Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giảng viên phải tự đổi mới mình

Tạp Chí Giáo Dục

Giảng viên Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật TP.HCM giới thiệu mô hình dạy học hiện đại của trường. Ảnh: L.Q
Đó là lưu ý của TS. Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT tại Hội thảo nâng cao năng lực đào tạo, bồi dưỡng giảng viên (GV) và cán bộ quản lý giáo dục các trường sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo viên, do Bộ GD-ĐT tổ chức, diễn ra trong 2 ngày 4 và 5-2 tại Đà Nẵng.
Còn nhiều hạn chế
Thực hiện NQ29 Hội nghị BCH TƯ Đảng lần thứ 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH đất nước, Bộ Giáo dục đã thực hiện nhiều chương trình nhằm thúc đẩy sự đổi mới “căn bản, toàn diện” trong giáo dục ĐH và giáo dục phổ thông. Để đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao năng lực đào tạo, bồi dưỡng GV và cán bộ quản lý giáo dục các trường sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo viên là vấn đề được chú trọng. Theo báo cáo đề dẫn hội thảo, tính đến năm 2014, cả nước có 133 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, 1 học viện ngành quản lý giáo dục, 37 trường CĐSP, 48 khoa/ngành sư phạm trong các trường ĐH đa ngành, 26 khoa/ngành trong các trường CĐ đa ngành, 3 trường TCSP và 3 cơ sở bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục. Ở các trường ĐHSP hiện có 4.490 GV; trong đó 5,2% có chức danh GS, PGS; 13,7% có trình độ tiến sĩ khoa học, tiến sĩ và 48,7% có trình độ thạc sĩ. Ở các trường CĐSP hiện có 3.543 GV, trong đó 0,07% có chức danh GS, PGS; 0,93% có trình độ tiến sĩ và 36,89% có trình độ thạc sĩ.
PGS.TS Nguyễn Thúy Hồng, Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cho biết: Trước những yêu cầu đổi mới, hệ thống các trường, khoa sư phạm đang đối mặt với một số thách thức, cụ thể là các bài toán cần giải quyết để nâng cao chất lượng công tác đào tạo và bồi dưỡng GV, cán bộ quản lý cho ngành giáo dục.
Theo PGS.TS Nguyễn Thúy Hồng, thứ nhất là bài toán về cung cầu, lời giải nào cho vấn đề năng lực đào tạo lớn mà nhu cầu về GV của các trường đang giảm về số lượng và có yêu cầu đạt chuẩn nghề nghiệp. Đã một thời gian dài nhiều trường sư phạm đào tạo sinh viên theo năng lực mà không bám sát nhu cầu về đội ngũ từ thực tế nhà trường mầm non, phổ thông, chưa gắn kết với công tác quy hoạch đội ngũ của ngành, của từng sở giáo dục và các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông; nhiều sinh viên sư phạm tốt nghiệp gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm. Thứ hai, là việc quy hoạch sắp xếp lại mạng lưới các trường sư phạm để tăng cường năng lực, tạo sự phối kết hợp chặt chẽ với nhau. Thực tế hiện nay có nhiều trường CĐSP nâng cấp thành trường ĐH nhưng chưa đảm bảo về nguồn lực và điều kiện. Và bài toán thứ ba là nâng cao năng lực cho chính các trường sư phạm. Thực tế, các trường sư phạm chậm thay đổi so với đổi mới của giáo dục mầm non, phổ thông. Tuyển sinh chưa nghiên cứu kỹ nhu cầu tuyển dụng và thực tế; hầu hết các trường đều tập trung đào tạo mới mà bỏ qua khâu đào tạo bồi dưỡng; chậm đổi mới phương pháp các hình thức tổ chức dạy học hay ứng dụng CNTT vào thực tiễn dạy học và kiểm tra đánh giá kết quả học tập của SV; việc nâng cao năng lực cho đội ngũ GV, tổ chức thực hiện các hoạt động đảm bảo chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học nhất là KHSP, hợp tác quốc tế chưa được quan tâm thỏa đáng; CSVC, thiết bị phục vụ việc dạy học, nghiên cứu còn lạc hậu…
Đột phá trong phát triển đội ngũ
Tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: Đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục cần có những vấn đề then chốt, mang tính đột phá. Trong đó phát triển đội ngũ và đổi mới cơ chế là vấn đề then chốt cần được quan tâm đặc biệt. Điều cốt lõi là chuyển nền giáo dục từ hướng trọng tâm trang bị kiến thức cho người học sang phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực người học. Việc này đòi hỏi không phải chỉ là trường phổ thông, mà cần sự vào cuộc của hệ thống các trường ĐH, CĐSP. Cần đổi mới phương pháp, cách tổ chức dạy học, chuyển từ hình thức dạy học trên lớp là chủ yếu sang tổ chức hoạt động xã hội, trải nghiệm sáng tạo. Song song đó đổi mới cả cách thức kiểm tra đánh giá. Điều cần thiết hiện nay là nâng cao năng lực của đội ngũ GV. Thực tế, đội ngũ giáo viên phổ thông hiện nay được đào tạo theo hướng tiếp thu kiến thức mà bỏ qua khâu phát triển năng lực nghiệp vụ sư phạm. Thế hệ giáo sinh này ra trường lại dạy theo hướng truyền đạt kiến thức chứ cũng không hướng đến cái đích phát triển năng lực học sinh. Bởi vậy, cần phải bồi dưỡng để họ trở thành những người có năng lực về giáo dục nói chung, năng lực dạy học nói riêng; biết dạy học sinh phát huy được phẩm chất năng lực trong điều kiện mới của đổi mới. Với cán bộ quản lý ở các trường phổ thông, cần nâng cao năng lực quản lý, có tầm nhìn, biết sắp xếp tổ chức nhà trường phát triển, không phải chỉ tuân theo mệnh lệnh của cấp trên mà phải có đường hướng phát triển riêng phù hợp với sứ mạng trường đó; phải đảm bảo trường phổ thông đó phát triển bền vững không phải vì mục tiêu trước mắt mà phát triển bền vững, lâu dài.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng lưu ý, các trường sư phạm và trường phổ thông cần có sự phối kết hợp chặt chẽ. Theo Thứ trưởng, lâu nay, chỉ coi sư phạm giữ vai trò và có trách nhiệm với việc đào tạo nhưng việc bồi dưỡng thì ít quan tâm. Còn cơ sở phổ thông thì chỉ lo bồi dưỡng giáo viên nhưng ít nghĩ đến việc đào tạo sinh viên. Bởi vậy, các trường phổ thông phải đóng góp vào việc đào tạo sư phạm, phải là nơi thực hành thực tập thật tốt cho sinh viên sư phạm. Vấn đề quan trọng nhất là làm sao nâng cao năng lực đội ngũ GV. Vì chúng ta hình dung GS là cao nhất rồi, lại đào tạo lại GS? Như vậy GS phải tự đổi mới mình. Đó là cái khó nhất. Lâu nay các GS chỉ quen đọc bài giảng thôi, phải tự thay đổi phong cách, phương pháp giảng dạy, phải ứng dụng CNTT, có bài giảng từ xa… Các GV, cán bộ quản lý phải học tập suốt đời. Các trường phổ thông, các trường sư phạm phải tạo điều kiện cho GV. Như vậy các đơn vị này cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn.
Phan Vĩnh Yên 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)