“Tập trung giải quyết yếu kém trong quản lý giáo dục ĐH” là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đối với Bộ GD-ĐT trong việc thực hiện nhiệm vụ năm học mới 2009-2010 tại hội nghị tổng kết năm học và triển khai nhiệm vụ năm học mới khối các trường ĐH, CĐ do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 25-8.
Giảng viên trẻ Trường ĐHSP TP.HCM Nguyễn Hồ Phương Chi trong một giờ dạy tiếng Anh tại trường -Ảnh: Như Hùng |
Theo Thủ tướng, chính quản lý nhà nước còn yếu kém, cơ chế chính sách còn nhiều bất cập nên chưa huy động, khai thác được nhiều nguồn lực trong xã hội, trong dân, chưa tranh thủ, thu hút được các nguồn đầu tư bên ngoài để phát triển giáo dục ĐH. “Phải rà soát khung pháp lý để quản lý các trường ĐH, CĐ trong khuôn khổ pháp luật để không phải xin-cho” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong khi đó, chất lượng đào tạo còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội – Bộ GD-ĐT đã thừa nhận như vậy khi đánh giá về những hạn chế, yếu kém của giáo dục ĐH hiện nay.
376 trường, chỉ có 320 giáo sư!
Năm học 2009-2010: tất cả các trường phải chuyển sang học chế tín chỉ
– Rà soát quy chế hoạt động, quy chế chi tiêu, đánh giá mức độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm… Chấn chỉnh các tình trạng có quy chế hoạt động, quy chế chi tiêu trái pháp luật, sinh viên vi phạm quy chế thi, tốt nghiệp và giáo viên chấp nhận các tiêu cực đó.
– Tiếp tục chuyển đổi sang đào tạo theo tín chỉ, là năm học bản lề để các trường chuẩn bị đến năm học 2010-2011 tất cả phải chuyển đổi sang đào tạo theo tín chỉ.
– Xây dựng chuẩn năng lực nghề nghiệp đầu ra và thực hiện “ba công khai” trong đào tạo, đến cuối năm 2010 các trường phải công bố công khai về năng lực đào tạo, chất lượng đào tạo và tài chính. Các trường phải công khai mức học phí của từng năm học và dự kiến cả khóa học cho người học trước khi thực hiện tuyển sinh.
– Thực hiện đánh giá và kiểm định chất lượng các trường ĐH, CĐ, phấn đấu đến hết năm 2010 có 90% các trường ĐH, CĐ hoàn thành báo cáo tự đánh giá, 80% các trường ĐH và 50% các trường CĐ được đơn vị khác đánh giá.
|
Bộ GD-ĐT cho rằng chất lượng giáo dục ĐH bị ảnh hưởng khá nhiều bởi tình trạng “các trường thành lập mới, nâng cấp từ trung cấp chuyên nghiệp lên CĐ hoặc CĐ lên ĐH chủ yếu là các trường tư thục và các trường đóng tại địa phương, chưa thực hiện đúng cam kết khi thành lập trường, tiến độ triển khai kế hoạch xây dựng và phát triển trường chậm làm ảnh hưởng đến điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo”. “Đội ngũ giảng viên thiếu về số lượng và yếu về chất lượng” được Bộ GD-ĐT coi là “hạn chế lớn nhất” ở những trường ĐH, CĐ này. Nhiều trường ngoài công lập được thành lập trong tình trạng “vay mượn” hoàn toàn đội ngũ giảng viên, đến khi thành lập đi vào hoạt động thực tế chỉ có trong tay vài ba cán bộ, giảng viên cơ hữu.
Nhưng giảng viên không chỉ là vấn đề của riêng những trường mới thành lập hay ngoài công lập. Ngay cả đối với toàn hệ thống giáo dục ĐH, bao gồm những trường ĐH công lập lớn, thực trạng đội ngũ giảng viên cũng đáng báo động. Vụ Giáo dục ĐH cho biết: tính đến ngày 10-8, tổng số giảng viên cơ hữu của tất cả các trường ĐH, CĐ trong cả nước là 61.190 người. Nếu chỉ xét về số lượng thuần túy thì con số này đã tăng hơn 5.000 người so với năm học 2007-2008. Nhưng nếu xét về chất lượng, đội ngũ giảng viên ĐH, CĐ đang có sự sút giảm đáng kể. Số giảng viên có trình độ tiến sĩ trong các trường ĐH, CĐ hiện chiếm 13,86%, giảm so với tỉ lệ 14,33% của năm học 2007-2008. Hiện cả nước chỉ có 6.217 giảng viên ĐH, CĐ có trình độ tiến sĩ. Cả nước có 376 trường ĐH, CĐ nhưng số giảng viên có chức danh giáo sư trong cả nước là… 320 người. Lực lượng kế cận là các phó giáo sư cũng chỉ chưa đầy 2.000 giảng viên có chức danh này.
Thực trạng này dẫn đến “một số trường thiếu cán bộ đầu đàn, không đủ cán bộ có kinh nghiệm giảng dạy và có trình độ cao ở từng lĩnh vực chuyên môn chính, vì vậy không đủ cả năng lực biên soạn giáo trình”- bà Trần Thị Hà, vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, cho biết.
Sai phạm từ liên kết đào tạo
Thế nhưng đội ngũ giảng viên vừa yếu về chất lượng vừa thiếu về số lượng đó vẫn đang phải gánh cả số lượng đào tạo không chính quy khổng lồ với gần 900.000 sinh viên, trong đó chủ yếu là chỉ tiêu đào tạo theo hình thức liên kết. Kết quả thanh tra hoạt động liên kết đào tạo (LKĐT) mới nhất của Bộ GD-ĐT cho thấy hầu hết các trường ĐH đều có hoạt động LKĐT, một số trường như ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Đà Lạt, ĐH Nha Trang, ĐH Cần Thơ… có quy mô LKĐT rất lớn. “Một số trường triển khai LKĐT với quy mô khá lớn, cả với ngành mới được phép đào tạo, đội ngũ giảng viên chưa nhiều như ngành kế toán của Trường ĐH Nha Trang, dẫn đến vượt quá năng lực của trường…” – ông Nguyễn Văn Chiến, chánh thanh tra giáo dục, cho biết.
Do thiếu giảng viên, hầu hết các lớp LKĐT được tổ chức học cuốn chiếu từng môn, nhiều môn học không dạy đủ số tiết quy định để tiết kiệm chi phí và dễ bố trí giảng viên – ông Nguyễn Ngọc Trúc, phó chánh thanh tra giáo dục, cho biết. Môn triết học có 60 tiết dạy trong… năm ngày – đó là thực tế đã diễn ra ở lớp LKĐT của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM với Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Tiền Giang. Kỷ lục hơn là với số tiết dạy tương tự của môn triết học, lớp LKĐT ngành kế toán của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM với Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Long An chỉ cần dạy trong… ba ngày rưỡi. Cũng ở lớp này, 60 tiết môn tin học được dạy trong ba ngày rưỡi, 60 tiết môn toán xác suất thống kê dạy trong… ba ngày đã xong.
“Mỗi giảng viên về địa phương sẽ dạy một mạch vài ngày hết một môn rồi tổ chức thi hết môn ngay sau đó. Dạy liên tục với cường độ cao 8-10 tiết/ngày, lại chỉ học một môn duy nhất, khả năng truyền đạt của thầy và khả năng tiếp thu của người học đều bị hạn chế rất nhiều. Học liên tục 5-6 ngày để hết môn, người học làm sao có thể tiếp thu được kiến thức”- ông Trúc nhận xét.
THANH HÀ (TTO)
Bình luận (0)