Giáo trình được coi là bộ mặt của một trường ĐH. Tuy nhiên, thù lao cho giảng viên viết giáo trình quá thấp cũng làm cho nhiều giảng viên không mặn mà với công việc quan trọng này
“Chúng tôi phải “kêu gào” rất nhiều để giảng viên viết giáo trình nhưng nhiều giảng viên vẫn coi đây là nghĩa vụ chứ không hề muốn viết giáo trình”. PGS- TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, cho biết.
Hiện nay, nhiều bộ môn của các trường ĐH vẫn phải mượn giáo trình của trường khác hoặc dựa vào bài soạn của giảng viên trong khi việc làm giáo trình riêng của các trường gặp rất nhiều trở ngại.
30%-70% giáo trình đi mượn
PGS-TS Võ Văn Sen cho biết số giáo trình do giảng viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM viết chỉ chiếm khoảng 40% giáo trình được sử dụng cho các bộ môn, 60% còn lại phải mượn của các trường khác hoặc dựa vào giáo án của giảng viên. PGS – TS Trịnh Sâm, Trưởng Khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TPHCM, cũng cho biết số giáo trình khoa tự biên soạn hiện chiếm khoảng 70%, phần còn lại 30% phải sử dụng sách của các trường khác.
Tại Trường ĐH Luật TPHCM, PGS-TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng nhà trường, cũng cho biết hiện trường mới chỉ làm được khoảng 40 đầu sách cho sinh viên làm tài liệu học tập, trong khi bộ giáo trình đầy đủ cho sinh viên trường là 70 cuốn.
Sinh viên tham khảo giáo trình tại thư viện Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM. Ảnh: N. Hữu
Theo PGS-TS Mai Hồng Quỳ, mỗi giáo trình có chuẩn riêng về mặt khoa học lẫn thực nghiệm. Tuy nhiên, việc mượn giáo trình của trường khác để sử dụng sẽ khiến cho giảng viên mất đi quan điểm riêng của mình cũng như sự sáng tạo trong giờ lên lớp.
Tại các trường ĐH dân lập, giáo trình do trường biên soạn chỉ đếm trên đầu ngón tay. GS Bùi Khánh Thế, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học TPHCM, thừa nhận thiếu giáo trình chính là nhược điểm lớn nhất của các trường dân lập. Hiện nay, nhiều bộ môn phải dùng chung giáo trình của trường khác, phần lớn giảng viên tự soạn giáo án lên lớp rồi photocopy cho sinh viên học.
Đi dạy “sướng” hơn viết giáo trình
“Chúng tôi đang hối thúc tất cả các khoa tiến hành làm giáo trình để sinh viên có tài liệu học tập, tuy nhiên, việc làm giáo trình vô cùng khó khăn do các giảng viên bận đi giảng dạy hoặc đi học tại nước ngoài” – PGS-TS Mai Hồng Quỳ cho biết.
Tuy nhiên, một lý do khiến cho giảng viên không tha thiết trong việc viết giáo trình chính là thù lao quá thấp. PGS-TS Mai Hồng Quỳ cho biết hiện mỗi giảng viên trình độ thạc sĩ trở lên tham gia viết sách chỉ được trả thù lao 60.000 đồng/trang. Trong khi đó, để viết được một trang giáo trình, giảng viên phải đầu tư rất nhiều thời gian và công sức.
PGS- TS Võ Văn Sen cũng nêu thực tế: “Hiện mỗi giảng viên tham gia viết giáo trình được trả khoảng từ 7- 9 triệu đồng/cuốn, mà để viết xong một giáo trình phải mất từ 6 tháng đến 1 năm, thậm chí 2 năm mới xong. Trong khi chỉ cần đi dạy từ 45 – 90 tiết, giảng viên có thể có số thù lao cao hơn số tiền đó”.
Cũng đã từng tham gia viết giáo trình, PGS-TS Trịnh Sâm cho biết nhiều nhà xuất bản trả cho giảng viên thù lao 8%-10% trên giá bìa. Có giáo trình chỉ xuất bản 200 – 500 cuốn, như vậy giảng viên chỉ được hưởng 2 – 5 triệu đồng/cuốn. “Thù lao trả cho trí tuệ khoa học của giảng viên “quá bèo”. Giảng viên “âm thầm” đi dạy thêm chắc chắn có thù lao cao hơn và ít chịu trách nhiệm hơn so với viết sách” – GS Trịnh Sâm nhìn nhận.
Thêm vào đó, kinh phí dành cho việc làm giáo trình tại các trường hiện rất hạn chế, đặc biệt là các trường dân lập. “Có cuốn sách tôi viết từ năm 1995, chưa đến nỗi lạc hậu nhưng nếu có kinh phí chắc chắn tôi sẽ phải viết thêm để cập nhật kiến thức mới, tuy nhiên, hiện trường chưa cấp kinh phí để làm” – GS Bùi Khánh Thế nói. PGS-TS Trịnh Sâm cũng cho biết đã chuyển sang đào tạo tín chỉ, nhưng chưa thấy nhà trường đề cập đến việc cấp kinh phí để các khoa làm lại giáo trình.
GS Bùi Khánh Thế cho rằng để khuyến khích giảng viên đầu tư vào việc viết giáo trình, trước hết phải trả công xứng đáng với trí tuệ và công sức của họ. PGS – TS Mai Hồng Quỳ cho rằng để giảng viên viết sách thì phải giảm giờ lên lớp cho họ, tuy nhiên, nếu giảm giờ lên lớp thì trường phải tuyển thêm giảng viên trong khi quỹ lương cứng rất eo hẹp. Đây chính là bài toán khó mà các trường đang đối mặt…
Bình luận (0)