vân nhấn mạnh.

Một quốc gia châu Á khác cũng có nguồn học bổng cho nghiên cứu sinh TS là Hàn Quốc. Bà Bùi Thị Tâm, Tổng giám đốc Công ty TNHH YT KOREA, cho biết mức học phí TS dao động từ 3 – 7 triệu KRW/năm (54 – 126 triệu đồng), tùy khối ngành hoặc thứ hạng của trường. Học bổng chủ yếu dựa trên trình độ tiếng Hàn hoặc tiếng Anh, hoạt động ngoại khóa, điểm trung bình cũng như luận văn thạc sĩ của ứng viên.

Ngoài học bổng, DHS cũng có cơ hội nghiên cứu các đề tài, công trình khoa học và đi nhiều quốc gia khác nhau cùng giáo sư của khoa để làm nghiên cứu. Cụ thể, giáo sư sẽ nhận các đề án khác nhau từ chính phủ, doanh nghiệp và thỏa thuận cùng nghiên cứu sinh thực hiện. "Khi tham gia, DHS sẽ nhận mức lương dao động từ 1 – 1,5 triệu KRW (18 – 27 triệu đồng), thậm chí cao hơn, do chính giáo sư chi trả", bà Tâm cho hay.

Sinh viên quốc tế trong một giờ học tại phòng nghiên cứu của ĐH Quốc gia Úc. ANDY PHẠM

Tại Úc, mỗi trường cũng đều có những mức học bổng khác nhau dành cho nghiên cứu sinh TS, từ cung cấp mức phí nhất định theo năm cho đến miễn học phí và gửi thêm tiền trợ cấp hằng tháng. Ví dụ, ĐH Quốc gia Úc hiện có hàng chục loại học bổng bậc TS dành cho sinh viên quốc tế, tất cả đều được xét dựa trên thành tích học thuật của ứng viên, theo ông Andy Phạm, Quản lý cấp cao khu vực Mê Kông của trường.

"Để ứng tuyển bậc TS, người học cần chuẩn bị hồ sơ nghiên cứu từ 2 – 5 trang nêu rõ đề tài nghiên cứu. Sau đó, tìm giáo sư hướng dẫn phù hợp bằng cách tham khảo trang giới thiệu cũng như đọc các nghiên cứu trước đó của họ. Chỉ khi được giáo sư đồng ý hướng dẫn, bạn mới có thể đăng ký vào trường và học bổng sẽ tự động cấp cho bạn nếu đủ điều kiện chứ không cần ứng tuyển riêng", ông Andy cho hay.

Ngoài các quốc gia kể trên, các thị trường du học phổ biến với DHS Việt như Trung Quốc, Nhật Bản, Anh, Canada, New Zealand… cũng trao các suất học bổng khác nhau, thậm chí lên đến toàn phần cho nghiên cứu sinh TS. Trong đó, hai yếu tố quan trọng nhất để được xét duyệt học bổng là năng lực nghiên cứu và trình độ ngoại ngữ của ứng viên, nhất là tiếng Anh, theo các chuyên gia.

Kinh nghiệm "săn" học bổng từ các giảng viên

Từng nhận học bổng toàn phần từ tổ chức Hornby Trust để du học tại ĐH Warwick (Anh), thạc sĩ Đỗ Nguyễn Đăng Khoa, giảng viên thỉnh giảng tại Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM, chia sẻ: "Để tìm học bổng, thầy cô nên tham khảo ở trang thông tin của một số cá nhân cũng như các tổ chức giáo dục. Riêng với loại học bổng toàn phần của chính phủ các quốc gia như Anh, Mỹ, Úc, việc "giải mã" được yêu cầu của học bổng cùng kinh nghiệm của ứng viên quan trọng hơn so với yếu tố điểm số. Ngoài ra, thầy cô có thể tự làm hồ sơ và ứng tuyển học bổng".

TS Đỗ Thị Thu Hiền, nghiên cứu viên tại Trung tâm nghiên cứu bệnh truyền nhiễm, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), từng nhận học bổng toàn phần để theo học bậc TS tại ĐH Sejong (Hàn Quốc) sau khi phỏng vấn trực tiếp với đại diện trường. Để đạt loại học bổng này, TS Hiền cho biết bảng điểm, thư động lực và CV là những yêu cầu bắt buộc, song ứng viên cũng nên tìm hiểu trước về hướng nghiên cứu của giáo sư để tăng khả năng cạnh tranh.

"Sau khi đến Hàn Quốc, tôi không chỉ có cơ hội nghiên cứu cùng giáo sư mà còn đảm nhận công việc trợ giảng cũng như được chu cấp một phần kinh phí từ công việc này. Mặt khác, với một số ngành đặc thù, hầu hết sinh viên sẽ là người bản địa và điều này khiến tôi gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp, đồng thời chịu một số thiệt thòi nhất định, như từng phải làm nghiên cứu theo kiểu "chỉ đâu đánh đó". Đây là một trong những thử thách tôi đã gặp phải", TS Hiền chia sẻ.

Theo Ngọc Long/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)