Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giảng viên không “mặn” với nghiên cứu khoa học

Tạp Chí Giáo Dục

Giảng viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM ra mắt công trình nghiên cứu chế tạo rôbốt. Ảnh: Q.Huy

5 năm qua, có thể nói hoạt động khoa học – công nghệ (KH-CN) các trường ĐH khối kinh tế, quản trị kinh doanh mới chỉ đáp ứng phần lý luận. Còn hiệu quả thực tế thì vẫn còn là điều trăn trở. Đây là một thực tế của hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) tại các trường ĐH Việt Nam hiện nay.
Bộ GD-ĐT vừa tổ chức hội nghị tổng kết để đánh giá những mặt được cũng như hạn chế của hoạt động nghiên cứu KH-CN tại các trường ĐH khối kinh tế quản trị kinh doanh, đồng thời tìm ra phương hướng, giải pháp cho 5 năm tiếp theo.
Công trình nghiên cứu xong… xếp xó!
Đánh giá hoạt động nghiên cứu KH-CN của các trường ĐH khối kinh tế, quản trị kinh doanh trong thời gian qua, PGS.TS Trần Thọ Đạt, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, thành tựu mà các trường đạt được chủ yếu là nghiên cứu lý luận cơ bản; nghiên cứu phục vụ hoạch định chính sách quản lý kinh tế vĩ mô; nghiên cứu tư vấn kinh doanh cho các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế xã hội; tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học, thông tin khoa học về các vấn đề kinh tế xã hội; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực NCKH và tư vấn. Trong 5 năm qua, các trường ĐH khối kinh tế, quản trị kinh doanh đã xuất bản được 403 cuốn giáo trình và 768 sách tham khảo; công bố được 153 bài báo quốc tế, 172 bài hội thảo quốc tế, 3.008 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí trong nước và 2.487 bài đăng trên kỷ yếu khoa học trong nước. Theo số liệu này, chỉ có 5,58% số công trình công bố trên các tạp chí quốc tế trên tổng số các công trình đã công bố trên các tạp chí. Tổng số các đề tài nghiên cứu cấp nhà nước mà khối trường này nhận được trong 5 năm qua là 38 đề tài; 805 đề tài cấp bộ, 1.209 đề tài cấp cơ sở và 34 đề tài hợp tác quốc tế. Tổng số kinh phí dành cho hoạt động khoa học công nghệ giai đoạn 2006-2010 trên 133 tỷ; trong đó trên 20 tỷ dành cho các đề tài cấp nhà nước; trên 37 tỷ cho đề tài cấp bộ; gần 6 tỷ cho đề tài cấp cơ sở; gần 5 tỷ cho NCKH trong sinh viên – nghiên cứu sinh; gần 64 tỷ cho các đề tài nghiên cứu quốc tế và 832 triệu đồng cho các hoạt động khoa học công nghệ khác.
Như vậy, các công trình nghiên cứu của khối các trường kinh tế, quản trị kinh doanh vẫn chỉ tập trung vào vấn đề lý luận, chính sách vĩ mô. Những đề tài này được đánh giá là dễ làm, dễ nghiên cứu. Ông Phùng Xuân Nhạ, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, NCKH của các trường kinh tế, quản trị kinh doanh vẫn nằm ngoài cơ chế thị trường. Các công trình nghiên cứu xong tốn kém hàng tỷ đồng nhưng chỉ để cho vào ngăn kéo tủ. Điều này là lãng phí. Các trường vẫn chưa chịu tìm đầu ra cho mình. PGS.TS Nguyễn Hữu Tri, Chủ nhiệm Khoa Quản trị kinh doanh – ĐH Phương Đông cho rằng các trường đều nói không có kinh phí cho NCKH. Nhưng Việt Nam đang thực hiện cơ chế thị trường. NCKH cũng phải theo cơ chế này. Theo PGS. Tri, các trường cũng phải tìm người “đặt hàng”, không phải xin Nhà nước từ A đến Z. Tư tưởng “thoát ly” dần “bầu sữa” của Nhà nước đối với NCKH trong các trường ĐH không còn là một ý tưởng mới nhưng nó thực sự quan trọng để NCKH trở thành một bộ phận của đời sống.
Giảng viên không mặn mà
Trong thời gian qua, NCKH tại các trường ĐH kinh tế, quản trị kinh doanh còn nhiều vướng mắc, khó khăn. Trong đó, quan trọng nhất đó là thời gian dành cho NCKH của các giảng viên không nhiều. Thứ tự ưu tiên của nhiều giảng viên là giảng dạy để hoàn thành nghĩa vụ, dạy thêm để tăng thu nhập sau đó mới là NCKH. Số lượng giảng viên tham gia NCKH không nhiều. Tại ĐH Thương mại chỉ có 194/534 giảng viên (vừa chủ trì, vừa tham gia); ĐH Kinh tế TP.HCM có 98/532. Yếu tố thứ hai là hụt hẫng về đội ngũ cán bộ nghiên cứu. Theo tính toán, trong 5 năm qua, khối các trường kinh tế quản trị kinh doanh có số giảng viên thay đổi trên 30% nhưng trong số này, số giáo sư vẫn giữ nguyên, phó giáo sư thay đổi trên 20%, tiến sĩ thay đổi trên 29%. Không những thế, theo PGS. Hoàng Văn Hoa, (Trường ĐH Kinh tế quốc dân) thì Trường ĐH Thương mại có tới 534 giảng viên cơ hữu nhưng chỉ có 1 giáo sư; ĐH Ngoại thương có 390 giảng viên cơ hữu cũng chỉ có 2 giáo sư. Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) có 186 giảng viên cơ hữu nhưng chưa có giáo sư nào. Phần lớn giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên ở các trường đều đã trên 50 tuổi.
Trong thời gian tới, để hoạt động NCKH tại các trường khối kinh tế, quản trị kinh doanh thực sự… kinh tế, cần một giải pháp mang tính chiến lược đó chính là yếu tố nhân lực. Nếu không có đội ngũ giảng viên đủ mạnh, đủ tâm, đủ tầm thì NCKH của các trường cũng chỉ mãi ở mức đi cạnh cơ chế thị trường như hiện nay.
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)